Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Căn bệnh dị ứng làm lột da nặng hơn bỏng

Hội chứng Lyell mà em bé ở Quảng Bình mắc phải nghi do uống nước ngọt rất nguy hiểm. Bệnh nhân đau rát và thể trạng suy kiệt rất nhanh.

Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Trung ương mới đây tiếp nhận ca bệnh nguy kịch do dị ứng nghi do uống nước ngọt. Bệnh nhi tên Hồ Thị Kiều Anh, 11 tuổi, ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo chẩn đoán, em mắc hội chứng Lyell khiến toàn thân da bị phỏng rộp như bị bỏng.

Để tìm hiểu thêm về hội chứng này, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với PGS, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Lylell là hội chứng gồm nhiều triệu chứng da, niêm mạc và nội tạng rất nặng. Riêng về trường hợp nghi dị ứng do nước ngọt là chưa rõ ràng. Phần lớn nguyên nhân bệnh này do thuốc (77%) và đây là thể lâm sàng nặng nhất của dị ứng thuốc, rất hay gặp, song chúng ta chưa có nhận thức đúng về căn bệnh.

PGS Thường cho hay, tỷ lệ bệnh nhân gặp hội chứng Lyell không cao nhưng có thể gặp ở bất cứ ai, không báo trước với tình trạng diễn ra sau đó rất nguy kịch.

Toàn thân em Kiều Anh bị phồng rộp khi nhập viện - Ảnh: P.D/Tuổi trẻ
Bệnh nhi mắc hội chứng Lyell - Ảnh: P.D/Tuổi trẻ

Cơ chế gây bệnh là do cơ thể phản ứng dị ứng với các loại thuốc, trong đó theo thống kê, Lyell hay gặp nhất với các thuốc lần lượt là kháng sinh, động kinh và hạ sốt, giảm đau. Đặc biệt, đây đều là những loại thuốc thông thường, có thể dễ dàng mua không cần kê đơn.

Không đơn thuần như các loại dị ứng thường gặp khác (nổi mề đay, chàm…) dị ứng Lyell rất nguy hiểm. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, mới đây nhất, bệnh nhân N.T.M nhập viện trong tình trạng sốt cao, toàn thân tuột da, đỏ hỏn, miệng và đường tiêu hóa đã bị lở loét khiến việc ăn uống cực kỳ khó khăn. Cơ thể bệnh nhân bị đau rát khắp nơi khiến sức khỏe suy kiệt.

PGS Thường cho hay, mỗi năm có hàng chục ca nhập viện, đa phần ở trong tình trạng rất nặng. Điều trị hội chứng này tối thiểu phải mất một tháng, thậm chí 2 tháng mới có thể bình phục với bệnh nhân tiên lượng tốt. Nhiều bệnh nhân bị suy gan, suy thận, nhiễm trùng máu, dẫn đến việc không qua khỏi.

Bệnh nguy hiểm ra sao?

Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, hội chứng Lyell xuất hiện đột ngột sau dùng thuốc từ một vài giờ, vài ngày. Người bệnh thường mệt mỏi, sốt cao, rét run, nhức đầu, cảm giác đau rát ngoài da do thương tổn da và niêm mạc. Trường hợp nặng người bệnh có thể li bì, hôn mê.

Với thương tổn da, bệnh nhân xuất hiện bọng nước trên da, da phồng rộp, từng mảng da bị xé rách trên nền đỏ, có sự bóc tách thượng bì một cách ồ ạt cấp tính như lột da.

"Bệnh nhân Lyell nhìn giống người bị bỏng nặng độ 3, thậm chí nguy kịch hơn vì da lột toàn thân thay vì từng chỗ tổn thương như bỏng. Theo đó,  điều trị một bệnh nhân gặp phải hội chứng Lyell khó hơn rất nhiều so với bệnh nhân bỏng", PGS Thường cho hay.

Còn thương tổn niêm mạc gặp trên 90% trường hợp, biểu hiện chủ yếu là các bọng nước nông dễ vỡ, để lại vết trợt, loét hay gặp ở niêm mạc miệng, sinh dục, thương tổn tiết dịch, chảy máu, đóng vảy tiết nâu đen, người bệnh ăn uống khó, đau rát nhiều. Thương tổn ở mắt gây viêm kết mạc làm mắt viêm đỏ, phù nề, không mở được mắt, có thể bị viêm dính kết mạc, loét giác mạc, nặng hơn có thể gây mù lòa.

Ở mức độ dị ứng thuốc nặng nhất này, người bệnh sốt liên tục 39-40 độ C, có thể nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm cầu thận, suy thận cấp, vàng da, nhiễm độc gan, có thể có thiếu máu, giảm bạch cầu, tiểu cầu. Đặc biệt, người bệnh mất nhiều dịch qua da nên có thể bị rối loạn nước và điện giải. Người bệnh mắc hội chứng Lyell thường có tiên lượng nặng. Tỷ lệ tử vong hiện 30-40%, trước đây là 60-70% thường do nhiễm khuẩn, rối loạn nước điện giải, suy đa tạng.

Một số biến chứng khác là giảm thị lực, loét giác mạc không hồi phục gây mù lòa, nhiễm độc gan, thận, suy thận cấp, chít hẹp thực quản, xuất huyết tiêu hóa, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Bệnh thường tiến triển trong 3-4 tuần, các thương tổn da sau khi khỏi thường để lại các dát thâm, tăng sắc tố.

Theo PGS Thường bên cạnh việc dùng thuốc bừa bãi, việc  dị ứng thuốc mức độ nặng như hội chứng Lyell là do cơ địa của từng người. Do đó, khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào của dị ứng sau khi uống thuốc, cần theo dõi và chủ động cấp cứu trước khi bệnh diễn biến nặng.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm