Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cấm sinh viên ngồi trong bóng tối, nơi vắng vẻ

Trong khi ĐH Cửu Long gây xôn xao dư luận vì cấm giảng viên, sinh viên mặc quần jeans thì một số trường khác cũng có quy định lạ.

Quan hệ trong sáng, không ngồi trong bóng tối, dưới gốc cây

Không chỉ có đại học Cửu Long đưa ra quy định về cấm giảng viên, sinh viên đi dép lê, mặc quần jeans nhiều trường khác cũng đưa ra quy định này nhằm tạo môi trường văn hóa, lịch sự; phong cách ứng xử chuẩn mực trong giảng đường.

Vì sao cấm sinh viên mặc quần jeans?

Sáng 6/10, ghi nhận tại ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long), hơn 80% sinh viên của trường vẫn mặc quần jeans đến giảng đường.

 

Quy chế văn hóa của đại học Y Hà Nội ngoài quy định về trang phục còn nêu quy định cụ thể về ứng xử, giao tiếp của giảng viên và sinh viên.

Quy định nêu rõ: CBVC, người học phải có thái độ lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng lẫn nhau; không xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể người khác.

Quy chế cũng yêu cầu, quan hệ nam nữ phải trong sáng, phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; không ngồi trong các khu vực bóng tối, vắng vẻ hoặc có những hành vi không lành mạnh trong khuôn viên trường.

Ảnh minh họa.

Đối với trang phục của giảng viên và sinh viên yêu cầu mặc áo sơ mi, quần âu và bỏ áo vào quần hoặc trang phục gọn gàng, lịch sự, kín đáo; đi giầy hoặc dép có quai hậu. Lễ phục trong các buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài, được quy định như sau: nam: bộ complê, áo sơ mi, cravat; nữ: áo dài truyền thống (hoặc comple nữ).

Cấm dép lê, quần jeans

Ngày 25/3/2014, ĐH Sư phạm Hà Nội 2 ban hành Quy định trang phục đối với người học ở trường, quy chế yêu cầu khi đến trường, thư viện phải đeo thẻ, mặc trang phục tự chọn đảm bảo: lịch sự, trang nhã, gọn gàng, kín đáo phù hợp với văn hóa truyền thống của người Việt Nam; đi giày hoặc dép có quai hậu; đầu tóc phải gọn gàng, không được nhuộm tóc lòe loẹt… Nếu mặc áo phông phải có cổ áo, tay áo lịch sự.

Danh mục trang phục bị cấm cũng được nêu rõ gồm: quần lửng, quần soóc, quần áo ở nhà, quần áo không lịch sự, gây phản cảm, dép không có quai hậu.

Tương tự, ĐH Giao thông vận tải ngày 17/3/2014 ra quy định về trang phục, đồng phục và lễ phục tốt nghiệp, trong đó nêu rõ nguyên tắc chung là “lịch sự, trang nhã, kín đáo, nghiêm túc, phù hợp với lứa tuổi và môi trường giáo dục. Nghiêm cấm mặc trang phục gây phản cảm (hở hang, in hình ảnh, khẩu hiệu không phù hợp môi trường học đường).

Mới đây, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Cao Đạt, Trường ĐH Cửu Long, ký ngày 4/10/2014 về thực hiện văn hóa công sở và trang phục đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên.

Có 8 danh mục bị cấm cụ gồm: Hút thuốc lá trong nhà trường; sử dụng đồ uống có cồn tại công sở (trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ, tết, tiếp khách ngoại giao…).

Quảng cáo thương mại; truy cập website nội dung không lành mạnh; thờ cúng trong phòng làm việc và hoạt động mê tín dị đoan tại đơn vị.

Tổ chức đun nấu, ăn uống, tiếp khách gây mất trật tự trong giờ làm việc ở công sở... Đáng chú ý, trong quy định còn cấm giảng viên, sinh viên ăn mặc các trang phục hở hang, không lịch sự trong trường; mặc quần jeans, áp thun, mang dép lê.

Không mặc váy xẻ cao, trang phục mỏng

Ngày 6/8/2014, ĐH Mỏ - Địa chất cũng ra quy định về Văn hóa học đường. Trong đó, trang phục khi đến trường: sinh viên phải đeo đúng thẻ của mình đã được Nhà trường cấp; mặc trang phục gọn gàng, lịch sự, kín đáo (mặc áo sơ mi, nếu trang phục là áo phông phải có cổ áo, tay áo lịch sự; mặc quần dài; đi giầy hoặc dép có quai hậu; sinh viên nữ không mặc váy quá ngắn, váy xẻ cao hoặc quá mỏng; khuyến khích sinh viên mặc áo có logo quảng bá hình ảnh của Nhà trường)

Sinh viên vi phạm quy định về trang phục lần 1 bị nhắc nhở, lần 2 khiển trách, hạ 01 mức kết quả rèn luyện thực tế, lần 3 bị cảnh cáo hạ 2 mức kết quả rèn luyện thực tế.

ĐH Phú Yên trong Quy định Văn hóa học đường, về thường phục trường này nêu rõ: Đối với nam: Mặc quần âu có đeo thắt lưng, các loại áo có cổ và tay; đi giày hoặc dép có quai hậu; áo bỏ trong quần. Đối với nữ: Mặc quần âu hoặc váy (chiều dài váy phải trùm quá đầu gối), các loại áo có cổ và tay; đi giày hoặc dép có quai hậu. Về lễ phục: không được mặc quần bò (quần jean).

Những trang phục bị cấm mặc trong trường gồm: quần lửng, quần soóc. Các loại áo (trừ các loại áo len, áo khoác) không có cổ, không có tay áo. Các loại quần áo không lịch sự, gây phản cảm. Các loại dép không có quai hậu.

Đầu tóc phải gọn gàng, không được nhuộm tóc lòe loẹt

ĐH Tiền Giang cũng đã có văn bản nhắc nhở học viên thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà trường về trang phục, ăn mặc yêu cầu gọn gàng, lịch sự, kín đáo (áo sơ mi, quần dài theo kiểu âu phục; nữ sinh viên có thể mặc áo dài truyền thống, mặc váy (không ngắn quá đầu gối)…

Lại cấm giảng viên mặc quần jeans, đi dép lê

Trước đó, đầu năm học 2013 - 2014, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Việt Trung, Quảng Bình cũng ra một văn bản cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp.

Hiệu trưởng Lê Văn Hà cho rằng, quy định này là một trong nhiều quy định về tác phong của giáo viên và học sinh, giúp học sinh tập trung trong học tập.

Tuy nhiên, quy định đã không nhận được sự đồng tình của thầy cô giáo trong trường, do đó, Hà phải lên tiếng đình chính đó chỉ là quy định tạm thời, mang tính tham khảo, nếu thiếu, chưa chặt chẽ sẽ bổ sung thêm, nếu sai thì hủy.

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/cam-sinh-vien-ngoi-trong-bong-toi-noi-vang-ve-3104310/

Theo Thái An/Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm