Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Căn bệnh đe dọa người dân TP HCM khi môi trường ô nhiễm

Trong ngày hen toàn cầu (11/5) các chuyên gia y tế cho biết, TP HCM có 29,1% trẻ em mắc bệnh. Nguyên nhân là ô nhiễm khói bụi từ 6,5 triệu xe gắn máy và tốc độ xây dựng dày đặc.

Bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP HCM cho biết, bệnh hen là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của toàn cầu. Vì mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh.

Bác sĩ Lan dẫn chứng, bệnh nhân có thể là những em bé 1-2 tuổi đến những cụ già 80-90 tuổi. Nguyên nhân khiến người mắc bệnh ngày càng gia tăng là do biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, cùng với ô nhiễm gia tăng nhất là ở các nước đang phát triển.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tỷ lệ người mắc bệnh hen ngày càng gia tăng và có thể vượt lên đến 400 triệu người vào năm 2025.

o nhiem khoi bui gay hen suyen anh 1
Bác sĩ Tuyết Lan chia sẻ thông tin trong ngày hen toàn cầu tại TP HCM. Ảnh: Khánh Trung.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế thống kê, người lớn mắc bệnh hen chiếm khoảng 5% và trẻ em là 10% dân số (trên tổng số 90 triệu người). Hiện nay mức kiểm soát hen ở nước ta đạt khoảng 40%.

Bác sĩ Lan thông tin, trong nghiên cứu của một tổ chức y tế thế giới đã mệnh danh TP HCM là thủ đô của bệnh hen suyễn toàn châu Á.

Lý giải về con số 29,1% trẻ em ở TP HCM mắc hen phế quản cao nhất châu Á, bác sĩ Lan cho rằng nguyên nhân chính là do ô nhiễm khói bụi từ 6,5 triệu xe gắn máy, cộng với tốc độ xây dựng dày đặc.

Bác sĩ Lan cũng cho biết thêm, các nghiên cứu cho thấy đa số người mắc bệnh hen có thể sinh hoạt bình thường nếu được điều trị đúng cách. Nhưng trên thực tế phần lớn số bệnh nhân hen lại nản lòng và bỏ dở điều trị. Đối với những người mắc bệnh hen, việc kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị của bác sĩ là rất quan trọng.

“Bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh các tác nhân gây ra triệu chứng bệnh trong môi trường như tránh tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá và các chất kích thích; tránh hoạt động thể lực mạnh và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành”, Chủ tịch Hội hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP HCM khuyến cáo.

Ông James Strenner, trưởng văn phòng đại diện của GlaxoSmithKline tại TP HCM chia sẻ, trong nhiều năm qua tổ chức này luôn nỗ lực giúp bệnh nhân phòng và kiểm soát được bệnh hen.

Ngày hen toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998 với 35 nước hưởng ứng. Năm 2005 đã có 100 nước tham gia các hoạt động phòng và chống hen.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp TP HCM vào 1 trong 10 thành phố có mức độ ô nhiễm bụi cao nhất thế giới. Công bố của Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM về kết quả quan trắc chất lượng không khí trong nhiều năm qua cho thấy đang bị ô nhiễm nặng ở cả khu vực ven đường và trong khu dân cư.

Theo Cục Bảo vệ môi trường TP HCM, nhiều chỉ tiêu về môi trường không khí mà các trạm quan trắc chất lượng không khí thành phố ghi nhận được đều vượt chuẩn cho phép, trong đó đáng lo ngại nhất là lượng bụi trong không khí quá cao.

Mới đây, Sở Tài nguyên môi trường TP HCM đề xuất xây dựng một loạt trạm quan trắc chống ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 495 tỷ đồng.


Khánh Trung

Bạn có thể quan tâm