Liên quan vấn đề cấm dạy thêm, học thêm trong trường học đang thu hút sự chú ý của dư luận, cô Thanh, giáo viên tại TP HCM, cho rằng: Đổi mới phải từ gốc rễ, từ chất lượng giáo dục. Hiện nay, kiến thức thầy cô dạy trên lớp khác xa với đề thi đầu cấp, đặc biệt thi đại học. Vì thế, việc học sinh lao vào học thêm để… thi đỗ là đương nhiên, nhất là trong thời buổi trọng bằng cấp như hiện nay.
Học – thi quá chênh lệch
Chia sẻ quan điểm này, độc giả Nhi Nhi cho rằng, “bài toán lớp 8 mình được học thời xưa, bây giờ lớp 5 đã phải học. Nếu không dạy thêm, học sinh chỉ nắm được kiến thức cơ bản”.
“Vấn đề lớn nhất ở đây là chương trình và chính sách của ngành với giáo viên chưa tốt. Ở nhiều nước, học sinh không học thêm vẫn giỏi vì có chương trình giáo dục quá tốt, chỉ học trong chương trình, SGK vẫn giỏi. Chương trình giáo dục ở nước ta thì ngược lại”, bạn đọc tên Trung bình luận.
Cũng theo độc giả này, những người từng thi đại học chắc sẽ biết kiến thức trong SGK chỉ chiếm 2-3 điểm. Nếu không tự tìm hiểu hoặc học thêm, học sinh rất khó đỗ đại học, cao đẳng.
Nhiều thầy cô giáo ở TP HCM cho rằng, cách cấm dạy thêm, học thêm hiệu quả nhất là thay đổi phương pháp dạy, học, thi cử, cũng như cải thiện lương giáo viên. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Cô Hải, giáo viên hơn 30 năm dạy phổ thông ở quận Tân Bình, TP HCM cho biết, một số trường cấp 1, học sinh học bán trú mà giáo viên vẫn tận dụng thời gian dạy thêm là quá đáng. Nhưng, các em cuối cấp hoặc cấp ba cần phải tăng cường bổ sung kiến thức để thi chuyển cấp, việc dạy thêm, học thêm hoàn toàn là nhu cầu tự nhiên. Bởi lẽ, thời gian giảng dạy trên lớp chỉ đủ truyền đạt kiến thức cơ bản, không thể giúp học sinh luyện tập, nâng cao.
Theo cô Thanh, giáo viên dạy Toán THCS ở quận Thủ Đức, TP HCM, cô vẫn cho con đi học thêm nhiều môn vì lực học kém. “Tôi là giáo viên nhưng cũng không thể nắm hết chương trình các môn học của cấp ba. Tôi dạy Toán, con yếu Ngữ văn, tiếng Anh, thì vẫn cần giáo viên phụ đạo, bởi chương trình trên lớp chỉ ở mức cơ bản”, nữ giáo viên nói.
Nữ giáo viên dạy Toán ở quận Thủ Đức chia sẻ về dạy thêm, học thêm |
Cũng theo cô giáo này, học thêm không chỉ là nhu cầu đối với những học sinh có học lực trung bình, yếu mà những học sinh cuối cấp muốn thi vào các trường chuyên, trường “top”, thi đại học đều phải tham gia. Nguyên nhân rất đơn giản: Học – thi bây giờ khác xa nhau.
Học sinh, phụ huynh nói gì?
Theo Diễm Hằng, học sinh trường THCS Trương Công Định TP HCM, học thêm giúp em nắm vững kiến thức và vượt trội so với các bạn, vì trong một tiết 45 phút thầy cô không thể truyền tải hết bài giảng. Nữ sinh cũng cho rằng, nếu không học thêm ở trường, thầy cô có thể sẽ đối xử khác.
Trâm Anh (lớp 9, trường Võ Trường Toản, TP HCM) kể, em học thêm từ năm lớp 4 đến nay. “Những bạn học yếu, kém thì nên đi học thêm” - Trâm Anh nêu quan điểm và nói thêm - nếu không đi học thêm sẽ không có cơ hội tiếp cận những dạng bài tập không có trong chương trình và SGK.
“Tôi nghĩ phải tùy năm học của học sinh. Cấp một mà bắt các cháu học thêm sau cả ngày ở trường thì rất không nên. Nhưng các cháu chuẩn bị thi đại học phải tạo điều kiện cho ôn thi đầy đủ mới tự tin thi cử”, chị Phạm Thu Thúy (phụ huynh ở quận 3, TP HCM) chia sẻ.
Tiếp ý này, ông Cường, bố một học sinh lớp 10 ở quận Thủ Đức, TP HCM, khẳng định, học thêm rất quan trọng trong việc ôn luyện thi đại học. Với đề thi hiện tại, không phải học sinh nào cũng đủ thông minh, kiến thức để làm bài. Học sinh có thể đến các trung tâm bên ngoài, chứ không nhất thiết phải học thầy cô trong trường học.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, học sinh có thể tự học ở nhà hoặc ra trung tâm nếu có nhu cầu học thêm thực sự. Quỳnh Như (trường Phổ thông Năng khiếu TP HCM) cho rằng, bài tập trên trường đã đủ, chỉ cần bổ sung thêm bằng sách nâng cao ở nhà. “Học thêm nhiều khiến người chúng ta phụ thuộc và mất khả năng tự học” – Như nói.