Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái khó của người bán cây cảnh Tết

Nhiều tiểu thương phải trông chờ vào nhóm khách quen, đồng thời hạ giá bán để phù hợp với khả năng chi tiêu của người mua.

Gia đình anh Chu Minh Công (47 tuổi) đã kinh doanh đào Tết qua 2 thế hệ, đến nay đã 35 năm. Trong đó, anh tiếp quản công việc này được gần 20 năm. Điểm bán chính của anh nằm trên phố Lạc Long Quân (quận Tây Hồ).

Tính đến ngày 24 tháng Chạp, anh Công đã bán hết 2/3 số cây đào. Thế nhưng, anh vẫn thở dài đầy tiếc nuối.

“Năm nay, tôi bán với giá rẻ quá, cao nhất cũng chỉ 50 triệu đồng. Những năm trước, giá bán có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Cũng biết là kinh doanh có lúc thăng, lúc trầm, nhưng tôi tiếc công sức đầu tư, chăm chút cho từng cây của mình”, anh kể.

Sau 2 năm đại dịch, nhận thấy sức mua của khách hàng giảm, nhiều người kinh doanh hoa, cây cảnh Tết ở Hà Nội hạn chế số lượng hàng nhập vào. Đồng thời, họ phải điều chỉnh giá bán sao cho phù hợp với khả năng chi tiêu của người mua.

cai kho cua tieu thuong ban cay canh Tet anh 1

Anh Công nối nghiệp bán hoa đào của gia đình, đến nay gần 20 năm.

Trông cậy vào khách quen

Theo anh Công, dù trải qua thời gian dài khó khăn, người dân vẫn có nhu cầu sắm đào Tết. Tuy vậy, sức mua không dồn dập như mọi năm, hàng bán cũng chậm hơn thông thường.

Phần lớn người mua là khách quen tích lũy được trong nhiều năm kinh doanh của anh Công. Bên cạnh những người đến xem cây trực tiếp, một số khách giao dịch online do ở xa và lo ngại dịch bệnh.

“Tôi luôn đề cao chất lượng, uy tín để khách nhớ đến mình và tiếp tục ủng hộ những lần tiếp theo. Nhờ đó, tôi duy trì được lượng khách quen ổn định, quay lại mua đào nhà tôi suốt nhiều năm”, anh chia sẻ.

Sáng 26/1, anh Nguyễn Văn Doanh (40 tuổi), chuyên bán cây bưởi cảnh, nhận được tin nhắn rằng cây bưởi trị giá 50 triệu đồng của anh đã được vận chuyển thành công từ Hà Nội về huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang).

Người mua là khách quen từ năm ngoái. Cây được vận chuyển bằng xe tải suốt 3 ngày, với tổng cước phí khoảng 16 triệu đồng.

“Năm nay, tôi bán chủ yếu cho khách quen. Do tình hình kinh tế khó khăn, sức mua giảm, tôi cũng phải hạ giá để phù hợp túi tiền người mua hơn”, anh chia sẻ.

Đây cũng là năm đầu tiên anh Doanh ghép bưởi tiến vua với sắc đỏ đặc trưng đan xen giữa những quả bưởi Diễn màu vàng. Anh hy vọng sự kết hợp này, vốn là 2 sắc màu đặc trưng của Tết Nguyên đán, sẽ gây ấn tượng với người mua.

Đối tượng khách hàng chính của anh là các doanh nghiệp và gia đình sở hữu sân vườn rộng, có nhu cầu chơi cây cảnh.

Tính đến nay, anh đã kinh doanh bưởi cảnh dịp Tết ở đầu phố Nhật Chiêu (quận Tây Hồ) được 5 năm. Những cây bưởi chín vàng trĩu quả, cao khoảng 2-3 m được đặt trong các chậu lớn, có giá trung bình dao động từ 10-50 triệu đồng, tùy kích cỡ.

Theo anh, do tình hình kinh tế khó khăn, số lượng cây bán ra giảm, nhưng đồng thời, dịch vụ thuê cây lại phát triển. Từ đầu vụ, anh đã cho thuê 6-7 cây bưởi, giá cả tùy thuộc vào nhu cầu và thời gian thuê của từng khách hàng.

