Trong khi nhiều người đồng tình với quy định cấm trẻ em vào đám cưới, một số lại đặt câu hỏi: “Liệu người lớn có đang quá khắt khe?”.
Trước lễ cưới của mình một năm về trước, Phùng Lan Anh (25 tuổi, nhân viên kinh doanh của một công ty lớn tại TP.HCM) và chồng hợp nhau về mọi thứ - từ “dress code” cho bữa tiệc, danh sách khách mời, đến menu các món ăn đãi khách.
Chỉ trừ một chuyện, và bất đồng đó khiến cặp vợ chồng cãi nhau gần 5 tiếng đồng hồ: Chồng Lan Anh đề nghị khách mời không đưa theo trẻ nhỏ dưới 4 tuổi.
Lan Anh không đồng tình với đề nghị này vì với cô, trẻ nhỏ mang lại niềm vui kiểu nhỏ, người lớn mang lại niềm vui kiểu lớn. Hơn thế, em nhỏ nào cũng đi kèm với cha mẹ nên không quá lo tới việc chúng sẽ chạy linh tinh hay phá phách.
Với cô, con nít vốn không hề có tội, nếu có gây hậu quả gì cũng chỉ vì chúng còn bé và do bố mẹ bất cẩn.
“Con nít rất dễ thương, sau này em với anh cũng sẽ có con. Tại sao lại nghĩ ra việc không đưa con nít đi cùng vô lý như vậy?”, Lan Anh hậm hực.
Chồng cô cũng không nhường nhịn: “Không phải phụ huynh nào cũng có thể trông con được 24/24. Nếu sơ sẩy, chúng làm đổ vỡ hết đồ decor thì ai chịu trách nhiệm?”.
Nhiều người không muốn có sự xuất hiện của trẻ em tại lễ cưới của mình. Ảnh: The Knot. |
Sau một hồi tranh cãi, Lan Anh buộc phải nghe theo lời chồng bởi anh chủ trì bữa tiệc và 70% số khách mời cũng là của anh. Là giám đốc công ty tư nhân, chồng Lan Anh có nhiều mối quan hệ “quý” nên ngày cưới cũng là dịp tốt để kết giao, mở rộng mối quan hệ.
Tuy vậy, cho đến giờ, Lan Anh vẫn cảm thấy không thoải mái mỗi khi nhắc lại điều này.
Cô bị Linh, người bạn thân nhất, trách: “Cứ làm như người nổi tiếng cưới nhau hay sao mà bày đặt không đưa theo trẻ nhỏ. Tao thấy vợ chồng mày làm quá vấn đề rồi đó”.
Người dì ruột của Lan Anh cũng tỏ ra cực kỳ khó chịu vì có 2 con nhỏ.
“Họ hàng ruột thịt mà không được ăn cỗ của nhau thì còn ý nghĩa gì. Nhưng là quy định thì buộc phải nghe theo. Cũng vì điều này mà dì không ưa chồng mình kể từ ngày đó”, Lan Anh kể lại với Zing.vn với thái độ bực bội như chuyện mới xảy ra.
Người lớn đang quá khắt khe?
Người đồng tình, kẻ phản đối cũng là phản ứng trái chiều của dư luận khi nói về quy định “không tiếp trẻ em dưới 5 tuổi” trong lễ cưới của cặp vợ chồng nổi tiếng Cường Đô La - Đàm Thu Trang.
Nhiều ý kiến cho rằng việc không dẫn trẻ nhỏ đến những sự kiện mang tính long trọng là cần thiết. Ngày nay, xã hội hiện đại nên mọi người cũng cần có cái nhìn văn minh về vấn đề này.
Lã Thị Minh Hà lấy ví dụ tiệc cưới mời một bàn 10 người, khách dẫn con trẻ đi không chỉ chiếm chỗ người khác hay “nói trắng ra là ăn chùa, lỗ cho chủ nhà”, mà còn gây ồn ào, quậy phá.
