"Cấm cung” SV để đảm bảo an toàn
Sinh viên ở trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội vẫn “mếu máo” gọi cách ở KTX của trường là “cấm cung” với cách quản lý cực kỳ... ngặt nghèo.
Mặc dù KTX của trường có giá cả rất ưu đãi 120.000đ/tháng, nước dùng miễn phí và được bao cấp 8 ký (kwh) điện. Thế nhưng bù lại, các teen Sinh viên bị giám sát chặt đến mức... không thở nổi.
![]() |
Trường CĐ Du lịch Hà Nội |
“Nội được xuất, ngoại bất nhập
Chủ căn tin trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội kể, quy định “Nội được xuất, ngoại bất nhập” được Ban Quản lý Ký túc xá Cao đẳng Du lịch “ban hành” từ câu chuyện có một sinh viên nữ lỡ “ăn trái cấm”, xảy ra hậu quả làm mẹ trẻ con sớm. Bố mẹ sinh viên đó lên bắt đền Ban Quản lý Ký túc xá, và thế là sau đó quy định “cấm” được áp dụng.
Nhưng ông Nghiêm Mạnh Hùng (Trưởng Ban Quản lý Ký túc xá Cao đẳng Du lịch Hà Nội) cho biết: “Quy định không cho người ngoài vào Ký túc xá có từ năm 1999, chứ vụ việc trên mới có 2,3 năm. Có hai lý do, trước hết: trường nằm trong địa bàn tương đối nhạy cảm, thuộc xã Cổ Nhuế, nhưng mặt đường Hoàng Quốc Việt, giáp ranh phường Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Mai Dịch và Nghĩa Tân. Trước năm 1999, việc ra vào tự do tất cả các ngày trong tuần, vì thế thanh niên địa phương vào Ký túc xá và xảy ra việc trấn lột, gây rối làm mất trật tự... Nhà trường phải liên kết với công an địa phương trấn áp.
Bên cạnh đó, tính chất sinh viên cũng phức tạp, khi trường có tất cả các hệ cao đẳng, trung học, dạy nghề. Ban Quản lý Ký túc xá phải siết chặt an ninh bằng cách đề xuất với nhà trường đưa quy định “Không cho người ngoài vào thăm sinh viên tất cả các ngày trong tuần” vào Nội quy của Ký túc xá, Hiệu trưởng đã phê duyệt”.
Trên thực tế, Ký túc chưa phân khu nam nữ, vẫn dùng chung cầu thang, các sinh viên vẫn có thể “giao lưu” được với nhau vì đâu có bảo vệ đến tận cửa phòng suốt ngày đêm. Nếu vậy, quy định không cho người ngoài vào Ký túc lên thăm được đặt ra chỉ là một biện pháp tình thể?
Nguyễn Hùng (SV khoa Công nghệ thông tin, trường ĐH SPHN) tâm sự: “Nhiều lúc mình có việc rất cần, nhưng cũng không biết làm cách nào để gặp bạn được. Lần trước thì còn được bắc loa gọi, giờ còn không được bắc loa gọi bạn nữa”.
“Cách đây khoảng 1-2 năm khi mà điện thoại chưa phổ biến như bây giờ thì loa gọi sinh viên làm việc hết công suất từ sáng đến tối, nheo nhéo suốt ngày. Muốn bắc loa lên gọi sinh viên trong các phòng này phải đóng khoản phí 1.000đ/lần”, Trần Linh (cựu sinh viên Cao đẳng Du lịch kể). ông Hùng (Trưởng Ban Quản lý Ký túc xá) giải thích: ”Vì chưa có đủ kinh phí để lắp đặt mạng điện thoại lên đến từng phòng cho sinh viên, khi có ai gọi đến sinh viên nghe điện thoại phải đóng khoản phí 1.000đ, chứ không phải là vậy, mà hầu như có mấy sinh viên nộp đâu”.
Chú Bình (cán bộ bảo vệ của Ban quản lý Ký túc xá): “Tuỳ từng trường hợp mới bắc loa, ví dụ người nhà đến thăm. Chứ sinh viên trong Ký túc xá này lắm anh chị em họ, anh chị em ruột, chúng tôi không có thời gian để giải quyết hết. Vả lại có chuyện gì cứ ra căng tin tha hồ mà chuyện trò đến 10h đêm ký túc mới đóng cửa”.
