Chị cả giang hồ đất Cảng
Con phố Trạng Trình nằm gần Chợ Sắt và bến xe Tam Bạc nên rất thuận lợi cho việc thông thương buôn bán. Nhưng đã là quy luật, những chỗ chợ búa tấp nập, dân tứ xứ tụ hội lại cũng là nơi nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp. Buôn gian bán lận, trộm cắp, bảo kê, anh chị... cũng từ đó mà ra.
Nhà của Dung Hà nằm trong con hẻm nhỏ số 23 phố Trạng Trình. Chính sự phức tạp của cuộc sống bên lề chợ Sắt cộng với bản tính ngỗ ngược vốn có đã khiến Dung “ra đường” từ rất sớm. Nhắc đến “cô Dung”, ông tổ trưởng dân phố và những người hàng xóm ở đây vẫn còn nhớ rất rõ.
Hiện nay cha mẹ Dung đều đã mất, căn nhà cũ chỉ còn vợ chồng người anh cả sinh sống nhưng kinh tế cũng không ổn định. Dung Hà tên đầy đủ là Vũ Thị Kim Dung (SN 1956). Dung được sinh ra trong một gia đình lao động với cha quê ở Hưng Yên, mẹ quê ở Hải Dương.
Những năm bao cấp, đời sống kinh tế gia đình Dung gặp rất nhiều khó khăn. Cũng may nhờ cái nghề chạy xe lam của người cha và việc tham gia tổ dịch vụ mua bán của người mẹ mà 6 anh em Dung đều được cho đi học, người ít nhất cũng học đến lớp 7, lớp 8. Thậm chí, Dung còn từng được đi học nghề ở nước ngoài.
Tiếc rằng khi về nước, Dung không kiếm sống bằng cái nghề mình học được mà vào đời bằng những trò trộm cắp, giật đồ lặt vặt quanh khu vực chợ Sắt. Người dân địa phương thời ấy đã quá quen với hình ảnh một cô gái mặt còn non choẹt nhưng nom rất ngông nghênh.
Bà trùm Dung Hà bị bắn chết giữa đường năm 2000. |
Dung thường diện cho mình bộ trang phục “cực dị” đầy nam tính nhưng là mốt thời đó với quần bộ đội thùng thình, áo mông-tơ-ghi cổ bẻ, dép đúc ăn vận. Giữa năm 1986, trong một lần cướp giật người đi đường, Dung bị bắt rồi lãnh án 12 tháng tù. Tiền án đó là “con thuyền” chở Dung vào thế giới ngầm.
Dung có hai mối tình với hai người đàn ông thì cả hai đều tên Hùng. Đó là Hùng “chim chích”, và Hùng “cốm” đều là những tay “cộm cán”, có máu mặt ở đất cảng. Phần nào nhờ vào hai mối quan hệ này, số má trong giới giang hồ Hải Phòng của Dung cũng được nâng lên.
Lúc người yêu Hùng “cốm” mang án tử hình, Dung đã bày ra âm mưu đưa lựu đạn vào trại giam, giải cứu người tình rất táo tợn. Dù kế hoạch không thành nhưng danh tiếng của “chị Dung” bắt đầu nổi như cồn từ thời điểm ấy.
Thời kỳ từ năm 1993 - 1995 được coi là hoàng kim của Dung Hà. Lợi nhuận thu được từ việc tổ chức đánh bạc quá lớn nên song song với việc hùn hạp vốn đóng tẩy vào các “công ty cờ bạc” ở nhiều nơi, Dung còn trực tiếp mở một sòng bạc ở tư gia với hệ thống “ong ve” dày đặc. Sới bạc của Dung không chỉ có hoạt động cờ bạc mà còn là một hệ thống khép kín bao gồm cả cho vay nặng lãi, cầm đồ ngay trên chiếu bạc.
Không biết có phải để tranh thủ thiện cảm của người dân địa phương hay không nhưng trong quan hệ với bà con lối xóm, Dung luôn hòa nhã, chào hỏi thân tình hàng xóm láng giềng. Trong xóm, gia đình nào có hiếu hỷ, Dung đều có mặt. Những dịp lễ tết hay đi chùa về, Dung cũng đều mang quà bánh sang chia lộc với người dân xung quanh.