“Người mua có thể tiếp tục chơi trong nhiều năm tiếp theo, nhưng số lượng quả mới không thể bằng ban đầu được vì còn phụ thuộc vào kỹ thuật chăm bón. Trong khi đó, khi thời hạn thuê kết thúc, tôi có thể đưa cây về vườn chăm sóc tiếp và ‘tái sử dụng’ cho năm tiếp theo”, anh nói.

Giống như hàng năm, anh Doanh bắt đầu bán bưởi cảnh từ ngày 1 tháng Chạp đến giao thừa. Ngoài những vật dụng cần thiết, hành trang của anh không thể thiếu bàn ghế, bộ ấm chén và phích nước sôi.

“Nhiều lúc, tôi vẫn mời khách vào bàn, ngồi uống chén trà cho dù họ không mua cây. Được trò chuyện với khách thôi là thích rồi. Với tôi, đó là cái vui của người bán hàng”, anh chia sẻ.

cai kho cua tieu thuong ban cay canh Tet anh 8

Anh Doanh cảm thấy vui khi được giao tiếp với khách hàng.

Nhập hàng dè dặt

Chiều 24 Tết, bà Trần Thị Hạnh (58 tuổi) tất bật chào mời khách ghé xem gian hàng bán quất, đào của mình trên phố Lạc Long Quân. Mỗi lúc rảnh, bà phun sương vào các cây, đồng thời dịch chuyển các cành đào ra khỏi khu vực nhiều nắng.

Bà Hạnh thừa nhận nhập hàng trong lo lắng. Do sợ tình hình kinh tế hậu Covid-19 khó khăn, khách giảm chi tiêu, bà chủ yếu nhập cây đào, quất cỡ nhỏ và vừa với số lượng ít hơn năm trước. Bù lại, bà cố gắng chọn những mặt hàng đẹp, chất lượng tại vườn Nhật Tân.

“Sau ngày 23 Tết, cộng thêm thời tiết thuận lợi, nhiều người đi mua cây hơn. Dù khó khăn, mọi người vẫn muốn mua quất, đào chơi Tết. Chợ hoa Tây Hồ trở nên nhộn nhịp, đông vui, còn tôi bán được khá đắt hàng”, bà cho biết.

cai kho cua tieu thuong ban cay canh Tet anh 9

Bà Hạnh thừa nhận buôn bán trong lo lắng vì dịch bệnh khó lường.

Đức Cảnh (30 tuổi), nhân viên cửa hàng cây cảnh trên đường Bưởi (quận Ba Đình), cũng cho biết số lượng gốc mai vàng Thủ Đức bên anh nhập về ít hơn năm trước, chỉ khoảng 150 cây. Mỗi cây được chào bán giá từ 1-5 triệu đồng. Có những gốc 20-30 năm tuổi.

“Cứ mỗi dịp Tết đến, cửa hàng tôi lại vận chuyển cây mai từ TP.HCM ra Hà Nội. Hoa mai Thủ Đức được ưa chuộng bởi kích thước bông lớn, cánh dày và sắc vàng rất rực rỡ. Màu vàng cũng tượng trưng cho sự may mắn, giàu sang, phú quý nên nhiều người quan tâm”, anh nói. Có những người đã gọi điện đặt hàng từ đầu tháng Chạp.

Năm nay, nhà vườn phải hạ giá bán để phù hợp với mức chi tiêu của người mua, dù phí vận chuyển tăng. Tuy nhiên, anh Cảnh khẳng định chưa năm nào phải bán tháo, bán chạy, kể cả vì dịch bệnh. Sản xuất một cây mai rất tốn công. Do đó, những gốc mai còn thừa sẽ lại lên xe trở về TP.HCM để tiếp tục nuôi trồng.

“Một cây mai có giá 2-3 triệu đồng phải mất vài năm nuôi trồng, chăm sóc. Tính ra mỗi ngày, tôi được vài nghìn đồng tiền công là nhiều. Thế nhưng, mình thích cây và làm ra cây đẹp là vui vẻ rồi”, anh cười, nói.

Chợ hoa lớn nhất TP.HCM hồi sinh dịp cận Tết

Gần đến Tết, chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP.HCM) trở nên nhộn nhịp với các hoạt động mua bán. Để thu hút khách hàng, các cửa tiệm liên tục trưng bày những mẫu hoa mới lạ, bắt mắt.

Hồng Chang - Phạm Thắng

Bạn có thể quan tâm