Không thể bảo con gái bây giờ cứ phải “giữ nguyên quê mùa”, phải đeo cái yếm lụa sồi, cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen… mới là đẹp được. Nhưng, cho dù có đổi cái áo tứ thân bằng áo dài hiện đại, bằng những váy đầm Tây hóa thì “cái đẹp” mà người đời cần không chỉ là hình thức bên ngoài, mà là cốt cách, nhân phẩm con người. Để đẹp, có thể kỳ công, nhưng nhất quyết không phải bằng mọi giá, nhẫn nhịn chịu dao kéo “hành hình”, thậm chí là hi sinh cả tính mạng như bây giờ.
Nét đẹp xưa cũ liệu có bị quên lãng? |
Con người đã biết làm đẹp, có nhu cầu làm đẹp từ sơ khai, tiền sử. Thời đồ đá, con người cũng đã biết tạo ra những đồ vật trang trí cho phụ nữ. Theo thời gian, sự thay đổi về vật trang sức, trang phục khó thể sánh bì được, nhưng thực tế, tại các miền quê nghèo, vùng dân tộc lạc hậu hiện nay, việc trang điểm, vật trang sức, cách làm đẹp của người phụ nữ vẫn còn mang dáng dấp của người xưa.
Tôi đã từng choáng khi lần đầu tiên chứng kiến phụ nữ người Brâu với lỗ xâu tai to đến nỗi con chuột có thể chui qua. Thế nhưng, hóa ra, họ không phải dao kéo rạch da banh thịt một lúc để được đẹp như mình tưởng.
Để có lỗ xâu tai to đến vậy là cả quá trình, từ một mũi kim thời niên thiếu, người ta đã nống dần cho lỗ xâu kim rộng ra theo năm tháng, cho đến thì con gái, người thiếu nữ mới có được một lỗ tai ưng ý. Không chỉ riêng phụ nữ, đàn ông người Brâu, mà người Mơ Nông ở Đắk Nông, người Cơ Tu ở Quảng Nam... cũng vẫn duy trì tục cà răng, căng tai cho đến nay.
Nét duyên của cụ bà Brâu, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, KonTum. |
Đàn ông yêu bằng mắt
Cái đẹp thực dụng, phồn thực được một bộ phận người ưa chuộng, nhưng đó không phải là cái đẹp mà người phụ nữ cần hướng tới. Người xưa có câu, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, song cũng có câu “quen xem dạ, lạ xem áo quần”… Hình thức bên ngoài là cần thiết đối với phái nữ, nhưng đấy phải là vẻ đẹp của sự tỉ mẩn, chăm chút, khéo léo trang điểm, sự cẩn thận, nền nếp chứ không thể là vẻ đẹp giả tạo.
Thực tế, có nhiều ca sĩ, người mẫu, diễn viên điện ảnh “bỗng dưng” đẹp một cách lạ thường nhờ dao kéo, nhưng đó là sự đánh đổi, trả giá rất đắt về sức khỏe, tai biến. Hơn nữa, cái đẹp giả tạo đó chỉ có thể chấp nhận trên sân khấu, điện ảnh chứ thực tế cuộc sống, khó có người chồng, tình nhân nào chấp nhận. Đừng vì nặng về hình thức mà đánh đổi giá trị thật của mình.
Tôi vốn say mê với những nét văn hóa riêng, những nét tinh hoa mang tính xưa cũ của đồng bào dân tộc thiểu số. Nay dẫu đã phai dần ở một số bộ tộc ít người, nhưng những người sống vùng cao, biệt lập vẫn giữ được sự dung dị, chan hòa với thiên nhiên, sống hồn nhiên và chân thật.
Trong một lần tôi theo chân đoàn khách trẻ tuổi đến làng Aur xa xôi, biệt lập của huyện Tây Giang, Quảng Nam. Cả đêm đám thanh niên du khách hát hò, say sưa với những điều kỳ thú, mới lạ giữa rừng sâu. Đến sáng hôm sau, tôi hỏi già Atin AVy: “Đêm qua già có ngủ được không?”.
Ông than vãn giọng Kinh lơ lớ như người nói không có dấu: “Không ngủ được. Ngày xưa, chúng tôi rụt rè lắm. Yêu nhau chỉ nhìn nhau thôi. Khi đêm, tôi thấy 2 đứa nhỏ nó quần nhau. Lúc đầu, hai cái cầm rựa nó gặp nhau (nắm tay nhau), sau đấy, 2 cái ăn nó gặp nhau (hôn nhau), rồi cái ăn nó gặp cái thở, cái nghe, gặp cái cho con bú... Lục đục cả đêm, già không ngủ được”. Điều đó là cấm kỵ, là rất xấu với đồng bào. Tôi biết già Atin Avy không vừa lòng, nhưng nể khách, ông chỉ lẳng lặng nhìn và chỉ than vãn với tôi.
Cái đẹp, sự hào nhoáng của thanh niên nam nữ đến từ thành phố chỉ khiến họ tò mò hơn là thích. Già Atin Avy cũng chia sẻ, với người vùng cao, họ không coi trọng hình thức mà xem tâm tính, hành xử của người con gái làm trọng.
Không thể so bì quan niệm về cái đẹp của một cộng đồng vài chục nóc nhà giữa non cao với lối sống đô thị. Tuy nhiên, có thể thấy, cái đẹp thực chất, hồn hậu, cái đẹp về nhân cách, tâm hồn luôn tồn tại vĩnh hằng. “Đàn ông yêu bằng mắt” không có nghĩa chỉ nhìn hình thức bên ngoài, mà là sự cảm nhận, đánh giá phái đẹp qua hình thức bên ngoài đó.