Cái chết được ứng trước
Trong khi Dung Hà trở thành một thế lực đáng gờm ở Hải Phòng thì ở trời Nam cũng xuất hiện một “ông trùm của các ông trùm”. Tháng 10/1997, sau một thời gian tập trung cải tạo được tha về, Trương Văn Cam (Năm Cam) với tham vọng trở thành thống lĩnh các băng nhóm tội phạm đã xảo quyệt đề ra sách lược “tiền - chính quyền - thế lực đen” để phục vụ âm mưu đen tối của hắn.
Thời gian này, lực lượng công an thường xuyên tổ chức các đợt truy quét tội phạm hình sự ở phía Bắc khiến đám giang hồ “trà Bắc” cộm cán như Thành “chân”, Thắng “chập”; Hải “Bánh”, Dũng “Bắc Cạn”... lần lượt phải vào Nam nương náu.
Thông qua Thắng “Tài Dậu”, Năm Cam biết tiếng và bắt quen với Dung Hà. Thật là trùng hợp khi lúc này “chị cả” cũng đang cần “bóng” của anh Năm để nâng tầm tên tuổi của mình trong giới giang hồ. Vì thế khi chị ruột của Năm Cam chết, Dung đã điều gần 20 đàn em thân tín bay từ Hải Phòng vào TP.HCM để viếng đám ma.
Vậy mà ít lâu sau, khi cha của Dung qua đời, Năm Cam lại tỏ ra coi thường khi chỉ nhờ Thắng “Tài Dậu” cho một đệ tử từ Hà Nội mang vòng hoa xuống Hải Phòng viếng. Vụ này đã làm cho “cọp cái đất Cảng” giận sôi máu.
Năm 1999, Năm Cam dự định mở rộng lĩnh vực cá độ bóng đá ra các tỉnh phía Bắc, tiến tới hợp nhất giới giang hồ cả nước. Muốn đạt được mục đích đó, tất nhiên Năm Cam phải bước qua “cửa ải” Dung Hà.
Mùa đông năm đó, Hải Bánh tháp tùng Năm Cam bay ra Hà Nội. 2 ngày sau, Năm Cam xuống Hải Phòng để gặp Dung Hà. Bà trùm cho đàn em lái xe hơi ra Hà Nội đón nhưng “anh Năm” đề phòng Dung chơi xấu nên nhảy sang ngồi cùng xe với Hải “Bánh”. Gặp Dung, Năm Cam vờ hạ giọng xin lỗi và xin được ra mộ thắp hương cho cha của Dung.
Chính ở nghĩa trang hôm đó, “bà trùm” đã nói ra những câu rất “gở miệng” mà sau này trở thành sự thật. Nguyên do là ở gần ngôi mộ của cha Dung lúc ấy có mấy cái huyệt đã được đào sẵn, Dung bất ngờ kêu Hải “Bánh” tới rồi lạnh lùng nói: “Trên cõi đời này người giết tao chỉ có mày! Nếu tao chết, đừng bó chiếu mà hãy hòm ván đàng hoàng và đưa tao về nằm chỗ cái huyệt này nhé”. Năm Cam thấy Dung nói nhảm liền ngăn lại, ai dè bà trùm tuyên bố “xanh rờn”: “Tôi chết còn có chỗ chôn, còn anh chết không biết chôn ở chỗ nào đâu!”.
Sau này, khi chỉ đạo Hải “Bánh” lấy mạng Dung Hà, không biết trùm Năm Cam có khi nào mảy may giật mình nhớ lại chuyện cũ hay không? Chỉ biết rằng chính phi vụ trừ khử Dung Hà đã trở thành điểm khởi đầu cho hành trình sụp đổ “đế chế giang hồ” của Năm Cam với việc ông trùm này bị cơ quan công an đem ra trước ánh sáng công lý.
Sau ngày Năm Cam nhận án tử, mộ huyệt bị đồn đại là bị lung xục đào bới và rất ít người biết đích xác mộ huyệt của ông trùm này đang được chôn cất ở đâu. Từ đó mới thấy câu nói tưởng như vô căn cứ của Dung Hà ngày nào đã vô tình có vài điểm ứng nghiệm.