Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cái chết của ngày hội săn sale 11/11 ở Trung Quốc

Trong 6 năm liên tiếp, Ding Xiaojuan chỉ muốn "chặt tay" để không tiêu hoang trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân 11/11. Nhưng năm nay, mọi chuyện đã khác, theo SCMP.

ngay hoi mua sam 11/11 anh 1

"Chặt tay" là một cách diễn tả phổ biến với người tiêu dùng Trung Quốc về nỗi ám ảnh mua sắm trực tuyến điên cuồng, mất kiểm soát.

"Tôi hẹn giờ và thức đến nửa đêm để 'chốt đơn' trong đợt sale những năm trước. Nó thực sự điên rồ", Ding nói.

Vượt xa cả Black Friday hay Cyber Monday về doanh số bán hàng, Ngày Độc thân trở thành lễ hội mua sắm lớn nhất thế giới.

Nhưng năm nay, mọi sự đã thay đổi. Ding không còn cảm thấy say mê với việc mua sắm những ngày gần đây.

Cô chỉ tiêu 2.000 nhân dân tệ cho mua sắm online trong Ngày độc thân năm nay, bằng 1/4 số tiền cô chi vào những năm trước.

Ding, người làm việc tại một trường trung học ở Hồ Bắc, cho biết: "Hiện có quá nhiều lựa chọn và tôi thấy các sản phẩm không nhất thiết rẻ nhất trong Ngày Độc thân. Đôi khi bạn có thể tìm thấy những món hời hơn thông qua bán hàng livestream trong cả những ngày bình thường".

ngay hoi mua sam 11/11 anh 2

Ngày 11/11 được gọi là Ngày Độc thân, lễ hội mua sắm online lớn nhất trong năm. Ảnh: Tian Ming.

Thời kỳ rực rỡ nhất đã qua

Được khởi xướng vào năm 2009 bởi gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group Holding, Ngày Độc thân đã phát triển từ một lễ hội kéo dài một ngày vào ngày 11/11 thành một sự kiện trị giá hàng tỷ USD kéo dài nhiều tuần.

Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, có những dấu hiệu cho thấy Ngày Độc thân đã bước qua giai đoạn rực rỡ nhất.

Lời phàn nàn về việc lạm dụng phương pháp giảm giá ngày càng tăng trong những năm qua, đòi hỏi người mua hàng phải tính toán cẩn thận hơn.

Sự xuất hiện của nhiều lễ hội và nền tảng mua sắm lớn cũng khiến người tiêu dùng có ít lý do để chờ đợi sự kiện mua sắm của Alibaba. Giờ đây không chỉ 11/11, các chương trình khuyến mãi còn diễn ra hàng tháng như ngày 10/10, 12/12, 1/1...

"5-6 năm trước, đó vẫn là cuộc đua song mã của Alibaba và JD.com. Nhưng bây giờ với Pinduoduo và nhiều nền tảng thương mại xã hội và nền tảng phát trực tiếp sắp ra mắt, sự cạnh tranh để giành thị phần trở nên gay gắt hơn", James Yang, đối tác tại công ty tư vấn Bain & Company, cho biết.

Hơn 50% người tiêu dùng được Bain & Company khảo sát trong năm nay có kế hoạch sử dụng từ 3 nền tảng trở lên trong Ngày Độc thân, theo báo cáo được công bố hồi tháng 10.

ngay hoi mua sam 11/11 anh 3

Alibaba trưng bày hàng hóa trị giá 498,2 tỷ nhân dân tệ trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân 2020 ở Hàng Châu, Chiết Giang. Ảnh: Xinhua.

Lucy Liu (25 tuổi), sống ở Thượng Hải, cho biết: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình thực sự có thể tận dụng Ngày Độc thân.

Giảm giá đột ngột từng là phương thức khuyến mại phổ biến trong Ngày Độc thân, cung cấp cho người tiêu dùng mức giảm trực tiếp với các đơn đặt hàng đủ số lượng.

Nhưng, hiện người bán có xu hướng tặng quà hơn là giảm giá. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải chi nhiều tiền hơn.

Liu nhận thấy các giao dịch trong Ngày Độc thân rất rắc rối, trong khi việc mua sắm ở các dịp khác đơn giản hơn nhiều.

"Ngay cả khi không phải Ngày Độc thân, nhiều nơi vẫn có chương trình khuyến mãi. Ví dụ, tôi có thể mua các sản phẩm trang điểm và dưỡng da với giá tốt từ daigou (người buôn hàng xách tay)".

Mất thế độc quyền

Ngoài sức mua giảm, Ngày Độc thân còn phải đối mặt với những thách thức mới trong năm nay.

Cuối năm ngoái, Alibaba trở thành mục tiêu đầu tiên của cuộc điều tra chống độc quyền. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch. Covid-19 ảnh hưởng lớn đến thu nhập và chi tiêu hộ gia đình.

