Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cai nghiện thuốc chống nghẹt mũi

Chị Nguyễn Thị P (Q.7, TP HCM) bị nghẹt mũi nhiều năm nay. Nhờ người thân giới thiệu chị tự mua thuốc nhỏ mũi chống nghẹt (thuốc co mạch) về sử dụng.

Thuốc nhỏ vào, chị thấy hết nghẹt ngay Giá thuốc rất rẻ, lại dễ mua.

Chị cứ thế tiếp tục mua về sử dụng hoài, hết chai này đến kia. Đi đâu chị cũng mang theo, ở nhà cũng có, trên ôtô cũng có, trong ngăn kéo bàn làm việc trên cơ quan chị cũng để sẵn vài chai. Ngày nào chị cũng sử dụng, lâu dần rồi quen, lúc trước chị nhỏ ngày hai lần, nay mỗi ngày phải nhỏ 7-8 lần, chị không thể sống thiếu thuốc này được.

Cho đến ngày chị cảm thấy nhức đầu hoa mắt. Đi khám bệnh, bác sĩ phát hiện chị bị cao huyết áp. Bác sĩ tim mạch của chị giới thiệu chị đến gặp chúng tôi để cai thuốc nhỏ mũi cho chị vì đây cũng là nguyên nhân của bệnh cao huyết áp.

Nghẹt mũi triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh

Mũi có chức năng nhận biết mùi, làm ấm, làm ẩm, lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Vì vậy khi nghẹt mũi sẽ làm cho người bệnh rất khó chịu, mất tập trung trong học tập và trong công việc. Vì lúc này bệnh nhân chỉ có một ước muốn duy nhất là hết nghẹt mũi.

Nguyên nhân của nghẹt mũi là do tắc nghẽn trong hai hố mũi do niêm mạc mũi bị phù nề do viêm nhiễm cấp tính, pô líp trong hố mũi, những bất thường cấu trúc như vẹo vách ngăn, hẹp van mũi hoặc phì đại các cuốn mũi do viêm nhiễm mạn tính lâu ngày.

Nho thuoc chong nghet mui anh 1
Ảnh minh hoạ. 

Nghẹt mũi cũng có thể do sự mất cân bằng của hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm trong hố mũi hoặc do mất những thụ thể không khí trong hố mũi do viêm mũi teo hoặc do phẫu thuật làm trống hố mũi quá mức.

Khi nào cần dùng thuốc co mạch

Khi nghẹt mũi, cần xác nguyên nhân của gây nghẹt, từ đó sẽ có cách điều trị phù hợp.

Các bệnh lý thường gặp hàng ngày gây nghẹt mũi được chi làm hai nhóm: nhóm thứ nhất là các bệnh lý cấp tính, tức là các triệu chứng mới xảy ra bao gồm: cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên do siêu vi, viêm mũi xoang cấp tính; nhóm thứ hai là các bệnh lý mạn tính hoặc bất thường cấu trúc như viêm mũi xoang mạn tính, viêm mũi dị ứng, viêm mũi không dị ứng, phì đại cuốn mũi, pô líp mũi.

Thuốc co mạch được dùng trong những trường hợp nghẹt mũi do các bệnh lý cấp tính trong các bệnh lý cảm, viêm đường hô hấp trên do siêu vi, viêm mũi xoang cấp.

Khi sử dụng thuốc co mạch thì không nên sử dụng quá 5 ngày. Nếu sau 5 ngày vẫn còn nghẹt mũi, nên đi khám bác sĩ để có cách điều trị thích hợp. Tuyệt đối không nên tiếp tục sử dụng thuốc co mạch kéo dài.

Tại sao không nên sử dụng thuốc co mạch lâu dài?

Hiện nay đa số các thuốc co mạch trên thị trường đều cùng một cơ chế là kích thích các thụ thể thần kinh trong hố mũi, làm co mạch máu bên dưới niêm mạc mũi, làm se niêm mạc, khô niêm mạc, hố mũi trở nên thông thoáng hơn, do vậy bệnh nhân sẽ hết cảm giác nghẹt.

Tuy nhiên, các thuốc này chỉ nên sử dụng tối đa từ 3 đến 5 ngày để giúp bệnh nhân vượt qua cảm giác nghẹt rất khó chịu trong giai đoạn bệnh cấp tính, đồng thời giúp cho sự dẫn lưu trong hai hố mũi tốt hơn, tránh sự tắc nghẽn niêm dịch, giữ hai hố mũi thông thoáng, ngăn sự phát triển của vi trùng.

Nếu sử dụng thuốc kéo dài, các thụ thể trong hố mũi sẽ báo về hệ thần kinh rằng đã có chất co mạch trong hố mũi, hệ thần kinh sẽ không sản xuất ra chất co mạch nội sinh nữa. Nên khi ngưng thuốc, tình trạng nghẹt mũi sẽ quay trở lại do không có chất co mạch nội sinh, bệnh nhân bắt buộc phải tiếp tục sử dụng thuốc co mạch. Đây gọi là sự lệ thuộc thuốc.

Không chẳng những thế, khi hiện tượng co mạch kéo dài, làm thiếu máu nuôi dưỡng niêm mạc, các tế bào ở niêm mạc sẽ mất đi ít nhiều và bị biến đổi về cấu trúc, do vậy chức năng lọc không khí, làm ẩm không khí của mũi sẽ giảm đi.

Ngoài ra thuốc co mạch còn có thể có các tác dụng phụ thường gặp như nhức đầu, khô niêm mạc mũi, buồn nôn, cảm giác bị bỏng khi xịt thuốc; hoặc hiếm hơn như dị ứng với thuốc, nhịp tim bất thường, tăng nhịp tim.

Khi đã lỡ bị ghiền thuốc co mạch rồi phải làm gì

Khi bị lệ thuộc thuốc co mạch bạn cần đi khám với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để có chiến lược điều trị phù hợp.

Bước đầu khi chưa có thể ngưng thuốc đột ngột bạn có thể giảm số lần sử dụng thuốc bằng cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm.

Bác sĩ sẽ kê toa cho bạn thuốc corticoid xịt mũi, thuốc co mạch đường uống hoặc sử dụng corticoid đường uống ngắn ngày.

Phẫu thuật đốt cuốn mũi dưới hoặc cắt bán phần cuốn mũi dưới sẽ được bác sĩ cân nhắc khi đã điều trị nội khoa tích cực nhưng thất bại.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160321/nho-thuoc-chong-nghet-mui-lien-tuc-phai-cai-nghien/1071316.html

Theo Tuổi Trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm