Ho gà (Whooping Cough) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng lây nhiễm cao. Ảnh: Samacharcentral. |
Ho gà (Whooping Cough) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi các triệu chứng như ho, hắt hơi, xổ mũi, sốt nhẹ, tăng nặng sau 1- 2 tuần.
Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể rất nặng với triệu chứng suy hô hấp, thậm chí gây tử vong.
Đến nay, ho gà vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới dù tiêm chủng đã được phủ rộng. Chu kỳ dịch khoảng 2-5 năm, xảy ra lẻ tẻ ở các nước, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi.
Các ca bệnh nặng và tử vong hay gặp ở trẻ độ tuổi bú mẹ, tỷ lệ tử vong tăng cao hơn ở nước đang phát triển.
3 giai đoạn của bệnh ho gà
Ho gà do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra, đây là loại trực khuẩn có hai đầu, không di động, tồn tại trong cơ thể người có sức đề kháng yếu. Khi vi khuẩn đi ra môi trường, chúng bị tác động bởi các yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ bên ngoài và thường chết sau một giờ.
Triệu chứng lâm sàng thường chia làm 3 thể: Thể thông thường điển hình, thể thô sơ và thể nhẹ.
Thể thông thường điển hình
Hay gặp ở trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng, thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. Đặc điểm lâm sàng của nhóm bệnh này thường chia làm các giai đoạn: Khởi phát, toàn phát, giai đoạn lui bệnh và hồi phục.
- Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Biểu hiện điển hình như ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, dần chuyển thành ho cơn. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, giai đoạn này thường không có.
- Giai đoạn toàn phát (giai đoạn ho cơn): Thường kéo dài 1-2 tuần. Với trẻ <3 tháng tuổi, thời kỳ này kéo dài hơn, xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ cả ngày và đêm. Cơn ho cả khi trẻ đang chơi, ăn hay khi quấy khóc.
Cơn ho của ho gà diễn biến qua 3 giai đoạn:
Ho: Trẻ ho rũ rượi, mỗi cơn thường từ 15-20 tiếng liên tiếp. Khi ho, lưỡi bị đẩy ra ngoài, lâu dần dẫn tới loét hãm lưỡi (ở trẻ chưa có răng không gặp triệu chứng này). Cơn ho nặng, trẻ có thể thở yếu dần, có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi.
Trẻ ho rũ rượi, mỗi cơn thường từ 15-20 tiếng liên tiếp. Ảnh: Healthline. |
Thở rít vào: Xuất hiện cuối cơn ho.
Khạc đờm: Các nút nhầy đặc quánh dính thường là sản phẩm bệnh nhân khạc ra khi kết thúc cơn ho. Đây là chất bài tiết của khí quản cô đặc, lông mao rụng, biểu mô đường hô hấp bị hoại tử, trực khuẩn ho gà và bạch cầu Lympho.
Trẻ mệt mỏi, nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh sau mỗi cơn ho. Ngoài ra, trẻ có thể sốt nhẹ, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, có ran phế quản. Các cơn ho tăng dần về số cơn và mức độ nặng của cơn trong vòng vài ngày đến một tuần. Cơn ho nặng có thể kéo dài vài giờ.
Thời kỳ lui bệnh và hồi phục: Kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần. Số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn.
Tình trạng toàn thân tốt lên, trẻ ăn được và vui chơi bình thường. Tuy nhiên, ở một số trẻ có thể có những cơn ho kéo dài 1-2 tháng. Đặc biệt trẻ dưới 3 tháng tuổi, thời gian ho có thể kéo dài cả năm sau đó.
Thể thô sơ và thể nhẹ
Triệu chứng thường giống cảm thường, ho hắt hơi nhiều, không khạc đờm nhiều. Bệnh gặp ở trẻ đã được tiêm vaccine phòng bệnh ho gà nhưng kháng thể thấp và tồn tại ngắn. Thể này thường khó chẩn đoán.
Chăm sóc trẻ như thế nào?
Trẻ cần được nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, ít ánh sáng, thoải mái, tránh lo lắng. Ngoài ra, môi trường cũng cần tránh có các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, bụi tiếng ồn, nhiều chất kích thích.
Cha mẹ hãy chia nhỏ bữa ăn cho con, tránh ăn quá nhiều bữa trong ngày. Bạn cần theo dõi sát cơn ho của trẻ, cung cấp đủ oxy và máy hút khi cần thiết.
Kháng sinh sẽ được bác sĩ kê đơn sớm. Thuốc được chỉ định khi nghi ngờ hoặc chẩn đoán xác định mắc ho gà cho trẻ dưới 1 tháng tuổi trong vòng 6 tuần từ khi khởi phát cơn ho. Trẻ trên 1 tuổi thì trong vòng 3 tuần từ khi khởi phát cơn ho.
Nhân viên y tế tiêm vaccine DPT ( bạch hầu - ho gà - uốn ván) cho trẻ. Ảnh: CDC Cao Bằng. |
Bệnh nhân cần được thở oxy khi có các biểu hiện suy hô hấp như thở nhanh, gắng sức, tím tái, SpO2 dưới 92 % khi thở khí trời. Đặt ống nội khí quản và hỗ trợ hô hấp sớm khi có các dấu hiệu suy hô hấp nặng hoặc suy tuần hoàn.
Phòng bệnh
Trẻ nhập viện cần được thực hiện các biện pháp dự phòng chuẩn. Các biện pháp dự phòng lây qua đường hô hấp được khuyến cáo ít nhất 5 ngày sau khi bắt đầu điều trị kháng sinh.
Bạn nên cách ly trẻ 3-4 tuần để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh, các kích thích cho trẻ và tránh các mối lo lắng bị lây bệnh cho thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, chúng ta cần dự phòng sau phơi nhiễm bằng kháng sinh cho những người trong gia đình tiếp xúc gần với trẻ và người chăm sóc ở bất kỳ tuổi nào, tiền sử tiêm phòng và có triệu chứng hay không. Tiêm phòng cho những người tiếp xúc gần cũng nên được xem xét.
Gia đình nên thực hiện đúng và đầy đủ khuyến cáo về tiêm phòng ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Lịch tiêm là mũi 1 lúc trẻ 2 tháng tuổi, mũi 2, 3,4 lần lượt khi trẻ được 3 tháng, 4 tháng và 18 tháng tuổi.
Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì - không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?
Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.