Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cải cách tư pháp làm hoạt động xét xử thuyết phục hơn'

"Tinh thần cải cách tư pháp thể hiện rất rõ khi khẳng định tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, nhiệm vụ đầu tiên là bảo vệ công lý", ông Nguyễn Đức Hiển nói.

Tiếp xúc cử tri trong lần đầu tiên ứng cử HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, khẳng định sẽ luôn đóng góp cho sự hoàn thiện của luật pháp, đấu tranh cho những số phận oan sai và phản ánh những bức xúc của người dân.

Zing có cuộc trao đổi với ông Hiển trước thềm bầu cử đại biểu HĐND TP.HCM.

- Là một nhà báo, lãnh đạo một cơ quan báo chí chính trị - xã hội chuyên ngành pháp luật, ông quan tâm như thế nào đến cải cách tư pháp?

- Không chỉ rất quan tâm, mà báo Pháp Luật TP.HCM coi cải cách tư pháp (CCTP) một trong những lĩnh vực quan trọng nhất để tác nghiệp; coi việc thúc đẩy tiến trình CCTP là một mục tiêu hoạt động của mình

- Liệu ở vị thế một tờ báo địa phương, có những hạn chế gì trong việc đóng góp vào tiến trình đó?

Báo chí có đặc trưng quan trọng, là thông tin không bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Luật báo chí cũng không hạn chế việc một cơ quan báo chí địa phương bày tỏ và đóng góp các vấn đề vĩ mô.

Một trong những mục tiêu lớn nhất của CCTP theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là bảo đảm công lý và quyền con người. Vì vậy tôi và đồng nghiệp còn có ưu thế trong việc quan sát sự chuyển động của CCTP từ cơ sở.

nha bao nguyen duc hien anh 1

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển trình bày chương trình hành động với cử tri. Ảnh: Quang Huy.

- Là nhà báo có nhiều năm theo dõi hoạt động xét xử, theo ông tinh thần CCTP đã thể hiện như thế nào?

CCTP đã tạo điều kiện xây dựng và hoàn thiện những thiết chế bảo đảm cho hoạt động xét xử, mà rõ nhất là Hiến pháp 2013.

Tinh thần CCTP thể hiện rất rõ khi khẳng định tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, nhiệm vụ đầu tiên là bảo vệ công lý, đề cao quyền con người và yêu cầu bảo vệ quyền con người; khẳng đinh nguyên tắc quan trọng nhất của hoạt đông tư pháp là nguyên tắc độc lập. Kế đó, các bộ luật quan trọng như Dân sự, Hình sự và các bộ luật tố tụng liên quan cũng đã được sửa đổi toàn diện.

- Còn tại các phiên tòa, dưới quan sát của ông, tinh thần CCTP đã thể hiện và biến chuyển hoạt động tòa án ra sao?

Về con người tiến hành tố tụng, việc luật hóa các chức danh và quy trình bổ nhiệm, sự tham gia của MTTQ và các thiết chế khác khi xây dựng nhân sự ngành Tòa án ngày càng được chú trọng.

Còn tại phiên tòa, việc tranh luận dân chủ, ghi nhận lập luận của luật sư và bị cáo lẫn người có quyền, nghĩa vụ liên quan khác ngày càng được chú trọng. Điều đó cụ thể hóa sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Gần đây nhất là phiên tòa xét xử vụ Trịnh Sướng buôn lậu xăng dầu do TAND tỉnh Đắk Nông xét xử sơ thẩm, các luật sư đều tỏ ra hài lòng về cách thức vận hành phiên tòa này.

- Cũng từng có ý kiến lo ngại "nới rộng" tranh luận và các điều kiện khác ở những phiên tòa sẽ làm giảm đi tính chuyên chế?

Cần thấy Đảng cộng sản Việt Nam là một đảng cầm quyền, và hoạt động CCTP được khởi xướng, lãnh đạo bởi Đảng. Như vậy CCTP là một đòi hỏi nội tại từ trong Đảng, để bảo đảm công lý, bảo đảm quyền con người, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Vậy thì dân chủ trong hoạt động tư pháp sẽ không làm giảm tính chuyên chính, mà càng làm cho sự chuyên chính trở nên thuyết phục hơn. Không có lý do gì để lo ngại cả.

- Ông là một trong số 5 đại diện của giới Báo chí - Xuất bản được Ủy ban MTTQ TP.HCM giới thiệu ra ứng cử đại biểu HĐND TP. HCM nhiệm kỳ 2021-2026. Nếu trúng cử, ông sẽ tiếp tục quan tâm đến CCTP như thế nào?

HĐND có chức năng giám sát các hoạt động, trong đó có hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu được trở thành đại biểu, tôi sẽ có thêm điều kiện để tham gia thực hiện chức năng giám sát đó.

Với chuyên môn chính được đào tạo là ngành luật, có thời gian gần 30 năm hoạt động báo chí chuyên ngành luật và quan tâm đặc biệt đến hoạt động xét xử, tôi có nhiều cơ hội để tìm hiểu, ghi nhận những mặt tích cực lẫn hạn chế của hoạt động tư pháp và kiến nghị phù hợp với cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện nó. Cải cách tư pháp có mục tiệu là đảm bảo quyền con người, thì đại biểu HĐND càng có điều kiện phục vụ người dân ở lĩnh vực này.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển sinh năm 1973, tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM, Cao cấp Lý luận chính trị; hiện là Phó tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM.

Ông được Ủy ban MTTQ TP.HCM giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021, Đơn vị bầu cử số 17, quận Bình Thạnh cùng các ứng cử viên: Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh; bà Nguyễn Thi Thanh, Chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Văn Thưởng (Thượng tọa Thích Minh Thành), Phó ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ bỏ phiếu tại thị trấn Củ Chi

Theo Ủy ban bầu cử TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là ứng viên tại đơn vị số 10 gồm huyện Củ Chi và Hóc Môn.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm