Khác với mọi ngày, Shelly Ortiz (25 tuổi, sống tại Phoenix, Mỹ), nhân viên phục vụ của một quán cocktail, đến chỗ làm với 2 lớp khẩu trang và tâm trạng căng thẳng vì dịch Covid-19.
Từ lúc đại dịch bùng nổ, niềm vui trò chuyện cùng đồng nghiệp và khách hàng của cô bị lấp đi và thay vào đó là nỗi lo mất việc.
Khi gần hết ca làm, cô đưa tấm hóa đơn cho người khách nam thì nhận được yêu cầu phải tháo khẩu trang với lời trêu chọc “Tôi muốn nhìn thấy nửa khuôn mặt xinh đẹp còn lại của cô”.
Ortiz hốt hoảng từ chối thì nhận được thái độ giận dữ, kèm theo những lời châm biếm khiếm nhã.
Không ít người phải "ngậm đắng nuốt cay" để nhận được nhiều tiền tip hơn. Ảnh: Getty. |
Tiền boa giảm, nạn quấy rối tăng
Không chỉ Ortiz, nhiều nữ nhân viên khi làm việc tại các cơ sở ăn uống, giải trí đều trở thành nạn nhân của nạn quấy rối, bị bắt gỡ khẩu trang và thực hiện những yêu cầu vô lý.
Vì “miếng cơm manh áo”, những người không bị thất nghiệp trong mùa dịch đành phải đi làm trong tâm trạng hoang mang. Họ không biết khi nào mình có thể bị nhiễm virus khi khá nhiều khách hàng không đeo khẩu trang.
Đa số nhân viên phục vụ cho biết tiền boa trung bình mà họ nhận được đã giảm mạnh trong khi khối lượng công việc tăng lên. Ngoài ra, họ còn phải kiêm thêm một số việc vặt như trông trẻ giúp khách, tiếp rượu…
Trong đó, nạn quấy rối nhắm vào nữ nhân viên đeo khẩu trang vẫn là vấn đề lớn nhất. Tổ chức phi lợi nhuận One Fair Wage gọi trường hợp này bằng thuật ngữ “maskual harassment”, chỉ những yêu cầu gỡ khẩu trang để có thêm tiền boa.
Tỷ lệ quấy rối tăng cao với những nhân viên làm trong ngành dịch vụ. Ảnh: Indyweek. |
Theo New York Times, ngành nhà hàng và dịch vụ ăn uống là một trong những lĩnh vực bị giáng đòn nặng nề về tài chính trong thời kỳ đại dịch. Tháng 3-4 năm ngoái, ngành này đã mất 10 triệu việc làm, hơn 100.000 nhà hàng trên khắp nước Mỹ bị ngừng hoạt động. Mặc dù có nhiều bang đã mở cửa trở lại, số lượng đặt bàn trước vẫn giảm đáng kể.
Nới lỏng hình thức nhận tiền boa
Trước đại dịch, một số chủ nhà hàng đã thử nghiệm phương pháp thêm phụ phí vào hóa đơn, tăng giá món ăn, thức uống để trả tiền thưởng cho nhân viên.
Theo Michael Lynn, chuyên gia nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng và tiền boa, mô hình này dễ thực hiện hơn đối với các nhà hàng cao cấp, nơi khách hàng không bị khó chịu bởi mức giá cao. Thậm chí, họ còn bị thu hút bởi các cơ sở thực hiện chính sách công bằng với người lao động.
Hàng chục nhà hàng khác đã chuyển sang hình thức loại bỏ tiền boa. Tuy nhiên, một thời gian sau, họ âm thầm đổi ngược lại vì nhận thấy khó cạnh tranh với các nhà hàng lân cận với mức giá thấp hơn.
Các hình thức nhận tiền boa trở nên đa dạng hơn trong mùa dịch. Ảnh: CNBC. |
Bị mạt sát, sỉ nhục khi yêu cầu khách đeo khẩu trang
Bên cạnh sự thay đổi lớn trong văn hóa tiền tip, nạn quấy rối, bạo lực nhắm vào nhân viên dịch vụ cũng là vấn đề nhức nhối.
Natasha Van Duser (27 tuổi), làm phục vụ quán bar ở Manhattan, chưa bao giờ nghĩ đến cảnh phải mang bình xịt hơi cay khi làm việc.
Khi yêu cầu một khách hàng đeo khẩu trang, cô đã bị anh ta nhổ nước bọt vào người và dọa giết. Không ít lần Duser phải chịu đựng hành động này. Thậm chí, có người đã ném tất cả vật dụng trên bàn để bắt cô dọn dẹp.
“Dù rất đau và tức, tôi vẫn phải lặng lẽ dọn dẹp đống lộn xộn này. Tôi cần tiền boa”, cô gái 27 tuổi chia sẻ.
Nhiều người khác không ngần ngại hét lên và nói những lời tục tĩu với Duser khi cô đo nhiệt độ cho họ.
Trước đây, Duser từng kiếm được 150-300 USD trong một ca làm việc kéo dài 8 giờ. Thế nhưng, những tháng gần đây, cô chỉ nhận được tối đa la 25 USD.
Tác động của khủng hoảng kinh tế đánh mạnh vào những người lao động lương thấp trong ngành dịch vụ ăn uống. |
Trong một nghiên cứu toàn quốc với hơn 1.600 nhân viên được thực hiện bởi One Fair Wage và nhóm nghiên cứu của Đại học California, hơn 3/4 người tham gia nói rằng đã chứng kiến hành vi bạo lực từ những khách hàng được yêu cầu tuân thủ quy định an toàn Covid-19.
Hơn 40% bị trêu ghẹo khiếm nhã, quấy rối tình dục khi làm việc. 80% trong số đó cho hay tiền tip của họ đã giảm mạnh.
Nhiều người nói thêm rằng họ không chỉ lo lắng cho sức khỏe của mình mà còn lo ngại về giá trị bản thân khi quyết định chiều lòng khách hàng.
“Họ cố gắng ép tôi cởi khẩu trang bằng việc đưa ra số tiền boa tăng dần. Điều đó khiến tôi thấy xấu hổ, khó chịu”, Francesca Palmisano (22 tuổi) bày tỏ.
Số liệu thống kê từ Cục Dự trữ Liên bang cho thấy tỷ lệ thất nghiệp cao đang nằm ở nhóm công nhân có mức lương thấp nhất.
Theo Heidi Shierholz, giám đốc của Viện Chính sách Kinh tế, nếu không có bất kỳ biện pháp nào để hỗ trợ nhóm đối tượng này, sự phục hồi kinh tế cũng sẽ làm gia tăng khoảng cách tiền lương hiện có.
Ortiz đã bỏ công việc phục vụ sau nhiều lần bị quấy rồi. Cô không chấp nhận bản thân sẽ dung túng cho hành vi khiếm nhã của khách hàng.
“Vì sự an toàn của mình và các đồng nghiệp khác, tôi buộc họ phải đeo khẩu trang. Nhưng họ lại dùng điều đó để chống lại tôi. Thật lòng tôi cũng không muốn bị cắt giảm tiền boa nhưng an toàn là trên hết”.