“Đám cưới của Cường Đô La chắc chắn người ta mời cả các đối tác quan trọng, không phải cái chợ để ai cũng có thể dắt díu con trẻ vào làm ồn ào, ảnh hưởng người khác. Nếu có tự trọng, muốn dẫn con đi thì bỏ thêm tiền vào phong bì cho người ta, không thì thôi đi”, tài khoản này viết.
Abc kể trong đám cưới anh trai mình, gần 20 khách phải chịu cảnh ngồi chật hẹp và thiếu đồ ăn do quá nhiều người dắt trẻ em theo.
“Lúc làm lễ chúng chạy nhảy lăng xăng cả lên nhìn ngán ngẩm không chịu nổi. Nên việc yêu cầu không dắt theo trẻ em là điều hợp lý”, người này nói.
Theo Phạm Vũ Hoàng, sự ồn ào của trẻ nhỏ có thể “phá vỡ không gian sang trọng” và chưa kể, vấn đề ăn uống có thể không hợp trẻ em.
“Tụi nhỏ gây chuyện rồi cha mẹ chúng lại kêu ‘mấy đứa còn nhỏ không biết gì’”, Toan Pham ngán ngẩm.
Cường Đô La và Đàm Thu Trang đề nghị khách mời không đưa theo trẻ em dưới 5 tuổi. Ảnh: FB. |
Nằm trong số ít tài khoản phản đối “lệnh cấm" này, Hòa Trung viết: “Chẳng khách mời nào vui nổi khi nhận tấm thiệp mừng này. Nếu tình cảm thân thiết, việc dẫn trẻ dưới 5 tuổi tham dự là bình thường và càng vui chứ sao”, người này nói.
Theo Anh Vẫn Là Anh, đám cưới “chứ đâu phải vô chùa tụng kinh” mà không cho mang theo trẻ nhỏ.
“Tào lao! Mời khách thì tôi dẫn con tôi tới dự không được à? Lần đầu tiên tôi nghe thiệp mời đề nghị không dẫn trẻ dưới 5 tuổi. Nghĩ mình như thế nào mà làm như vậy”, Shoptvt bình luận.
Người phản đối quy định cấm trẻ em tại những sự kiện, không gian sang trọng đưa ra một số quan điểm để bảo vệ ý kiến của mình như “trẻ con mà, có biết gì đâu”, “người lớn mà đi chấp nhặt với đứa con nít”.
Cuộc tranh luận không hồi kết
Chia sẻ “vấn đề nan giải” trên Mumsnet - diễn đàn có tiếng dành cho các ông bố, bà mẹ bỉm sữa - thành viên Wandering Not Lost hỏi liệu việc mình không đón tiếp trẻ em tại lễ cưới sắp diễn ra tại thành phố phía đông London (Anh) có phải đề nghị quá vô lý.
Một cuộc tranh cãi nảy lửa nhanh chóng nổ ra xung quanh chủ đề này. Ngay cả cô dâu, chú rể cũng bất đồng quan điểm.
Người đăng bài, là cô dâu, nói: “Để tiết kiệm chi phí ở khoản đồ ăn, thức uống, tôi muốn lễ cưới không có sự xuất hiện của trẻ em. Hơn nữa, đám trẻ tầm 7 tuổi có đủ trò quậy phá. Nghĩ thôi đã thấy chán khi chưa kịp ‘quẩy’ hết đêm thì tiệc đã tàn lúc 21h vì bạn bè phải bế con về nhà ngủ”.
Trong khi đó, chú rể cho rằng thật khiếm nhã khi đề nghị khách mời “'đừng đem con cái đến đám cưới của chúng tôi”. Thậm chí, họ sẽ không tới nữa vì phật ý hoặc không thu xếp được người trông con giúp.
Dân mạng luôn tranh cãi quanh vấn đề có nên cho trẻ em vào đám cưới hay không. Ảnh: Marthastewartweddings. |
Dưới bài đăng này, một số ý kiến cũng cho rằng cô dâu không nên đổ thừa cho những đứa trẻ rằng vì chúng buồn ngủ mà tiệc phải kết thúc sớm.