Ông Hùng cho biết: “Sinh viên ở Ký túc xá không có thẻ nội trú để ra vào. Bảo vệ có thể nhận diện được tất cả các sinh viên ở Ký túc, và còn có thể nói được quê quán của sinh viên, nên không một người ngoài nào có thể lọt được vào Ký túc”. Hai chú bảo vệ mà quản lý hàng nghìn con người nhân với số lượt ra ra vào vào trong ngày thì có quá sức?
Theo cách giải thích của một cán bộ Quản lý Ký túc xá thì do hay mất đồ nên không cho người lạ vào ký túc xá. Tuy nhiên, ký túc xá vẫn xảy ra tình trạng mất quần áo như thường. Trong phòng không có chỗ phơi, tất cả quần áo phơi hết ra lan can ở trước cửa phòng. Bên cạnh đó, buổi tối, đèn điện ở cầu thang và hành lang đều bị tắt ngóm. Phòng nào cũng đóng cửa im ỉm chỉ có vài khe sáng lộ ra qua kẻ cửa. Buổi tối Ký túc xá cứ như đêm ở làng. Nên có ai “cầm nhầm” quần áo cũng không thể kiểm soát được.
Xem ti vi cũng phải theo giờ
Tivi đặt ở dưới cửa lên Ký túc là phương tiện duy nhất để nối các sinh viên với “thế giới ngoài kia”. Xem tivi cũng phải theo quy định, có giờ, có giấc cụ thể. 5h, P. H (SV khoa Tài chính - Kế toán Du lịch) xin bác bảo vệ bật ti vi. Bác bảo vệ “quyết”: “Đã đến giờ đâu mà bật, 6h mới là giờ quy định bật ti vi, cán bộ quản lý đang ở đây, tôi bật ti vi khi chưa đến giờ thì bị phạt chết”.
Hoàng Hà (SV khoa Quản trị lữ hành) cho biết: “nếu là anh trai, hoặc bố lên thăm sau khi được xác minh thì phải ghi thời gian thăm và đúng giờ đó phải xuống”. Ông Hùng lại phổ biến: “Bố mẹ, anh chị em ruột để chứng minh thư lại sẽ được lên thăm sinh viên, và có thể ngủ lại qua đêm. Trường hợp bạn bè ở quê lên thăm vẫn có thể ở lại trong ký túc. Bạn bè đang ở tại Hà Nội thì tuyệt đối không được ở lại trong Ký túc qua đêm”.
Quy định chỉ có hiệu lực trong bán kính nửa km
Trường Cao đẳng Du lịch có hai khu Ký túc. Khu A nằm trong khuôn viên trường. Khu B có 10 phòng nằm khuất hẳn trong ngõ gần chợ Bưởi. “Ký túc xá B thì dễ vào hơn, và người nhà, bạn bè có thể vào thăm bình thường” một sinh viên ở Ký túc B chia sẻ.
Vì ở xa khu ký túc xá chính nên giá thuê trọ ở đây chỉ là 80.000đ/tháng, cũng bao cấp nước và 8 kwh điện/tháng. Tuy nhiên Thu Hoa (SV Khoa Tài chính - Kế toán Du lịch) cho biết: “Ở đây để máy vi tính không an toàn, vả lại có máy tính sớm muộn thì cũng hỏng, vì điện yếu, chập chờn. Ấm nước cắm mà còn cháy cơ mà. Nhà vệ sinh thì tối om, vì bóng đèn hỏng mà nói mãi với Ban quản lý chưa sửa cho”.
Ông Nguyễn Bá Hùng (Trưởng Ban Quản lý Ký túc xá) quả quyết: “Để xảy ra tình trạng ấy là cán bộ nhận viên của chúng tôi sai, Ban Quản lý Ký túc sẽ có biện pháp xử lý. Chúng tôi thực hiện rất nghiêm quy định không cho người ngoài vào Ký túc không phân biệt khu A hay khu B”. Ông Hùng nhấn mạnh: “Ban Quản lý Ký túc vẫn giữ nguyên quy định không cho người ngoài vào thăm sinh viên vào tất cả các buổi trong tuần. Cũng có những sinh viên phản ứng lại quy định này. Nhưng phải biết hy sinh cái nhỏ để lấy cái lớn là an toàn của sinh viên”.
Theo Sinh viên Việt Nam