Người dân nghèo tại Bangladesh bày tỏ sự biết ơn với những khoản tiền quyên góp từ những người dùng mạng xã hội Reddit sau bài đăng của MIchael. Ảnh: Bangladesh Relief. |
Một người đàn ông ở bang California (Mỹ) cùng vợ mới chuyển vào một căn hộ ở thành phố San Francisco thì gặp được một vị tu sĩ đạo Hindu.
Vị tu sĩ trên, Jeff Dunan - 77 tuổi, đã nói cho 2 vợ chồng biết về tổ chức từ thiện mà ông đang làm việc cùng có tên Bangladesh Relief. Tổ chức này cung cấp quần áo, lương thực và nhu yếu phẩm cho những người nghèo tại miền Bắc Bangladesh.
Người đàn ông sau đó quyết định quyên góp cho tổ chức của ông Dunan thông qua trang web GoFundMe ở mức 150 USD, nghĩ rằng đây là khoản tiền hợp lý.
"Tôi nghĩ đây là một việc làm đúng đắn cũng như giúp cải thiện quan hệ với hàng xóm", Michael, 31 tuổi, trả lời Washington Post.
Quyên góp nhầm 15.000 USD thay vì 150 USD
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đóng góp trên trang web GoFundMe vào tháng 2/2022, Michael nhận được một thông báo từ công ty thẻ tín dụng, cảnh báo ông về một giao dịch lớn. Sau khi mở thông báo, ông nhìn thấy hóa đơn lên tới 15.041 USD từ trang GoFundMe.
"Đó là một lỗi đánh máy ngớ ngẩn. Tôi đã cảm thấy bối rối khi nhìn vào khoảng chi phí đó", Michael thừa nhận sai lầm của mình trong cuộc phỏng vấn với Washington Post vào tuần này.
Ngay sau đó, mọi việc dần sáng tỏ. Thẻ tín dụng của Michael bắt đầu các số 4 và một. Ông cho biết có thể mình đã bắt đầu đánh số thẻ tín dụng của mình ở ô số tiền quyên góp.
Trong trạng thái hoảng loạn, Michael đã gọi đường dây hỗ trợ của GoFundMe và giải thích tình hình. Ông cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng khoản tiền mà mình quyên góp nhầm có thể được hoàn lại trong vòng 3-7 ngày làm việc.
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề lớn. Khoản tiền 15.000 USD - lớn hơn gấp đôi tổng số tiền được quyên góp ở thời điểm đó - sẽ ở trên trang GoFundMe cho đến khi quá trình hoàn trả được xử lý xong.
"Tôi đã nghĩ rằng ôi không, đó là một vấn đề lớn", Michael nhớ lại, bổ sung rằng ông đã gọi cho tu sĩ Dunan để giải thích về tình hình của mình.
Trước khi kịp làm điều này, Michael đã nhận được thông báo trên mạng xã hội Facebook cũng như tin nhắn từ Shohag Chandra, người quản lý của quỹ từ thiện tại Bangladesh, cảm ơn ông về khoản quyên góp lớn.
"Chandra này gửi cho tôi một đoạn video từ Bangladesh, trong đó ông được vây quanh bởi hàng chục người nghèo cầm những túi đồ ăn, trên đó có thông điệp cảm ơn tôi", Michael viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Reddit vào một tháng trước.
"Tôi bắt đầu lướt xuống tin nhắn của ông ấy và thấy hàng loạt những hình ảnh người dân Bangladesh nghèo khó cảm ơn tôi vì khoản tiền quyên góp", ông bổ sung.
Dunan và những đồng nghiệp của ông tại Bangladesh đã cảm thấy rất bất ngờ khi nhận được khoản tiền quyên góp lớn - vượt xa những gì họ nhận được trước đây.
