Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái chết của gia sư trẻ gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc

Một giáo viên trẻ ở Trung Quốc đã qua đời tại văn phòng, nghi vấn do phải vật lộn để quản lý 400 học sinh và làm thêm giờ quá nhiều.

Một gia sư ở Trung Quốc đã tử vong tại nơi làm việc. Ảnh: Shutterstock

Theo SCMP, thầy giáo Li (26 tuổi) đã làm việc 5 năm tại một công ty dạy kèm ở Vũ Hán (Trung Quốc).

Công ty này được thành lập năm 2012, cung cấp các khóa học trực tuyến môn Tiếng Anh vào Toán cho học sinh tiểu học và trung học. Có hơn 160 triệu người đang sử dụng dịch vụ của công ty.

Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Li gia nhập công ty với vai trò gia sư trực tuyến. Theo truyền thông địa phương, thầy giáo đã phải làm thêm giờ liên tục trong những ngày gần đây để kịp tiến độ công việc trước kỳ nghỉ phép dài ngày.

Ngày 22/4, thầy Li đến văn phòng và làm việc đến tận khuya. Vợ sắp cưới không thể liên lạc được và đã đến công ty để tìm, nhưng cửa không mở được. Sau đó, gia đình đã báo cảnh sát.

Sáng hôm sau, một người dọn dẹp phát hiện thầy giáo bất tỉnh trong văn phòng. Sau đó, thầy Li được xác nhận đã chết do ngừng tim đột ngột.

Người thân cho biết gia cảnh thầy Li khó khăn. Anh là con thứ hai trong gia đình có hai chị em, bố mất từ lâu và mẹ đã tái hôn. Thầy và vợ sắp cưới đã dự định kết hôn vào ngày 2/5.

Cơ quan lao động địa phương cho biết gia đình và công ty đang phối hợp để điều tra cái chết của nam giáo viên có phải do điều kiện làm việc hay không.

Ngày 25/4, công ty đã gửi lời chia buồn và cam kết hợp tác với gia đình. Tuy nhiên, họ phủ nhận việc lên lịch làm thêm giờ cho nhóm của thầy Li vào ngày xảy ra sự việc, viện dẫn rằng đó là ngày nghỉ lễ của công ty.

Công ty cũng ca ngợi năng lực làm việc của thầy giáo và kêu gọi tôn trọng sự riêng tư của gia đình.

Tuyên bố này đã vấp phải nhiều nghi ngờ từ cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng nếu không có áp lực công việc nặng nề và nỗi lo mất việc, không ai lại tự nguyện làm thêm giờ đến kiệt sức.

Trước đó, truyền thông cũng đã phản ánh tình trạng làm thêm giờ tại công ty này. Các nhân viên cũ cho biết một giáo viên phải quản lý tới 400 học sinh, trả lời vô số câu hỏi từ phụ huynh và thường xuyên tăng ca hơn 6 giờ mỗi ngày.

Nhân viên phải báo cáo với cấp trên khi đi vệ sinh hoặc nghỉ ăn trưa. Một cựu nhân viên họ Wang cho biết cô bị lo âu do làm thêm giờ dài ngày và đã nghỉ việc vào cuối năm ngoái.

Một người khác, họ Zhang, đã từ chức sau khi nghe tin về cái chết của thầy Li.

Vụ việc của thầy giáo đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc, các chủ đề liên quan thu hút hơn 70 triệu lượt xem.

"Thầy Li đáng lẽ đang chuẩn bị cho đám cưới của mình, chứ không phải nói lời tạm biệt với thế giới sau khi làm thêm giờ", một người bình luận.

Họ cũng lên án tình trạng nhiều công ty ép buộc nhân viên làm thêm giờ "tự nguyện" thông qua áp lực hiệu suất và các biện pháp khác.

Luật Lao động Trung Quốc quy định thời gian làm việc tối đa là 8 giờ một ngày, 44 giờ một tuần và không quá 36 giờ làm thêm giờ một tháng. Tuy nhiên, tình trạng làm việc quá sức vẫn diễn ra, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Tháng 6 năm ngoái, một công ty công nghệ ở đông nam Trung Quốc đã gây ra sự phẫn nộ khi thực thi chế độ làm việc 6 ngày một tuần, từ 8h đến 21h hàng ngày.

Trong một trường hợp khác, một lập trình viên chỉ ngủ 2 giờ mỗi ngày, khiến anh bị xuất huyết não và liệt trong nhiều tháng.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Cậu bé khuyết tật bỏ nạng, nhảy breakdance gây 'sốt' mạng

Cậu bé Trung Quốc mắc bệnh loạn dưỡng cơ bẩm sinh khiến đôi chân teo yếu. Dù vậy, nghị lực phi thường đã giúp em chinh phục bộ môn breakdance.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm