Khi Fan Jianhua (34 tuổi) hạ sinh đứa con thứ 3 vào năm ngoái, cô lo sợ sẽ phải nộp phạt 7.500 USD vì vi phạm luật giới hạn sinh đẻ. Vốn dĩ, gia đình cô phải vay mượn nhiều để chữa trị cho đứa con 6 tuổi mắc bệnh bạch cầu, theo New York Times.
May mắn thay, khi đăng ký khai sinh cho đứa con thứ 3, cô không phải trả khoản tiền phạt nào.
“Cuối cùng, tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm”, Fan, một người phụ nữ nội trợ sinh sống ở thành phố Đan Giang Khẩu (tỉnh Hồ Bắc), cho biết.
Chính quyền Trung Quốc cho biết các công chức sẽ không còn bị sa thải vì những vi phạm sinh quá 2 con.
Các quan chức chính quyền cũng cam kết thực hiện chính sách dân số toàn diện hơn - tín hiệu cho thấy các quy tắc sẽ được nới lỏng hơn nữa. Tuy nhiên, họ vẫn chưa muốn dỡ bỏ hoàn toàn lệnh hạn chế sinh đẻ.
Mãi đến năm 2015, Trung Quốc mới chính thức dỡ bỏ chính sách một con, cho phép các gia đình có thêm con thứ hai. |
Hậu quả của chính sách một con
Ngày càng nhiều người ở Trung Quốc, bao gồm các nhà lập pháp, học giả và quan chức, lên tiếng thúc giục chính phủ bãi bỏ các hạn chế sinh đẻ nếu muốn đảo ngược sự suy giảm nghiêm trọng về tỷ lệ sinh.
“Chúng ta phải tận dụng lợi thế đang có nhiều cư dân sẵn sàng sinh thêm con mà không được phép. Nếu đợi đến khi chẳng còn ai muốn đẻ nữa mới dỡ bỏ hạn chế, nó sẽ chẳng có tác dụng gì”, trích một bài viết hôm 14/4 của tập san Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Ngày 11/3, kết quả cuộc điều tra dân số mới nhất của xứ tỷ dân cho thấy số lượng em bé chào đời vào năm vừa qua rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Tỷ lệ sinh thấp sẽ dẫn đến ít lao động hơn và nhu cầu thấp hơn, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Một số địa phương chủ động dần dần nới lỏng kế hoạch hóa gia đình. Cảnh sát, người sử dụng lao động và quan chức đang tự quyết định xem nên thực thi quy định một cách nghiêm ngặt hay lỏng lẻo.
Điều đó đồng nghĩa rằng một số người dân như Fan có thể tự do sinh thêm con. Thế nhưng, nó lại tạo ra sự không chắc chắn về những rủi ro, đồng thời gia tăng sự miễn cưỡng trong việc có thêm con của các cặp vợ chồng.
Tính đến năm 2050, chỉ 60% dân số Trung Quốc nằm trong độ tuổi lao động. |
Nếu chính phủ dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế sinh đẻ, điều đó sẽ truyền đi một thông điệp quan trọng tới xã hội, theo Huang Wenzheng, chuyên gia nhân khẩu học tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh.
“Ngược lại, nếu các hạn chế về kế hoạch hóa gia đình không được chính phủ dỡ bỏ, đồng thời khuyến khích sinh đẻ, chúng sẽ tự mâu thuẫn với nhau”, ông nói với New York Times.
Hồi Chen Huayun (33 tuổi) còn nhỏ, các quan chức ở quê nhà đã bất ngờ kiểm tra khu giặt và phơi quần áo của trẻ con tại các hộ gia đình. Bố mẹ cô, hai công chức, phải giấu hoặc gửi Chen đến nhà ông bà vì cô là con gái thứ hai của họ.
“Tôi được coi là một ca sinh bất hợp pháp nên chưa bao giờ được công khai để bố mẹ không phải chịu phạt. Chỉ đến khi về hưu, đồng nghiệp của bố mẹ mới biết tôi tồn tại”, cô kể lại.
Từ năm 1980-2015, chính phủ Trung Quốc thực thi chính sách một con một cách hà khắc nhằm giảm bớt sự gia tăng dân số.
Nhưng biện pháp này để lại hậu quả nghiêm trọng: tình trạng thiếu hụt nhân khẩu chưa từng thấy ở xứ tỷ dân. Hiện nay, dân số Trung Quốc đang già đi nhanh hơn cả so với nhiều nước phát triển khác, theo New York Times.
Theo dự đoán, những người trong độ tuổi lao động sẽ chỉ chiếm 60% dân số Trung Quốc vào năm 2050, giảm 3/4 so với năm 2010 - một sự suy giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của quốc gia.
Hiện Chen Huayun không cần phải giấu con thứ hai, thứ ba của mình như cách bố mẹ từng làm với cô. |
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã phân công lại các nhân viên kế hoạch hóa gia đình vào các vai trò mới như nghiên cứu dân số hoặc xử lý các vấn đề liên quan đến Covid-19.
Thế nhưng, một số địa phương vẫn có quyền thực thi giới hạn sinh khi họ tự thấy phù hợp, dẫn đến sự mâu thuẫn trong xã hội.
Tháng 5/2020, chính phủ trung ương cho biết các công chức sẽ không bị mất việc khi sinh quá 2 con. Tuy nhiên, vài tháng sau, một ủy ban xã nằm ở phía đông thành phố Hàng Châu đã sa thải một phụ nữ sau khi cô hạ sinh đứa con thứ 3, khiến dư luận phản đối kịch liệt.
Gánh nặng từ việc sinh con
Mặt khác, việc chính phủ Trung Quốc vẫn còn chờ đợi trong việc xóa bỏ hạn chế sinh đẻ xuất phát từ quan điểm rằng không phải hộ gia đình nào cũng có thể tự kiểm soát số lượng con cái họ nên có.
Chia sẻ với China Daily, Yuan Xin, Phó chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tại một số khu vực nghèo khó ở miền Tây, mọi người vẫn bị ám ảnh về việc sinh thêm con. Vì vậy, một chính sách kế hoạch hóa gia đình nới lỏng hơn đồng nghĩa với việc họ có nhiều con hơn, từ đó khó thoát nghèo hơn”.
Bên cạnh đó, một thế hệ phụ nữ Trung Quốc có trình độ học vấn cao đang từ bỏ việc kết hôn và sinh con do nhiều lý do, bao gồm các quan điểm truyền thống quy định rằng phụ nữ phải gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con và nội trợ.
Tốc độ già hóa dân số ở Trung Quốc cao hơn nhiều nước phát triển khác, trong đó có Mỹ. |
Liu Qing (38 tuổi), biên tập viên sách thiếu nhi ở Bắc Kinh, cho biết cô sẽ không kết hôn và sinh con vì cái giá phải trả là quá đắt.
Hơn nữa, Liu cho biết xã hội Trung Quốc chỉ áp dụng hình phạt sinh đẻ đối với phụ nữ, đồng thời nữ giới thường bị phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng.
“Tất cả những gì bạn muốn, từ lý tưởng đến hoài bão, bạn đều phải hy sinh. Tôi không phải kiểu người chấp nhận thực trạng đó và thỏa hiệp”, cô nói.
Đối với một số người khác, sinh ít con hơn là vấn đề cần thiết khi các lỗ hổng trong mạng lưới an sinh xã hội của Trung Quốc vẫn còn tồn tại, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính gia đình.
Dù được miễn phạt, Fan, bà mẹ 3 con ở tỉnh Hồ Bắc, cho biết hai vợ chồng cô ngày càng tuyệt vọng. Bảo hiểm y tế xã hội đã chi trả 1/2 chi phí điều trị bệnh bạch cầu cho con gái 6 tuổi, nhưng cô và chồng vẫn còn nợ 76.000 USD.
Cô sinh đứa con thứ 3 chỉ vì nghe nói rằng máu dây rốn của anh chị em ruột có thể giúp điều trị bệnh bạch cầu. Nhưng sau đó, Fan mới biết rằng việc điều trị như vậy sẽ tốn hơn 10.000 USD.
“Tôi không dám nghĩ đến tương lai”, Fan chia sẻ. Nếu bệnh tình của con gái cô chuyển biến xấu hơn, gia đình cô buộc phải từ bỏ việc điều trị.
“Chúng tôi chỉ có thể phó mặc cho số phận của con bé”, người mẹ đau lòng nói.