Lạc đà một bướu được cho là vật chủ của virus corona gây Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS). Ảnh: AFP. |
Khi 1,2 triệu người đam mê bóng đá đổ về Qatar để xem World Cup 2022, WHO đã cảnh báo về khả năng bùng phát dịch MERS - Hội chứng Hô hấp Trung Đông. Nó được xem là anh em họ với Covid-19 và thậm chí còn nguy hiểm hơn căn bệnh này. Hơn 1/3 người mắc bệnh đã tử vong vì MERS.
Một trong 8 nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn ở World Cup
Theo First Post, một tuần sau trận mở màn World Cup 2022, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về sự lây lan của Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS). Với gần 1,2 triệu người đam mê bóng đá sẽ đến Qatar, họ hoàn toàn có lý do để lo lắng.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí New Microbes and New Infections cho biết MERS là một trong 8 “nguy cơ lây nhiễm” tiềm ẩn tại World Cup 2022, trong số đó còn có Covid-19, đậu mùa khỉ.
"Giải Vô địch Bóng đá Thế giới 2022 sẽ được tổ chức vào thời điểm xảy ra đồng thời 2 tình trạng sức khỏe khẩn cấp toàn cầu (PHEIC). Đó là đại dịch Covid-19 và đợt bùng phát đậu mùa khỉ. Với Covid-19, số lượng ca mắc ở Qatar tiếp tục được báo cáo, mức trung bình trong tháng 11 là 321 trường hợp" bài báo viết. Các tác giả cũng dẫn ví dụ về Thế vận hội mùa đông Pyeong Ghang ở Hàn Quốc, nơi các bệnh về đường hô hấp là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất.
MERS lần đầu được xác định ở Saudi Arabia vào năm 2012, do virus corona gây ra. Đây là loại virus lây truyền từ động vật sang người, có mối liên hệ với lạc đà một bướu ở một số quốc gia Trung Đông, châu Phi và Nam Á.
MERS được xem là anh em họ của Covid-19 nhưng nguy hiểm hơn. Căn bệnh này đã cướp đi mạng sống của 35% người mắc, theo báo cáo của WHO. Tổ chức Y tế Thế giới cũng xếp MERS vào nhóm những virus có khả năng gây ra đại dịch.
Triệu chứng
Các triệu chứng điển hình của người bị MERS gồm sốt, ho, khó thở. Viêm phổi cũng là tình trạng phổ biến nhưng không phải bệnh nhân nào cũng gặp tình trạng này. Theo WHO, các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, cũng đã được báo cáo.
Người mắc bệnh nặng có thể bị suy hô hấp cần thở máy hoặc nằm khoa hồi sức cấp cứu. Theo WHO, những người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch kém hoặc nhóm mắc bệnh mạn tính như thận, ung thư, phổi mạn tính, tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn.
Virus gây MERS lây lan giữa người với người qua tiếp xúc trực tiếp, gần gũi. Nó vốn được truyền giữa động vật và con người. Các nghiên cứu đã chỉ ra con người bị nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với lạc đà một bướu mắc bệnh, song, con đường lây truyền chính xác vẫn chưa rõ ràng.
Vaccine và cách phòng ngừa
Cũng như Covid-19, thế giới hiện không có vaccine hoặc phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh MERS. Song, một số cách chữa trị đang được phát triển đến giai đoạn lâm sàng. Việc điều trị sau đó dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân.
WHO khuyến cáo những người đến thăm trang trại, chợ hoặc những nơi có thể tiếp xúc lạc đà nên rửa tay kỹ trước và sau khi chạm vào động vật, tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh.
Bên cạnh đó, ăn thịt chưa được nấu chín, uống sữa chưa tiệt trùng rất nguy hiểm vì làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus. WHO khuyến cáo thịt lạc đà và sữa lạc đà được phép tiêu thụ nhưng phải sau khi thanh trùng, nấu chín hoặc xử lý nhiệt khác.
Du khách đến Qatar nên cảnh giác điều gì?
Lạc đà là loài vật quen thuộc với du lịch Qatar. Tuy nhiên, khách du lịch đến đây nên tránh chạm vào lạc đà một bướu. Các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên uống sữa hoặc tránh chạm vào nước tiểu lạc đà sống, không ăn thịt chưa được nấu chín. CĐV cũng nên tiêm phòng định kỳ và tuân thủ các quy tắc về tiêu thụ thực phẩm và đồ uống an toàn.
Qatar tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự xuất hiện của MERS nhưng vẫn cần sự giám sát để ngăn chặn căn bệnh này lây truyền. WHO hiện không có bất kỳ khuyến cáo hạn chế thương mại nào.
Từ năm 2012, 2.600 trường hợp mắc MERS, với 935 ca tử vong đã được báo cáo ở 27 quốc gia khác nhau. Dữ liệu từ Qatar cho thấy 28 trường hợp mắc MERS (tỷ lệ mắc bệnh là 1,7/1.000.000 dân) và hầu hết trường hợp đều có tiền sử tiếp xúc với lạc đà.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng vướng World Cup? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).