Những người nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức Bangladesh Relief cảm ơn Michael vì khoản đóng góp của ông. Ảnh: Bangladesh Relief. |
"Chúng tôi không thể tin nổi những gì đang xảy ra", Dunan, người bắt đầu tham gia quỹ từ thiện vào 3 năm trước, trả lời Washington Post.
Khi nhìn bức ảnh những người cầm thông điệp cảm ơn mình, Michael cảm thấy rất đau lòng khi phải rút lại khoản tiền đã quyên góp. Mặc dù vẫn muốn giữ lại số tiền 150 USD trên trang web GoFundMe, ông muốn đóng góp nhiều hơn.
Một khi khoản tiền của ông được hoàn trả, Michael quyết định quyên góp thêm 1.500 USD. Dunan rất cảm thông về vụ việc và biết ơn vì số tiền mà Michael quyết định đóng góp.
"Bất kỳ khoản quyên góp nào, dù là bao nhiêu tiền, đều sẽ giúp ích nhiều cho chúng tôi", Dunan chia sẻ.
Chiến dịch từ thiện lớn từ một lỗi đánh máy
"Với chúng tôi, đó vẫn là một khoản tiền lớn", Chandra giải thích, bổ sung rằng tổ chức của ông hỗ trợ "hàng triệu người nghèo khó nhất tại Bangladesh", nơi 20% dân số sống trong tình trạng nghèo đói.
Dù đã kể cho bạn bè và gia đình, Michael quyết định chia sẻ câu chuyện của ông trên mạng xã hội Reddit sau khi biết được tổ chức Bangladesh Relief đang thiếu nguồn tài trợ.
Michael không thể ngờ rằng sau khi câu chuyện của ông, sau khi đăng tải, đã được chia sẻ rộng rãi và thu hút các khoản quyên góp có tổng giá trị lên tới 120.000 USD chỉ trong một vài tuần.
Khi câu chuyện của Michael được chia sẻ rộng rãi trên Reddit và các nền tảng mạng xã hội khác, bao gồm YouTube, một kênh giải trí nổi tiếng là Smosh Pit, đã đăng tải thông tin này. Theo Dunan, hơn 3.700 người đã quyên góp tiền sau bài đăng của Michael.
Ông Shohag Chandra bên cạnh những người nghèo nhận được sự trợ giúp từ tổ chức Bangladesh Relief. Ảnh: Bangladesh Relief. |
"Chúng tôi cảm thấy kinh ngạc vì có nhiều người sẵn sàng chia sẻ những gì họ có. Sự ủng hộ mà chúng tôi nhận được cho đến nay vượt xa bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ", ông Dunan cho biết.
Khi mọi người quyên góp tiền, họ để lại những bình luận dễ thương như "chúng tôi ở đây để bù đắp cho lỗi đánh máy của Michael".
Michael cho biết rất vui khi đọc những bình luận trên và liên tục truy cập trang GoFundMe để xem số tiền từ thiện được công chúng đóng góp.
"Chúng tôi rất vui vì câu chuyện của Michael đã truyền cảm hứng cho nhiều người đến vậy, khiến lòng tốt của ông ấy được nhân lên nhiều lần", Sarah Peck, giám đốc quan hệ công chúng của GoFundMe cho hay.
Giờ đây, Bangladesh Relief đang có kế hoạch mở rộng hoạt động từ thiện của mình bên cạnh cung cấp đồ ăn, quần áo và nhu yếu phẩm. Số tiền mà tổ chức này nhận được cũng sẽ được quyên góp cho các nhà trẻ mồ côi địa phương.
"Nhờ sự quyên góp của Michael, chương trình của chúng tôi đang hoạt động rất hiệu quả. Mọi người đều cảm thấy biết ơn về những khoản đóng góp", Chandra cho biết.
"Trong giấc mơ hoang đường nhất của mình, tôi cũng không thể ngờ được phản ứng của công chúng. Mọi người có thể làm được những điều kỳ diệu nếu họ làm việc cùng nhau", Michael chia sẻ.