Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cái chết đen' đe dọa Việt Nam

Nhiều năm không xuất hiện ở Việt Nam nhưng hiện một số quốc gia đã ghi nhận các ca mắc dịch hạch, trong đó có nước láng giềng Trung Quốc.

Bệnh dịch hạch bùng phát tại Madagascar làm 40 người tử vong trong 3 tháng có nguy cơ xâm nhập Việt Nam. Bộ Y tế đã khẩn cấp yêu cầu các tỉnh, thành giám sát dịch trên động vật hoang dã; tập trung vào chuột, bọ chét.

Nhiều trường hợp tử vong

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết dù 12 năm trở lại đây, Việt Nam không ghi nhận các ca mắc dịch hạch ở người nhưng không loại trừ nguy cơ chuột nhiễm bệnh vào nước ta qua các phương tiện vận chuyển hàng hóa. Mới đây, Bộ Y tế Madagascar đã thông báo tình trạng bùng phát bệnh dịch hạch tại nước này. Chỉ trong 3 tháng, quốc đảo thuộc châu Phi đã ghi nhận 119 ca mắc bệnh với 40 người tử vong. Trước đó, Mỹ cũng ghi nhận 4 ca mắc bệnh tại bang Colorado. Đặc biệt, nước láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc cũng thông báo ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc.

Theo báo cáo, trước năm 1980, số ca mắc bệnh dịch hạch ở Việt Nam cao nhất thế giới. Trong thời kỳ 1960 và 1970, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 ca bệnh, chủ yếu ở miền Nam. Từ năm 1996-2000, cả nước chỉ còn khoảng 140 trường hợp với 7 ca tử vong. Hai ca mắc bệnh cuối cùng được ghi nhận vào tháng 8/2002.

Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô - mùa phát triển của chuột và bọ chét. GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết thời gian qua, Việt Nam vẫn duy trì việc giám sát dịch hạch tại các vùng nguy cơ như Tây Nguyên, từng là một trong những điểm nóng về dịch hạch; các cửa khẩu nơi hàng hóa có thể “mang theo” chuột có vi khuẩn dịch hạch; các kho hàng ở cảng, nhà ga, cửa khẩu...

Kết quả nhiều năm liên tục lấy mẫu máu chuột, bọ chét ký sinh trên chuột cũng như mẫu máu của những ca bệnh viêm hạch để xét nghiệm đều không thấy vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. “Tuy nhiên, không phải như vậy là có thể khẳng định bệnh dịch này đã hết. Bởi vi khuẩn dịch hạch còn lưu hành trên các loài gặm nhấm trong tự nhiên có thể lây lan sang các loài gặm nhấm gần người như chuột đồng, chuột nhà, chuột cống..., từ đó gây bệnh cho người” - ông Hiển lo ngại.

Diễn biến đột ngột, dễ lây lan

Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm thuộc nhóm A, lây lan mạnh với tỉ lệ tử vong cao và được mệnh danh là “cái chết đen”. Thời trung cổ, nó từng gây nên một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người với hàng chục triệu người chết. Đây là một trong những căn bệnh làm chết người nhiều nhất từ trước tới nay. GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết các loài chuột sống gần người là vật chủ quan trọng trong việc duy trì và lưu hành bệnh dịch hạch. Trung gian truyền bệnh dịch hạch là bọ chét sống ký sinh trên chuột. Bọ chét hút máu chuột, sau đó cắn người sẽ truyền bệnh cho người.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh dịch hạch ở người có 4 thể: thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não nhưng thường gặp hơn cả là thể hạch. Dịch hạch thể hạch phát bệnh hết sức đột ngột với 2 triệu chứng nổi bật là sốt cao và sưng hạch (hạch bẹn, nách, cổ) cấp tính. Hạch có thể to bằng ngón tay cái, thậm chí bằng quả trứng gà. Lúc đầu, hạch đau, cứng; sau đó mềm, có dịch. Bệnh nhân sốt cao 40-41 độ C, tụt huyết áp, vật vã, hôn mê..., nếu không được điều trị sớm có thể tử vong trong vòng 3-5 ngày. “Dịch hạch có thể làm lây truyền từ người này sang người khác qua ho, hắt hơi”, BS Cấp cho biết.

Bệnh dịch hạch nguy hiểm nhưng có thể chữa được bằng kháng sinh. Bệnh này không lây lan qua loài chuột cảnh, chuột Hamster.

Diệt chuột đừng quên bọ chét

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết trước nguy cơ bệnh dịch hạch xâm nhập, Bộ Y tế đã yêu cầu các sở y tế phối hợp với lực lượng chức năng tại cửa khẩu giám sát chặt người, động vật nhập khẩu Việt Nam, đặc biệt là với các phương tiện vận tải xuất phát từ vùng đang có bệnh dịch hạch.

Để phòng bệnh, người dân cần che, đậy thực phẩm tránh để chuột tiếp xúc; thường xuyên vệ sinh môi trường để chuột không chui rúc và làm tổ; khi thấy nhiều chuột chết bất thường, phải khai báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất.

Ngoài ra, khi người dân diệt chuột nên chuẩn bị cả những hóa chất để tiêu diệt bọ chét. Bởi khi chuột chết, bọ chét không còn “đất” sống sẽ nhảy sang người và các động vật máu nóng. Trong quá trình này, không loại trừ bọ chét sẽ cắn và truyền bệnh cho người.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cai-chet-den-de-doa-viet-nam-20141129215956185.htm

Theo Ngọc Dung/Báo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm