Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái khó của người chuyển giới ở Mỹ

Một nghiên cứu mới đây cho thấy sự phân biệt đối xử và rào cản pháp lý đã ngăn cản những người chuyển giới trẻ tiếp cận với sự chăm sóc sức khỏe cần thiết.

Piper, một cô gái chuyển giới 17 tuổi, nói trên The New York Times rằng mình là người may mắn.

Cô sống cùng gia đình ở ngoại ô thành phố Atlanta (bang Georgia, Mỹ). Từ nhà, cô chỉ mất một đoạn lái xe ngắn để đến được Queer Med, một phòng khám tư nhân về giới tính.

Cách đây 2 năm, cô đã thực hiện điều chỉnh hormone nhằm khẳng định giới tính tại đây. Piper chỉ mất 5 tháng để đăng ký và chờ phòng khám phê duyệt yêu cầu - khoảng thời gian được cho là tương đối ngắn.

cong dong nguoi chuyen gioi o My anh 1

Piper tự tin hơn với cơ thể của mình sau khi được can thiệp điều chỉnh giới tính.

Tuy nhiên, mọi thứ không hoàn hảo. Trong những lần đến gặp bác sĩ tại Queer Med để thăm khám sức khỏe, Piper vẫn bị gọi nhầm giới tính.

Gói bảo hiểm y tế của cô cũng không được chấp nhận tại đây, buộc gia đình Piper phải chi tiền túi khoảng 150 USD cho mỗi lần khám bệnh, chưa bao gồm chi phí xét nghiệm.

Không chỉ vậy, những trở ngại đối với Piper tiếp tục xảy ra khi Georgia là một trong 20 bang đã ban hành dự luật cấm hoặc hạn chế các phương pháp điều chỉnh khẳng định giới tính cho trẻ vị thành niên vào năm 2021.

Chính điều này đã khiến Piper dự định rời quê hương sau khi tốt nghiệp trung học và đến nơi có chính sách thân thiện hơn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe người chuyển giới.

"Dù vậy, tôi vẫn thấy rằng mình may mắn. Rất nhiều người khác không thể có cơ hội được điều chỉnh giới tính như tôi", Piper nói.

Nhiều trở ngại

Một nghiên cứu vào năm 2019 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho thấy khoảng 1,8% học sinh trung học ở Mỹ được xác định là người chuyển giới.

Theo một nghiên cứu gần đây trên JAMA Pediatrics, người chuyển giới tại Mỹ gặp không ít sự phân biệt đối xử từ hệ thống y tế. Ngoài ra, họ cũng vướng nhiều trở ngại về mặt pháp lý, kinh tế và xã hội khi mong muốn sử dụng dịch vụ khẳng định giới tính.

Báo cáo của JAMA là nghiên cứu đầu tiên về trải nghiệm của những người chuyển giới trẻ khi tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Báo cáo bao gồm 91 cuộc thăm dò từ 17 quốc gia trong nhiều thập kỷ, được thực hiện trên đối tượng thanh niên chuyển giới và đồng tính từ 9 đến 24 tuổi.

Tiến sĩ Lauren Chong, thực tập sinh nhi khoa tại Mạng lưới Bệnh viện Nhi đồng Sydney (Australia) và là tác giả của báo cáo, cho biết: "Hiện tại, có một khoảng cách rất lớn giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thanh thiếu niên chuyển giới".

Trong khi đó, Talen Wright, một sinh viên tốt nghiệp ngành Nghiên cứu Sức khỏe tâm thần của người chuyển giới tại Khoa Tâm thần, Đại học London, người không tham gia báo cáo nhận định: "Những phát hiện từ báo cáo này không có gì đáng ngạc nhiên. Đó là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy mọi thứ cần phải thay đổi".

cong dong nguoi chuyen gioi o My anh 2

Talen Wright, một người chuyển giới và là Tiến sĩ nghiên cứu sức khỏe tâm thần của cộng đồng LGBT.

Các tổ chức y tế lớn, bao gồm Hiệp hội Y khoa Mỹ và Học viện Nhi khoa Mỹ, đã công nhận phương pháp điều chỉnh, khẳng định giới tính cho thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, việc áp dụng trong thực tế vẫn còn gây tranh cãi đối với một số cơ sở y tế, cơ quan lập pháp và bậc cha mẹ có con muốn chuyển giới.

Thuốc ức chế dậy thì và liệu pháp hormone là 2 phương pháp giúp điều chỉnh và khẳng định giới tính cho trẻ vị thành niên, có hiệu quả nhất nếu được thực hiện khi bắt đầu tuổi dậy thì (khoảng từ 8 đến 14 tuổi). Nhưng 2 phương pháp này đều mâu thuẫn với quy định về độ tuổi điều chỉnh giới tính ở hầu hết tiểu bang.

Các bác sĩ lâm sàng thường phải tiến hành một loạt các đánh giá nhằm khẳng định thanh thiếu niên hiểu được ý nghĩa của việc chuyển giới. Giai đoạn này thường mất thời gian khá dài.

Trong báo cáo của JAMA, một số thanh niên đồng tính đã bày tỏ sự thất vọng, cho rằng những rào cản về pháp lý cũng như thời gian chờ đợi đã hạn chế khả năng tiếp cận với thuốc ức chế dậy thì và liệu pháp hormone của mình.

Một số thanh niên khác còn cho rằng chính ba mẹ mình đã ngăn cản việc tiếp cận liệu pháp hormone khiến mọi sự điều chỉnh trở nên chậm trễ.

Ngoài ra, báo cáo của JAMA cũng cho thấy rằng thanh niên còn phải đối mặt với những rào cản lớn hơn, trong đó vấn đề bảo hiểm rất phổ biến.

Một số gia đình đã gặp khó khăn trong việc mua thuốc ức chế dậy thì. Một số khác lại chật vật khi tìm kiếm dịch vụ chuyển giới an toàn. Khi không được áp dụng bảo hiểm, những hạng mục nêu trên càng trở nên đắt đỏ.

Kỳ vọng

Tiến sĩ Gina Sequeira, đồng Giám đốc Phòng khám Giới tính Trẻ em Seattle, chia sẻ rằng thanh niên chuyển giới người da màu và ở vùng nông thôn thường ít được tiếp cận các phòng khám giới tính.

Lúc này, phương pháp y tế từ xa chính là biện pháp giúp các bác sĩ chăm sóc được nhiều người chuyển giới hơn ở mọi miền.

"Khi làm việc trong lĩnh vực này, tôi mong muốn thanh thiếu niên ở mọi nơi có thể được chăm sóc sức khỏe giới tính", cô nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Baer Karrington, bác sĩ nội trú nhi khoa tại Phòng khám Giới tính Trẻ em Seattle, cho biết những bác sĩ chuyên khoa chuyển giới mà anh biết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này chứng tỏ dịch vụ chăm sóc sức khỏe người chuyển giới tại Mỹ còn rất hạn chế.

Bản thân anh mong muốn lĩnh vực này được mở rộng và cải thiện, giúp thanh thiếu niên chuyển giới nhận được nhiều hơn sự chăm sóc cần thiết.

cong dong nguoi chuyen gioi o My anh 3

Từ tình yêu đối với 2 con tắc kè của mình, Piper mong muốn trở thành một nhà động vật học.

Quay trở lại với Piper ở Atlanta, bác sĩ của cô tại Queer Med cũng là người chuyển giới. Điều này khiến Piper cảm thấy được đồng cảm.

Cô gái mong rằng sẽ có nhiều người chuyển giới hơn làm bác sĩ, còn mình sẽ trở thành một nhà động vật học.

"Đó chính là cuộc đời của tôi. Tôi đã chuẩn bị cho điều đó suốt thời gian dài", cô nói.

Shop thời trang, mỹ phẩm rục rịch đón khách

Trong ngày đầu hoạt động lại, không khí mua sắm ở một số tuyến phố thời trang của thủ đô còn vắng vẻ, thưa thớt. Các chủ shop dành phần lớn thời gian dọn dẹp, là lượt lại quần áo.

Thục Hạnh

Ảnh: NYT

Bạn có thể quan tâm