Trang The Big Issue đưa tin theo một nghiên cứu mới công bố, sức khỏe tinh thần và triển vọng của người trẻ tại Anh đang bị "ăn mòn" do công việc bấp bênh trong thời kỳ khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Một nửa số người trẻ không tin họ có thể được nghỉ hưu và có cuộc sống thoải mái sau này.
Phân tích cho thấy mức lương và phúc lợi thấp khiến người trẻ khó trụ vững trong thời kỳ bão giá, khiến hy vọng về tương lai của họ bị đe dọa.
Không chỉ riêng giới trẻ Anh, thanh niên nhiều nước trên thế giới cũng đang phải vật lộn với công việc bấp bênh. Mức lương thấp trong khi giá cả tăng cao sau đại dịch, nhiều người trẻ từ bỏ mơ ước mua nhà hay ổn định tài chính. Nhiều người trì hoãn kết hôn, không muốn sinh con trước áp lực tiền bạc.
Khoảng một nửa số người trẻ Anh cho rằng họ không thể có cuộc sống thoải mái sau nghỉ hưu. Ảnh: Pixels. |
Mắc kẹt giữa "sống hay tồn tại"
Báo cáo cho biết lạm phát, mức đóng bảo hiểm quốc gia tăng, những thay đổi với khoản thanh toán khoản vay nợ sinh viên và các nhu cầu thiết yếu không có khả năng chi trả đang ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của những người trong độ tuổi 16-24 ở Anh.
Họ có xu hướng tin rằng sẽ trở nên nghèo hơn khi về già và lưới an toàn tài chính bị mất.
Cuộc khảo sát với 1.200 người trẻ cho thấy gần một nửa (47%) không kiếm đủ tiền sinh hoạt hàng tháng với mức lương hiện tại, hoặc chỉ đang cố xoay xở.
Fran Landreth Strong, tác giả chính của báo cáo và là nhà nghiên cứu của Hiệp hội Nghệ thuật, Sản xuất Hoàng gia, cho biết: “Những người trẻ tuổi trên khắp Vương quốc Anh đang phải đối mặt với mức lương không đủ sống, mức nợ cao và chi phí sinh hoạt tăng".
Bà Strong nói thêm có sự lo ngại đối với những người trẻ đang phải đối mặt bấp bênh tài chính, tác động của nó ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần cũng như niềm tin của họ về tương lai.
Khủng hoảng giá cả tăng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe tinh thần của người lao động trẻ. Ảnh: The Times. |
"Nếu không có hành động thích hợp, có nguy cơ chúng ta sẽ tạo nên 'thế hệ đề phòng', những người không có đủ niềm tin vào tương lai để tự tin bước qua tuổi trường thành".
Những người lao động trẻ phải vật lộn với mức lương không theo kịp lạm phát đang nhận thấy hệ thống phúc lợi cũng không mang lại sự an toàn, và họ cảm nhận sâu sắc những tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Revati, một thanh niên 20 tuổi tham gia dự án với tư cách là cố vấn trẻ, cho biết những người trẻ tuổi ngày càng "mắc kẹt giữa sống hay tồn tại”.
Owen, một cố vấn trẻ tuổi khác đã từng làm việc với các nhà nghiên cứu, cho biết: “Một số người trẻ lo lắng về tương lai trước mắt của họ trong thời gian rất ngắn, và một số lo lắng rằng họ sẽ không thể có nhà ở hoặc lập kế hoạch tài chính cho tương lai".
Những người dưới 23 tuổi không được hưởng “mức lương đủ sống quốc gia”, mức lương tối thiểu do Westminster đặt ra cho người lao động lớn tuổi, thay vào đó họ được trả ít hơn. Người học nghề có thể kiếm ít hơn 5 bảng Anh/giờ.
Nghèo sang chảnh
"Nghèo sang chảnh" là cụm từ dùng để chỉ lối sống của một bộ phận người trẻ đô thị Trung Quốc - những người làm công ăn lương bình thường, không có hy vọng mua được nhà ở hay ổn định tài chính nên chọn ăn chơi thoải mái.
Với mức lương trung bình trong khi giá nhà đất và hàng loạt mặt hàng đều tăng chóng mặt, nhiều người biết rằng dù cố gắng tích cóp cả đời cũng chẳng thể mua nổi nhà thành phố. Vì vậy, họ dùng tiền kiếm được để mua sắm, tận hưởng dịch vụ xa hoa.
Nhiều người trẻ Trung Quốc rơi vào "khủng hoảng danh tính", không biết nỗ lực vì điều gì. Ảnh: The Paper. |
Theo phân tích của tác giả bài viết trên trang The Paper, nhiều người trẻ khao khát vươn lên và khẳng định bản sắc cá nhân, tuy nhiên có một cách biệt lớn giữa kỳ vọng và tình trạng thực tế của họ. Điều này khiến họ càng thêm bế tắc.
Sự phức tạp của môi trường xã hội bên ngoài cùng hạn chế trong khả năng đã tạo nên xung đột trong tư tưởng: một mặt, người trẻ không biết nên làm gì, mặt khác họ mong muốn hành động để thay đổi thực trạng hiện tại.
Áp lực kinh tế và địa vị xã hội ngày càng lớn đang khiến hàng triệu người trẻ Trung Quốc rơi vào cuộc "khủng hoảng danh tính" - không biết mình tồn tại và cố gắng vì điều gì.
Nhiều người trẻ Trung Quốc cũng đang rơi vào tâm lý muốn bày tỏ cảm xúc nhưng không dám. Điều này đã dẫn tới trào lưu phổ biến trên mạng như "trò chuyện ẩn danh", "tâm sự tự chữa lành". Điểm chung của những người này là "sợ xã hội" song đồng thời lại khao khát được kết nối với mọi người và muốn được công nhận.
Khủng hoảng danh tính của người trẻ còn thể hiện qua mâu thuẫn trong "văn hóa làm việc 996" - làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần. Phải làm việc quá sức để kiếm tiền và đạt đến "thành công" nhưng xã hội cũng dạy người trẻ phải quý trọng sức khỏe.
Theo The Paper, giới trẻ đất nước tỷ dân đang đối mặt quá nhiều khủng hoảng và xung đột về quan điểm nghề nghiệp, quan điểm tiêu dùng, quan điểm xã hội, tư tưởng hôn nhân và tình yêu, quan điểm thẩm mỹ và sức khỏe.
Không ít người trẻ Hàn Quốc tự nhận mình là "thế hệ bỏ cuộc". Ảnh: BBC. |
Tại Hàn Quốc, số lượng “người lao động chán nản” tại Hàn Quốc chạm mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2021, theo The Korea Times. Họ là những người hiện thất nghiệp hoặc không tìm được việc mới trong vòng 4 tuần.
Số liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy vào năm 2021, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á có 628.000 “người lao động chán nản”, con số lớn nhất kể từ khi quốc gia theo dõi chỉ số này vào năm 2014.
Nhiều người Hàn sinh từ đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000 không thể tìm được công việc tử tế. Thực tế khắc nghiệt này đã khiến họ vỡ mộng, thất vọng và trút giận lên xã hội.
Tình trạng thất nghiệp còn khiến không ít người phải từ bỏ những điều quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như kết hôn, sinh con, mua nhà.
Trong khi các nhà bình luận gọi đây là "thế hệ giận dữ", nhiều người trẻ Hàn Quốc tự nhận mình là "thế hệ bỏ cuộc".