'Camera cận cảnh' hấp dẫn từ những vấn đề khô khan
Sau hai tháng lên sóng, "Camera cận cảnh' đang tạo nên một luồng gió mới trong chuỗi các chương trình bàn về vấn đề xã hội của Đài truyền hình TP.HCM.
Để làm nên điều đó, những người làm chương trình đã tiếp cận nhân vật chính của câu chuyện gồm cả người làm đúng và người sai ở khoảng cách gần nhất, để thu lại được những câu trả lời và phản ứng thật nhất.
Cận cảnh vào vi phạm giao thông
Câu chuyện biết rồi - nói mãi, sai rồi - nhưng mãi không sửa của giao thông Việt Nam vốn cũng là bức xúc của nhiều người. Nhưng điều hấp dẫn của Camera cận cảnh là zoom ống kính vào từng đối tượng, đúng hay chưa đúng. Vấn đề không phải là để khán giả ngồi ở vị thế phán xét đúng sai, mà là để thắng thắn và khách quan "nhắc" khán giả: quý vị có thể không đồng tình với những người đang vi phạm. Nhưng chính khán giả cũng chợt giật mình, đôi khi, lúc nào đó, cũng vì lý do giống như họ mà chính mình cũng đã vi phạm giao thông.
Có nhiều việc vi phạm mà mỗi ngày chứng kiến lặp đi lặp lại, ở quá nhiều nơi, khiến chính chúng ta mặc nhiên chấp nhận nó là "một phần của cuộc sống". Nhưng với Camera cận cảnh, chính khán giả sẽ bật thốt lên rằng: hình như điều đó chưa đúng và cần thay đổi. Và khán giả sẽ bắt đầu từ việc thay đổi dần thói quen tham gia giao thông chưa đúng của chính mình.
Cái tình và cái lý, vốn dĩ cuộc sống phong phú và đa dạng, đúng và sai cũng khó có thể phân chia rạch ròi. Tuy nhiên, điều gì tốt cho xã hội, việc gì là vì lợi ích của cả cộng đồng thì dù muốn dù không các cá nhân cũng cần tôn trọng. Có lẽ chính bởi cách nói "có trước có sau" ấy mà Camera cận cảnh ngày càng nhận được nhiều thiện cảm của khán giả.
Trong tuần tới, với câu chuyện Chiếc xe máy siêu thồ, chương trình tạo ra một hướng tiếp cận mới xung quanh vấn đề chở hàng cồng kềnh đã quá quen thuộc. Những kiện hàng cồng kềnh được cột buộc theo nhiều phong cách khác nhau trên những chiếc xe máy cũ kỹ cũng đã ít nhiều gây bức xúc và lo lắng cho nhiều người. Và bản thân chủ nhân của những chiếc xe đó dường như cũng đang "phớt lờ" bởi lý luận: "canh mà chạy". Họ cũng tin rằng dù xe rất cũ kỹ nhưng, "an toàn vì nút đề, thắng, xi-nhan đều có". Họ dường như quên mất rằng việc có và việc chúng có đủ an toàn khi tham gia giao thông hoặc chở một số lượng hàng cồng kềnh như vậy mới là điều quan trọng.
Tuy nhiên, khi theo dõi đoạn clip về những chiếc xe máy siêu thồ này, khán giả sẽ khoan nghĩ đến sự bức xúc của mình. Những câu chuyện mà chương trình gửi đến khiến khán giả bất chợt lo trước và nhiều hơn là cho sự an toàn của chính những người lái xe ấy, vì vốn dĩ kiếm sống chẳng dễ.
Và rồi khán giả có thể sẽ gật gù với ý kiến của "Mr Hoàn toàn sai" - Khương Ngọc - trong vai trò MC: Trong xã hội cũng có rất nhiều người đang kiếm sống chứ không chỉ riêng họ, nên lẽ nào, vì tiện và lợi cho mình mà làm ảnh hưởng đến an toàn của người khác. Sẽ ổn hơn nếu họ điều chỉnh lại kích thước hàng hóa vận chuyển?
Sau lễ dĩ nhiên rác phải nhiều?
Câu chuyện rác, nhất là rác sau những ngày lễ, chẳng phải là một đề tài mới. Và nếu nói cực đoan rằng: tuyệt đối không được phép xả rác bừa bãi khi tham gia các lễ hội là một điều có lẽ khó thực hiện. Dù vậy, hãy thử đặt hai thứ lên bàn cân: niềm vui của số đông người và nỗi cực nhọc của một bộ phận người khác. Nếu như những người hưởng thụ niềm vui dành bớt một vài phút để bỏ rác đúng nơi đúng chỗ thì sẽ có khoảng gần 100 người sẽ được về nhà cùng người thân sớm hơn vài chục phút. Đó là phép so sánh nhỏ mà Camera cận cảnh tuần này đưa ra.
Đồng tình rằng việc đi chơi ngày lễ là một nhu cầu tất yếu và thực tế thì các sinh hoạt văn hóa ấy cũng góp phần tạo ra những màu sắc riêng của thành phố. Nhưng màu sắc đẹp đẽ ấy không đáng bị xấu đi vì hành động vô ý của một số người khi bỏ lại bừa bãi trên đường phố một lượng rác quá lớn.
Qua một chuỗi các chương trình phát sóng, Camera cận cảnh đã tạo ra một luồng gió mới cho những vấn đề đã cũ và khô khan của cuộc sống. Sự hấp dẫn của chương trình là bởi dù đang đề cập đến những vấn đề chưa đúng của xã hội nhưng lại thông qua những góc nhìn tích cực và không giáo điều. Việc tiếp cận các nhân vật một cách gần gũi đã mang đến cho chương trình một không gian với sự chân thật của hơi thở cuộc sống. Và đây chính là điểm nhấn tạo nên nét mới mẻ, đầy sức bật cho một chương trình chính luận như Camera cận cảnh.
Tư liệu: MVC
Theo Infonet