Năm 2023, để được xem là giàu có ở Mỹ, một người cần ít nhất 2,2 triệu USD. Ảnh minh họa: @parishilton. |
Biết được vị trí của mình trong thang đo giàu có thể gây tò mò trong một xã hội vốn hạn chế bàn luận về chuyện tiền bạc. Dù nhiều người né tránh nói về vấn đề này, thấu hiểu giá trị tài sản ròng của mình có thể giúp họ đánh giá tình trạng kinh tế cũng như lập kế hoạch tài chính tương lai phù hợp.
Theo Kiplinger, nhà xuất bản dự báo kinh doanh và tư vấn tài chính cá nhân của Mỹ, đến năm 2025, để lọt vào top 2% giàu nhất nước Mỹ, một người sẽ cần có khối tài sản ròng trị giá khoảng 2,7 triệu USD.
Năm ngoái, khảo sát về sự giàu có hiện đại của Charles Schwab, công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ, tiết lộ người Mỹ tin rằng phải sở hữu tối thiểu 2,2 triệu USD mới đạt ngưỡng giàu có, theo Yahoo Finannce.
Phân cấp rõ ràng
Giá trị tài sản ròng là thước đo toàn diện về tình trạng tài chính của một người. Giá trị này được tính bằng cách cộng tổng giá trị tất cả tài sản và trừ đi mọi khoản nợ chưa được thanh toán.
Tài sản ở đây có thể bao gồm tiền mặt, tài khoản tiết kiệm, tài khoản hưu trí, khoản đầu tư, bất động sản và động sản. Trong khi đó, khoản nợ có thể bao gồm thế chấp, vay mua ô tô, vay sinh viên và nợ thẻ tín dụng.
Phân cấp tài sản ở Mỹ khác biệt rất rõ ràng. Nhóm 1% giàu nhất có khối tài sản ròng là 11,6 triệu USD. Đối với top 5%, họ sở hữu khối tài sản ròng trị giá 1,17 triệu USD. Trong khi đó, nhóm 10% là 970.900 USD.
Người giàu thường đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình để phát triển tài chính. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels. |
Đối với phần lớn, giá trị tài sản ròng trung bình của tất cả hộ gia đình thấp hơn đáng kể ở mức 192.900 USD. Tổng giá trị tài sản ròng trung bình của họ là 1.063.700 USD. Điều này cho thấy tài sản tập trung chủ yếu nằm trong tay giới giàu có.
Những người giàu thường phân tán đầu tư để duy trì và phát triển tài sản của mình. Theo dữ liệu gần đây, giới siêu giàu đầu tư đáng kể vào nhà ở chính và phụ, chiếm khoảng 32% tổng tài sản của họ. Họ cũng đầu tư khoảng 18% vào cổ phiếu, 14% vào bất động sản thương mại, và 12% vào trái phiếu.
Khoảng 6% đổ vào vốn riêng và vốn rủi ro, thể hiện sự quan tâm của họ đến các cơ hội tăng trưởng cao. Các khoản đầu tư xa xỉ, chẳng hạn tác phẩm nghệ thuật, xe hơi cổ điển và đồng hồ cũng được ưa chuộng và sinh lời. Riêng tiền dành cho các tác phẩm nghệ thuật cũng đã tăng 29% vào năm ngoái.
Thay đổi tài chính ở người trẻ
Thêm vào đó, giới trẻ Mỹ cũng đang thay đổi cách họ đầu tư. Thay vì tập trung chủ yếu vào các loại tài sản truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu, họ dần chuyển sang các khoản đầu tư thay thế.
Sự thay đổi bắt nguồn từ mong muốn đạt được lợi nhuận cao hơn và chiến lược đa dạng hóa tài chính để thích ứng với bối cảnh kinh tế đang phát triển. Khoảng 72% người giàu trẻ tuổi chấp nhận các khoản đầu tư thay thế, so với chỉ 28% những người trưởng thành gắn bó với tài sản truyền thống.
Các khoản đầu tư thay thế có thể bao gồm vốn quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu cơ, quỹ tương lai, các tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, hàng hóa và các hợp đồng phái sinh. Ảnh minh họa: Gallerease. |
Ngoài ra, sự thay đổi tài chính ở các thế hệ cũng thể hiện ở khía cạnh từ thiện, đặc biệt ở nhóm người trẻ giàu có. Họ ưu tiên mạnh mẽ với các mục tiêu thiện nguyện như đảm bảo môi trường bền vững hay công bằng xã hội. Điều này phản ánh những giá trị rộng lớn hơn mà họ hướng đến trong chiến lược tài chính của mình.
Khoảng 91% những người trẻ giàu có tích cực tham gia hoạt động từ thiện, tập trung nỗ lực nhiều hơn vào các tác động trực tiếp thay vì các con đường thiện nguyện truyền thống. Cách tiếp cận năng động này nêu bật cam kết của họ trong việc tạo ra các thay đổi xã hội có ý nghĩa thông qua sự giàu có của họ.
Cuối cùng, thấu hiểu giá trị tài sản ròng và cách so sánh chúng với các tiêu chuẩn trên có thể giúp chúng ta đặt ra các mục tiêu tài chính thực tế và đưa ra các quyết định chiến lược để cải thiện vị thế kinh tế của mình. Mọi người có thể cân nhắc sử dụng các công cụ quản lý tiền bạc hoặc tìm cố vấn tài chính để đảm bảo và phát triển tài sản của mình.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.