Theo Sixth Tone, mạng xã hội Trung Quốc tồn tại câu đùa như sau: Nếu một người đàn ông cao hơn 1m80, một ngày nào đó anh ta có thể quên mọi thứ, ngay cả họ tên mình, nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ quên chiều cao của bản thân.
Theo thời gian, người Trung Quốc ngày càng cao. Sixth Tone cho biết thế hệ sinh sau năm 2000 hiện cao nhất khu vực Đông Á.
Tuy nhiên, đối với nhiều bạn trẻ xứ tỷ dân, điều đó vẫn chưa đủ. Trừ phi vượt qua ngưỡng 180 cm, họ vẫn cảm thấy tự ti và chịu thiệt thòi hơn những người khác.
Sự phân biệt chiều cao đẩy nhiều chàng trai vào tình thế khó khăn. Ảnh: Pexels. |
Chiều cao trung bình vượt trội
Năm 2019, chiều cao trung bình của nam giới 19 tuổi ở Trung Quốc là 175,7 cm, soán ngôi Hàn Quốc để trở thành quốc gia có thế hệ sinh sau năm 2000 cao nhất Đông Á.
Ngay từ năm 2013, Tổng cục Thể Thao nước này phát hiện rằng 55,8% nam giới trong độ tuổi 20-25 trưởng thành ở khu vực thành thị cao từ 175-180 cm.
Trong 30 năm qua, chiều cao trung bình của nam giới ở độ tuổi 19 đã tăng 7,5 cm, tức 2,5 cm/thập kỷ. Đàn ông Trung Quốc là một trong những nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới về chiều cao.
Dữ liệu từ Viện nghiên cứu sức khỏe NCD Risk Factor Collaboration cho thấy thứ tự xếp hạng về chiều cao của nam giới Trung Quốc trên thế giới tăng từ hạng 150 vào năm 1985 lên hạng 65 vào năm 2019.
Mặc dù nam giới ngày càng phát triển thể chất, thực tế cho thấy nhiều thanh niên vẫn chưa đạt chiều cao “mẫu bạn trai lý tưởng” của các cô gái.
Chiều cao chính là một lợi thế trên thị trường hẹn hò xứ tỷ dân. Nói chung, ai càng cao thì bạn càng nổi bật, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nhiều thanh niên vẫn chưa đạt chiều cao kiểu “mẫu bạn trai lý tưởng” của các cô gái. Ảnh: Imgur. |
Theo dữ liệu từ nền tảng hẹn hò HIMMR, những người cao từ 180-190 cm nhận được tỷ lệ lựa chọn cao nhất.
Đối với những người sinh sau năm 1995, chiều cao thậm chí còn quan trọng hơn cả thu nhập, tài chính, gia cảnh hay trình độ học vấn của họ. Nhiều cô gái cho biết 1m80 là con số thấp nhất mà họ có thể chấp nhận.
Ngược lại, chiều cao chỉ là yếu tố áp chót trong danh sách những điều đàn ông tìm kiếm ở phụ nữ, theo Sixth Tone.
Đàn ông thấp bé chịu kỳ thị
Sau khi phân tích 50 câu trả lời được yêu thích nhất dưới chủ đề “Những người đàn ông cao từ 170 cm trở xuống sẽ như thế nào?”, trang web Guyu Data nhận thấy rằng nam giới thấp bé thường nhận được nhiều lời chế nhạo từ bạn bè khác giới.
“Con trai cao dưới 160 cm chắc bị tật nguyền rồi”, “Đứng mặc áo khoác dáng dài, trông bạn như đang mặc đồ của bố mẹ ấy”, “Đàn ông cao 172 cm và 175 cm là hai giống loài khác nhau”... là những lời miệt thị, chế nhạo phổ biến.
Một số khác bày tỏ cảm xúc tự ti, xấu hổ khi phải đối mặt với chiều cao khiêm tốn của mình.
“Nhiều lúc, khi nghe thấy những người lùn và tàn tật bị đem ra làm trò cười trên truyền hình, tim tôi như thắt lại”, một người để lại bình luận.
Sự phân biệt đối xử dựa trên chiều cao đã xuất hiện từ lâu. Thậm chí ngày nay, xã hội còn xếp chiều cao ngang hàng với các yếu tố khác như sức hút cá nhân, trí tuệ xuất sắc và khả năng lãnh đạo.
Chiều cao cũng gây ảnh hưởng đến đường tình duyên của các chàng trai Trung Quốc. Ảnh: Wang Haibin/VCG. |
Nhà văn Mỹ Malcolm Gladwell đã tính toán trong cuốn sách Blink: The Power of Thinking Without Thinking của mình rằng trong điều kiện được kiểm soát, cứ mỗi inch (2,54 cm) chiều cao đạt được, mức lương hàng năm của một người sẽ tăng thêm 789 USD.
Dù trong tình yêu, công việc hay tình bạn, sự phân biệt chiều cao đã ăn sâu vào mọi khía cạnh xã hội Trung Quốc.
Trong nhiều trường hợp, nam giới cao hơn được coi là khỏe mạnh, thông minh hơn, từ đó có cơ hội việc làm và kết hôn tốt hơn. Ngược lại, những chàng trai thấp bé lại bị chế giễu, miệt thị.
Không ít người bày tỏ thái độ mỉa mai với hiện tượng cực đoan này, đùa rằng “hình như chỉ có ai cao từ 1m80 trở lên mới được coi là đàn ông bình thường”.
Trong nhiều trường hợp, nam giới cao hơn được coi là khỏe mạnh, thông minh hơn, từ đó có cơ hội việc làm và kết hôn tốt hơn. Ngược lại, những chàng trai thấp bé lại bị chế giễu, miệt thị.