Tendon Queen nói mình không phải người Ireland nhưng từng dự nhiều đám cưới lớn ở nước này.
“Họ luôn có những bữa tiệc linh đình, vui vẻ khi cả trẻ em cũng góp mặt. Việc cấm trẻ em tham dự để bớt chi phí không phải khoản tiết kiệm chính đáng”, người này nói.
Đứng về “phe” không hoan nghênh trẻ em, Apple Magic viết: “Tôi không nghĩ đó là ý tưởng tồi. Bạn muốn trẻ em được vào đám cưới mình hay không là lựa chọn cá nhân. Nếu chỉ vì vài đứa trẻ có thể sẽ tới, tại sao chú rể không hỏi bạn bè để biết rằng tìm người trông trẻ chẳng có gì khó khăn cả”.
Tại châu Á, Hàn Quốc là nước quyết liệt nhất trong việc quy định rõ khu vực hạn chế trẻ em (no kids zone).
Ngày càng nhiều nhà hàng, quán cà phê ở xứ sở kim chi - đặc biệt tại các khu phố thời thượng của thủ đô Seoul hay địa điểm du lịch nổi tiếng như Jeju, Gyeongju và Busan - cấm trẻ em để “giữ không gian yên tĩnh, sang trọng” và tránh sự phàn nàn của khách hàng.
Đây là vấn đề không mới, nhưng vẫn gây nên cuộc tranh luận không hồi kết trong dư luận. Nhiều bậc phụ huynh Hàn Quốc cảm thấy phẫn nộ trước sự xuất hiện ngày càng dày đặc của những tấm biển có nội dung theo họ là “hắt hủi trẻ em”.
Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu online Embrain, hơn 60% trong số 1.000 người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19-59 từng ít nhất một lần thấy không thoải mái vì hành vi của trẻ em nơi "công cộng".
“Trẻ con bớt xuất hiện vẫn hơn"
Anh Nguyễn Thanh Nam (26 tuổi, Bạc Liêu) và chị Trần Thị Mỹ Xuyên (24 tuổi, Bạc Liêu) kết hôn vào ngày 27/6 vừa qua. Trước khi bữa tiệc bắt đầu, Thanh Nam và vợ lên sân khấu để ra mắt quan khách. Nghi lễ khui sâm panh cũng được diễn ra ngay sau đó.
“Trong lúc tôi và vợ đang rót rượu thì nghe dưới sân khấu có tiếng ‘Đứng lại’. Nhìn xuống dưới, tôi thấy hai cháu bé đang chạy tán loạn đến khu vực sân khấu. Phía sau là một người phụ nữ tay phải xách túi, tay trái cầm váy đang tiến lại gần”, anh Nam nói.
Theo anh Nam, khi hai em nhỏ định vượt lên sân khấu, nhân viên nhà hàng đã nhanh tay chặn lại. Người phụ nữ váy trắng tóm được con mình, nói: “Lần sau ở nhà nhé!”. Sau đó, người này cười gượng với mọi người và dẫn con về lại chỗ ngồi.
“Lúc đấy, mọi người như quên mất sự hiện diện của vợ chồng tôi. Họ dồn sự chú ý về phía ba mẹ con chị Thanh, to nhỏ gì đấy mà tôi không nghe được. Vợ chồng tôi cũng chỉ biết nhìn nhau, sau đó nhanh chóng tiếp tục các nghi lễ”, anh Nam kể.
Thanh Nam nói vợ chồng anh “tụt mood” khi bị gián đoạn tại giây phút lãng mạn.
“Cũng may có người cản lại kịp thời nên sân khấu không bị náo loạn. Dù sao thì mọi chuyện đã qua, tuy hơi bực nhưng buổi tiệc sau đó diễn ra khá suôn sẻ”, chàng trai 26 tuổi nói.
Dù vậy, anh Nam khẳng định: “Trẻ con nên bớt xuất hiện ở nơi long trọng vẫn hơn”.