Cơn bão số 11 đi qua và cuốn toàn bộ mái nhà của cô Mười. Gần 1 tháng trôi qua, nhà cô vẫn chỉ là những bức tường phơi sương, phơi nắng.
Sau bão, cô Mười đã dời từ bệnh viện về nhà, nhưng là nhà hàng xóm. Đó cũng là nhờ cái tình của xóm giềng, chứ đang lúc cả làng, cả xã sập nhà, tốc mái sau bão, vốn dĩ chẳng ai dư phòng mà cho người bệnh ở nhờ.
Cho cô Mười ở nhờ vì người ta biết cô khổ, cái khổ mà ai nghe đến cũng phải thở dài não ruột. Anh Võ Như Sơn, công an viên xã Điện Dương, phụ trách thôn Hòa Quảng Bắc, nhớ lại: “3 năm trước, cô chạy vạy chữa trị cho chồng đang bị căn bệnh ung thư dạ dày hành hạ, tiền vay mượn còn hơn 10 triệu đồng tới giờ chưa trả đủ cho ngân hàng, còn chồng cô thì đã ra đi”.
Cái nghèo vẫn bám chặt căn nhà vốn mang nhiều bất hạnh của cô Mười. Tám tháng trước, cô bị phát bệnh, bác sĩ bảo cô mang căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối với những cơn đau cứ dày vò ngày đêm. Chứng kiến cảnh cô đau đớn, hàng xóm và người thân góp tiền cho cô “mượn” để chữa trị. Hai tuần cô vào thuốc 1 lần với chi phí hơn 17 triệu, từ ngày phát hiện căn bệnh tới nay, mặc dù đã được bảo hiểm y tế chi trả 95%, nhưng số tiền cô vay mượn xóm giềng và người thân vẫn hơn 40 triệu đồng.
Chồng mất, bệnh tật vậy mà cô Mười đã hy sinh vay thêm hơn 40 triệu đồng để cho cậu con trai học cao đẳng 3 năm nay. Tính qua tính lại, số nợ của người đàn bà nghèo 53 tuổi này đã lên đến hơn 80 triệu đồng.
“Tiền đâu mà trả” - đã nghèo lại còn bệnh, 8 tháng phát bệnh không chỉ lấy tiền, mà còn lấy luôn cả phần sức khỏe còn lại của người đàn bà nghèo khổ. Chỉ trong thời gian ngắn, cô Mười sụt giảm 8kg. Bây giờ, người phụ nữ cao khoảng 1,60m này chỉ cân nặng có 37 kg.
Giấc mơ cuối cùng
Lúc cơn bão số 11 ập tới, cô Mười và cậu con trai còn đang ở trong bệnh viện. Bão tan, ngôi nhà của cô bị tốc mái hoàn toàn. Dù đã được một nhà hảo tâm tặng cho 45m tôn lợp, nhưng cô vẫn không có tiền mua đòn tay để lợp. Dù bão đã tan hơn nửa tháng, nhà cô vẫn chỉ trơ trọi mấy bức tường, phơi cùng mưa nắng.
Căn nhà trống trơn, chỉ còn lại chiếc bàn thờ được che tạm bằng mái tôn sau bão. |
Cô Trần Thị Mười: “Sống được ngày nào với con, thì mình cứ ráng ngày ấy thôi”.
|
Khi anh Võ Như Sơn đưa chúng tôi đến gặp cô Mười, dù bệnh đang nằm nghỉ trên giường cô vẫn trông khá sạch sẽ. Đội chiếc nón len để che cái đầu không còn bao nhiêu tóc vì xạ trị, cô Mười ngồi dậy, cười đón khách.
Đó là một nụ cười chất chứa nhiều nỗi niềm đau khổ, của một người đang oằn lưng gánh nợ, nụ cười của một người đang vật vã với bệnh tật mỗi ngày. Đó là nụ cười mà trước khi gặp cô, chúng tôi không thể hình dung ra cô còn đủ sức để cười tươi như vậy được. “Sống thêm với con được ngày nào thì mình ráng thêm ngày ấy”, cô cười.
Chương trình “Cùng miền trung khắc phục hậu quả bão lũ” do VNIF tổ chức sẽ về Quảng Nam vào ngày 7/11 để trao tiền, quà hỗ trợ những hộ nghèo, gia đình chính sách bị thiệt hai nặng do cơn bão số 11 vừa qua xây dựng lại nhà cửa hoặc lợp lại mái nhà bị bão thổi bay. Cô Trần Thị Mười là một trong số 54 hộ được chương trình hỗ trợ đợt này, với số tiền hỗ trợ dành cho gia đình cô dự kiến là 28 triệu đồng. Tuy nhiên, con số này chỉ đủ để giúp gia đình cô Mười lợp lại mái nhà và lo thêm chút ít sinh hoạt phí. Mọi hỗ trợ cho chương trình hoặc hỗ trợ riêng cho cô Trần Thị Mười, xin liên lạc với chị Đặng Thị Hồng Hà, lầu 14 - 182 Lê Đại Hành, Q.11, TP. HCM, số điện thoại: 0907 623 777 hoặc chuyển khoản đến: Quỹ từ thiện cộng đồng người sử dụng Internet Việt Nam, số tài khoản: 043.01.01.002308.4 tại Ngân Hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - Chi nhánh Tân Bình. |