Theo Cục thống kê, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 3 chậm lại còn 4,9%, trong khi doanh số bán lẻ, một thước đo chi tiêu của người tiêu dùng, chỉ tăng 4,4% so với năm trước.

Cuộc đàn áp chống độc quyền của Bắc Kinh, nhắm vào một số công ty Big Tech, cũng đã buộc các ông lớn trong lĩnh vực phải thay đổi phương thức kinh doanh. Lệnh cấm đối với các hoạt động độc quyền đã khiến cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn trong năm nay.

ngay hoi mua sam 11/11 anh 4

Hàng tồn kho bên trong một nhà kho của Cainiao, công ty con hậu cần của Alibaba, trước thềm Ngày Độc thân năm 2020. Ảnh: Bloomberg.

WeChat của Tencent Holdings, nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc với 1,25 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, đã bắt đầu cho phép liên kết với các nền tảng đối thủ để tuân thủ quy định mới.

Trong khi đó, Alibaba hiện cũng cho phép người dùng thanh toán bằng WeChat Pay trên một số nền tảng của mình, chẳng hạn như dịch vụ giao đồ ăn Ele.me, nền tảng phát video trực tuyến Youku, nền tảng bán vé trực tuyến Damai và nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Kaola.

Chris Tung, giám đốc tiếp thị của Alibaba, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 27/10: "Kết nối và cởi mở là chìa khóa để đảm bảo trải nghiệm mua sắm tốt nhất. Chúng tôi thực sự thấy những lợi ích của việc hợp tác, rất vui được tiếp tục tiến về phía trước và đạt được nhiều hơn trong tương lai”.

Zhao Xiaofeng, trợ lý giáo sư tại khoa tài chính và bảo hiểm của Đại học Lĩnh Nam, nhận định việc phá bỏ thế độc quyền “chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp đến bối cảnh cạnh tranh trong Ngày Độc thân”.

“Các công ty Big Tech nên suy nghĩ về việc liệu những lợi thế mà họ có trước đây do hệ sinh thái khép kín mang lại có phải là năng lực cốt lõi của họ hay không”.

Zhao cho biết nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo do Tencent hậu thuẫn gặp nhiều bất lợi từ ​​những thay đổi gần đây, vì sự tăng trưởng của nó phần lớn được thúc đẩy nhờ các nền tảng truyền thông xã hội của Tencent.

Ngược lại, sự mở cửa của Tencent sẽ đem đến một số lợi ích cho Alibaba và Douyin.

ngay hoi mua sam 11/11 anh 5

Lý Giai Kỳ (bên trái) được mệnh danh là "ông hoàng son môi" Trung Quốc, một trong những người bán hàng livestream có doanh số khủng nhất trong ngày 11/11. Ảnh: Jing Daily.

“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tự chủ hơn trong tiếp thị và ít phụ thuộc vào các nền tảng lớn, điều này có thể truyền cảm hứng để công ty, thương hiệu mới ra đời”, Zhao nói thêm.

Alibaba từ lâu đã sử dụng Ngày Độc thân để thể hiện sức mạnh bán hàng và tiếp thị của mình. Lễ hội mua sắm lớn nhất năm thường có các buổi dạ tiệc đếm ngược công phu trong vài giờ trước ngày 11/11, với sự xuất hiện của các siêu sao quốc tế như Taylor Swift và Katy Perry.

Ngược lại, năm nay, gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Hàng Châu chuyển sang tập trung vào tính bền vững môi trường và bình đẳng xã hội như lời kêu gọi của chính phủ Trung Quốc.

Mặc dù sự cuồng nhiệt của người tiêu dùng với Ngày Độc thân đã giảm sút, vẫn có những khách hàng chưa thể ngừng “chốt đơn”.

Từ nhà riêng ở tỉnh Chiết Giang, Wang Yanqing vẫn theo dõi các chương trình trực tiếp của “ông hoàng son môi” Lý Giai Kỳ.

“Tôi không định mua bột đắp mặt nhưng khi nghe anh ấy nói: ‘Mua một tặng một! Số lượng có hạn”, khao khát giành lấy của tôi lại nổi lên”.

Wang không cần đến 2 gói bột đắp mặt nên cuối cùng cô bán lại một gói với giá 180 nhân dân tệ. Trước đó, cô trả 350 nhân dân tệ để mua một được một.

“Nhiều người đã chưa kịp mua nên liên tục nhắn hỏi khi tôi rao bán”, Wang nói.

Ăn kiêng khắc nghiệt chỉ để chụp ảnh khoe Instagram

Chi hàng triệu won để tập thể hình và chụp ảnh cơ thể, nhiều người trẻ Hàn Quốc hối hận khi phải gánh chịu các vấn đề sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm