Nhiều năm nghiên cứu về rượu và ngộ độc rượu, Đại tá, PGS.TS.BS Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103), cho hay nếu biết uống rượu với số lượng ít thì có lợi cho sức khỏe bởi chúng làm tim đập nhanh hơn, mạch máu lưu thông hơn. Tuy nhiên, chuyên gia thừa nhận việc uống thế nào là đủ để dừng lại ở việc có lợi cho sức khỏe là một câu hỏi khó.
“Người ta đã tính ra rằng với bia 5 độ, lượng khuyến cáo chỉ khoảng 500 ml/ngày, rượu mạnh khoảng dưới 100 ml/ngày, rượu vang khoảng 200 ml/ngày. Khó ở chỗ người uống không thể kìm chế được lượng ít ỏi như vậy. Con người có hiện tượng dung nạp, tức khi uống nhiều, tửu lượng của họ sẽ tăng lên. Người nghiện rượu cũng bắt đầu từ việc uống cho biết, cho vui với một lượng rất ít, sau đó dần dần tăng lên ở mức không kiểm soát”, PGS Huy cho hay.
Điều nguy hiểm hơn ở người nghiện rượu là sự biến đổi tâm thần nặng nề, đặc biệt là hội chứng cai rượu - xuất hiện khi người nghiện dừng uống.
Lúc này, họ rơi vào tình trạng chân tay lẩy bẩy, nôn ọe, mồ hôi vã ra như tắm, huyết áp tăng vọt, bồn chồn, đứng ngồi không yên, kích động, dọa nạt người khác. Đặc biệt, họ bị hoang tưởng, ảo giác như nghe tiếng chửi rủa bên tai.
Biểu hiện nguy hiểm nhất của hội chứng cai rượu là sảng rượu, tỷ lệ tử vong là 30%. Biểu hiện là người bệnh không ngủ được trong 24h, không định hướng được không gian, thời gian, hoang tưởng ảo giác nặng nề.
![]() |
Bệnh nhân trẻ nhất nghiện rượu mới chỉ 28 tuổi, tức họ bắt đầu uống từ 17, 18 tuổi và duy trì thường xuyên. Ảnh: Hà Quyên. |
PGS Huy cho biết so với nghiện ma túy, nghiện rượu khá phức tạp. Nếu ma túy đươc xếp vào tệ nạn, việc mua bán bị cấm, rượu bia thường được quảng cáo phổ biến, người nghiện dễ dàng mua loại đồ uống này.
Bên cạnh đó, dư luận không kỳ thị người nghiện rượu. Nghiện rượu không chỉ là yếu tố di truyền mà còn là bắt chước lẫn nhau. Điều đó dẫn tới việc phòng chống nghiện rượu rất khó khăn.
“10% nam thanh niên ở tuổi trưởng thành nghiện rượu. Ở khoa chúng tôi, mỗi ngày cũng có 2-3 ca sảng rượu. Có những thời kỳ bệnh nhân nghiện rượu lên tới 30% so với những bệnh nhân tâm thần khác như trầm cảm, tâm thần phân liệt”, PGS Huy cảnh báo.
Với bệnh nhân cai nghiện rượu, các bác sĩ phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đặc biệt, người nghiện uống lâu ngày khiến các cơ quan tổn thương từ từ và âm thầm suốt nhiều năm. Do đó, tỷ lệ tử vong cao.
“Phòng chống, cai rượu đều rất khó khăn. Đặc biệt là bệnh nhân sảng rượu bởi tổn thương về mặt cơ thể quá trầm trọng, tổn thương về mặt tâm thần nặng nề, nguy cơ tử vong cao nếu không biết chữa trị đúng cách. Ví dụ bệnh nhân viêm phổi không được uống rượu, sẽ xuất hiện hội chứng cai, nhưng họ không vào viện ngay mà 2-3 ngày sau mới vào, lúc đó thường quá muộn, điều trị vất vả, khó khăn và rất tốn kém. Hội chứng cai ma túy nặng nề nhưng ít khi tử vong, còn hội chứng cai ma túy đá tương đối nhẹ nhàng, không chết, thường người nghiện chỉ chết khi bội nhiễm. Còn cai rượu dễ chết, chẳng hạn trong 3 người bị sảng rượu, chỉ một người có thể sống. Hoặc bệnh nhân viêm tụy cấp gặp sảng rượu thì không thể cứu được. Tôi vẫn sợ cai rượu nhất”, PGS Huy cho biết.
Chuyên gia chia sẻ có những bệnh nhân nghiện rượu chỉ còn da bọc xương, không nhớ nổi mình là ai, quê quán ở đâu. Do đó, sau khi điều trị cai rượu, bác sĩ phải điều trị phục hồi trí nhớ cho họ.
![]() |
Trong 3 người bị sảng rượu, chỉ một người có thể sống. Ảnh: Hà Quyên. |
Vì vậy, muốn cai rượu, người nghiện phải nhập viện bởi trong quá trình cai có những tai biến, nguy hiểm sẽ xảy ra, rất dễ tử vong. Thông thường, bệnh nhân nghiện rượu phải nằm viện 3-4 tuần, sau đó mới điều trị củng cố tại nhà. Khi đó, họ được uống thuốc chống tái nghiện rượu.
Theo PGS Huy, đa số người nghiện được cai tiến triển tốt, kể cả xơ gan do rượu, mất trí nhớ đều được phục hồi. Tuy nhiên, phục hồi được bao lâu lại là vấn đề khác, bởi người nghiện dễ dàng quay lại thói quen cũ. Thậm chí, để một người tái nghiện không cần quá 3 ngày, họ chỉ cần tái uống rượu, sang ngày thứ 4, tất cả triệu chứng nghiện rượu sẽ quay lại đầy đủ.
“Tôi từng cai cho một nữ bệnh nhân nghiện rượu ở Cầu Giấy. Người này tái đi tái lại việc nghiện rượu bởi sau khi cai, bà ở một mình, không ai quản nên uống lại. Điều đó cho thấy việc nghiện rượu rất nguy hiểm nhưng người dân còn chủ quan”, PGS Huy lo ngại.