Ho gà có thể tiến triển nặng, gây ra biến chứng viêm phổi ở trẻ em dưới một tuổi. Ảnh: Mydr. |
Ho gà có những biến chứng thường gặp như sụt cân do giảm ăn, bú; tím tái do cơn ho dài khiến trẻ mệt mỏi, khó ngủ, quấy khóc.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, ho gà có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, tràn khí màng phổi, co giật, ngưng thở, bệnh não do thiếu oxy hoặc do độc tố vi khuẩn, thậm chí không qua khỏi.
Để kịp thời phát hiện và sớm điều trị cho trẻ, bác sĩ Lưu gợi ý các điểm khác biệt của ho gà so với ho thông thường mà quý phụ huynh cần lưu ý.
Cơn ho gà điển hình khiến trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm có tính chất dai, trong suốt và sau đó là nôn ói.
Tuy nhiên, ở giai đoạn khởi phát bệnh, triệu chứng ho có thể chưa điển hình. Từ tuần thứ 2, trẻ sẽ ho nhiều hơn và có thể có cơn ho điển hình. Bệnh thường kéo dài, có thể đến 3 tháng, do những nguyên nhân khác nhau, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ chưa được tiêm ngừa.
Ho gà là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp gây ra do vi khuẩn Bordetella pertussis. Ảnh: Kateryna Kon/ Shutterstock. |
Nếu phát hiện sớm, trẻ có thể được điều trị kháng sinh phù hợp theo cân nặng và độ tuổi. Đối với trẻ có biến chứng, tùy thuộc mức độ bệnh, bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp; hỗ trợ hô hấp trong các trường hợp viêm phổi.
Ho gà là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp gây ra do vi khuẩn Bordetella pertussis, có tính lây truyền rất cao ở mọi độ tuổi nếu chưa có miễn dịch phòng bệnh, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ dưới 1 tuổi.
Dấu hiệu nghi ngờ bệnh là cơn ho điển hình hoặc ho kéo dài hơn một tuần ở trẻ nhỏ, chưa tiêm ngừa đầy đủ. Khi ho, trẻ đỏ mặt, tím tái, có thể kèm theo tiếng rít cuối cơn ho như tiếng gà gáy. Bệnh thường trải qua 3 giai đoạn, với các dấu hiệu kèm theo như sau.
- Giai đoạn đầu: Trẻ sổ mũi, ho nhẹ kéo dài 1-2 tuần (chủ yếu là ho về đêm).
Giai đoạn toàn phát (1-2 tuần kế tiếp): Trẻ bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa. Sau cơn ho thường đỏ mặt hay tím tái cả người do ho cơn dài không đủ dưỡng khí để thở, lâu dần gây suy hô hấp. Những cơn ho dài dữ dội có thể khiến trẻ mệt, kiệt sức, bỏ bú biếng ăn.
Giai đoạn hồi phục (thường sau 4 tuần): Trẻ ho cơn ngắn lại, giảm số lần ho.
Tiêm ngừa vaccine là cách hữu hiệu để phòng ngừa bệnh ho gà hiệu quả nhất cho trẻ em cũng như cả gia đình. Tuy nhiên, miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian nên trẻ cần được tiêm nhắc theo lịch; người lớn cần tiêm nhắc mỗi 10 năm; phụ nữ có thai tiêm trong khoảng từ tuần 27 đến trước tuần 36 của thai kì. Điều này sẽ góp phần duy trì miễn dịch cộng đồng và bảo vệ trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời.
Biện pháp phòng ngừa khác có thể áp dụng được khuyến cáo như đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ vệ sinh khi ho, hắt hơi, vệ sinh bề mặt các vật dụng, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn; bên cạnh đó cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với người đang có các triệu chứng đường hô hấp.
Bác sĩ là một công việc bận rộn, nhiều áp lực song không ít "thiên thần áo trắng" làm việc tại bệnh viện vẫn dành tình yêu cho sách, cho việc sáng tác những tác phẩm của riêng mình.
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.