Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái kết của 'Vua sư tử' thực tế rất bi thảm, kinh hoàng?

Ý tưởng gốc của tác phẩm kinh điển "The Lion King" kết thúc rất bi thảm, không hề tươi sáng như trên phim.

Tác phẩm The Lion King (tựa Việt: Vua sư tử) của đạo diễn Jon Favreau đang làm mưa làm gió tại các rạp với doanh thu gần 1,2 tỷ USD và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bộ phim được làm lại từ tác phẩm kinh điển cùng tên năm 1994 của các đạo diễn Rob Minkoff và Roger Allers. 

Nội dung phim kể về cuộc chiến giành quyền lực của gia đình sư tử Mufasa ở Phi châu. Nhân vật người chú ác độc Scar đã giết chết anh trai mình là đức vua Mufasa, khiến cho cháu mình là Simba phải lưu lạc nhiều năm trời. Sau đó Simba trở lại, quyết đấu trận kiêu hùng với chú, trở lại ngai vua, giành lấy bình yên cho muôn loài. 

The Lion King 1994 anh 1
Người chú Scar luôn muốn hại chết cha con Mufasa để cướp ngôi cai trị. Ảnh: Disney. 

Đó là những gì mà khán giả qua bao thế hệ được biết về Vua sư tử. Thế nhưng, ý tưởng ban đầu của các nhà làm phim khi sáng tạo tác phẩm này khiến nhiều người phải bất ngờ. 

Theo đó, chú sư tử con Simba suýt bị giết chết cùng với cha mình. Để giành ngôi báu, Scar đã cấu kết với bọn linh cẩu để giết chết đứa cháu bé bỏng bằng cách dụ đàn trâu chạy giẫm lên. Vì cứu con, đức vua Mufasa đã xông vào giữa đàn trâu điên. Không may là khi cứu được Simba, nhân vật này bị em trai mình xô từ mỏm đá xuống mà chết. 

Nhà sản xuất của The Lion King (1994) là Tom Schumacher tiết lộ kịch bản ban đầu của phim là sau khi giết được người anh trai, Scar tiến đến bên đứa cháu bé bỏng. Nhân vật này ngậm hoàng tử vào miệng và chuẩn bị cắn cho gãy cổ sinh linh tội nghiệp, thế nhưng hành động đó ngay lập tức bị phát hiện bởi các động vật xung quanh. 

Muôn loài đã thốt lên: "Lạy Chúa, ngài đã cứu cậu ấy khỏi đám trâu điên đó!". Bất đắc dĩ, Scar phải nuôi đứa cháu của mình. 

Tom Schumacher cho biết thêm, hành động Simba trốn thoát khỏi người chú máu lạnh cũng không có trong kịch bản. Do đó, cũng chẳng có hai nhân vật chồn đất Timon và heo rừng Pumbaa. Chẳng có giai điệu Hakuna Matata mà các nhân vật hát vang trong bản phim năm 1994. 

The Lion King 1994 anh 2
Suýt chút nữa lịch sử sáng tạo đã "thổi bay" hai nhân vật Timon và Pumbaa. Ảnh: Disney. 

Khi đang nuôi lớn Simba, Scar đường hoàng bước lên ngôi vua. Thế nhưng Tom Schumacher không cho biết thêm cốt truyện sau đó diễn biến như thế nào nếu tuân theo các ý tưởng ban đầu ấy. 

Sau khi xem xét lại, đội ngũ làm phim của Vua sư tử năm 1994 thấy ý tưởng như thế quá đen tối nên đã sáng tạo khác đi. Theo đó, Simba trốn thoát khỏi người chú và bọn linh cẩu đang đuổi theo phía sau. Cậu đi đến vùng đất của Timon và Pumbaa, được nuôi lớn giữa cuộc sống đầy hạnh phúc. 

Đó là những gì mà khán giả chứng kiến khi bản phim năm 1994 ra mắt. Song, vẫn có một ý tưởng ban đầu nữa khác xa với bản phim năm 1994 mà các nhà làm phim từng ấp ủ thực hiện. Nếu trong bản phim cách nay 25 năm, nhân vật Rafiki là một con khỉ đầu chó, đóng vai trò là cánh tay đắc lực của Mufasa thì thì ở kịch bản gốc, Rafiki là một con báo. Và kỳ lạ hơn, Rafiki nuôi lớn Simba. Chuyện đó đã không xảy ra trên phim. 

The Lion King 1994 anh 3
Nhân vật Rafiki trong bản phim năm 1994 là một con khỉ đầu chó, đó là quyết định cuối cùng của các nhà làm phim khi ấy. Ảnh: Disney. 

Bộ phim Vua sư tử suýt chút nữa nhuốm màu u ám, theo đó cái ác, sự tiếm quyền và lộng hành lên ngôi thay vì công lý được thực thi. Và nếu các nhà làm phim triển khai theo ý tưởng gốc, Simba có chống lại Scar không vẫn còn là một câu hỏi lớn. 

Ở một nguồn tin khác, Scar còn giết chết Simba ở cuối phim, sau đó bị rơi xuống cơn bão lửa cháy rừng. Scar tuy chết nhưng gương mặt vẫn đầy hạnh phúc, mãn nguyện vì đã giết được đứa cháu Simba của mình. Cái kết này quá bi thảm và kinh hoàng nếu đưa lên phim. 

Bộ phim hoạt hình The Lion King ra mắt năm 1994 mang về cho "ông lớn" Disney trên 968 triệu USD doanh thu toàn cầu lúc bấy giờ. Bản hùng ca về muôn loài được thực hiện bằng đồ họa 2D, vẽ tay trở thành một trong những tác phẩm hoạt hình nổi tiếng bậc nhất của thập niên 1990.

Bộ phim với kịch bản "chốt" cuối cùng đầy giá trị nhân văn đã trở thành kinh điển dù đã qua hơn 20 năm.




Đông Phong

Bạn có thể quan tâm