V.M.H. (29 tuổi, TP.HCM) ám ảnh vì bị chứng lạc nội mạc tử cung. Chị cho biết mình phát hiện bệnh này từ hơn 2 năm trước và đến hiện tại chị cảm nhận cuộc sống của mình bế tắc khi cả tháng đau bụng. Ngày nào chị cũng "thủ" sẵn viên thuốc giảm đau trong túi xách để khi đau có thuốc uống.
Đến chu kỳ kinh nguyệt, chị đau không làm việc được, thậm chí nhiều lần phải đi viện cấp cứu vì đau tới mức ngất đi. Người nhà chị cũng sốt ruột nhưng không biết làm thế nào. Chị H. đã đi điều trị nhiều lần nhưng không hiệu quả và chấp nhận sống chung với nó.
TS.BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cho biết nội mạc tử cung phải nằm trong buồng tử cung. Hàng tháng, nội mạc tử cung bong tróc chuẩn bị cho chu kỳ kinh nguyệt tới nhưng thay vì nằm ở tử cung, nội mạc này lại nằm ở sai vị trí. Chúng nằm rải rác ở buồng trứng, ổ bụng, thậm chí có người lạc nội mạc tử cung ở phổi, ở thận hoặc vị trí xa hơn. Khi nội mạc tử cung lạc ở vị trí nào, chúng gây đau vị trí đó. Đau nhất là ở chu kỳ kinh nguyệt.
Với người bình thường, khi tới chu kỳ kinh nguyệt, máu chảy ra ngoài còn người bị lạc nội mạc tử cung máu không chảy ra ngoài được nên tích tụ gây đau. Ví dụ, lạc nội mạc tử cung nằm ở bàng quang gây đau và đi tiểu ra máu, lạc nội mạc tử cung ở trực tràng gây đau bụng, xuất huyết tiêu hoá.
Lạc nội mạc tử cung khiến phụ nữ khổ sở là rất đau bụng kinh, thậm chí có người đau bụng cả tháng. Lạc nội mạc “đậu” ở cơ quan nào gây triệu chứng cho cơ quan đó. Trên đường tiêu hoá gây xuất huyết tiêu hoá, đi tiểu đau. Mô nội mạc này chịu tác động của nội tiết nên đến chu kỳ kinh nguyệt cũng bong tróc và đau ở trên cơ quan đó.
Lạc nội mạc tử cung khiến phụ nữ khổ sở là rất đau bụng kinh, thậm chí có người đau bụng cả tháng. |
Lạc nội mạc tử cung còn gây chậm có con cho phụ nữ. 50 % phụ nữ lạc nội mạc tử cung chậm có con.
BSCKII Lê Ngọc Diệp, Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết có nhiều chị em cảm thấy đau khi quan hệ tình dục, đau bụng kinh hoặc chậm có con đi khám mới phát hiện ra lạc nội mạc tử cung. Nếu lạc nội mạc tử cung bám buồng trứng, nó tạo ra các u ở vị trí này. Những u này không có vỏ thật chứa máu như máu kinh. Có những phụ nữ tới khám với nang to từ 10-15 cm.
Lạc nội mạc tử cung bám ở vách chậu, trực tràng không tạo ra khối u rõ nhưng khi khám khu vực này rất cứng, sần sùi và quan hệ tình dục bị đau. Lạc nội mạc trong cơ tử cung gây cơ cứng tử cung. Thậm chí, bác sĩ Diệp cho hay có bệnh nhân lạc nội mạc bám trên vết mổ lấy thai nên đến chu kỳ kinh nguyệt chị em lại đau nhói trên vết mổ và theo thời gian nó có thể xâm nhập sâu hơn, đau hơn.
Việc chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, BS Thanh cho biết hiện nay dựa vào 3 phương thức:
Thứ nhất, tiền sử và bệnh sử của người bệnh là có quan hệ trực hệ như mẹ và chị em gái có mắc căn bệnh này hay không. Phụ nữ có chị em gái, mẹ mắc thì sẽ có nguy cơ cao hơn. Với bản thân người bệnh, từ khi có kinh nguyệt có đau bụng kinh, đi tiểu ra máu…
Thứ hai, khám lâm sàng: Sau khi tìm hiểu bệnh sử sẽ thăm khám lâm sàng tìm ra tổn thương lạc nội mạc tử cung như tử cung dày, cứng.
Thứ ba, phương tiện chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm. Biện pháp này đơn giản, phổ biến trong thăm khám phụ khoa. Một số trường hợp có thể chẩn đoán được đó là khối lạc nội mạc ở buồng trứng.
Với 3 phương thức trên bác sĩ sẽ kết luận là bệnh nhân có bị lạc nội mạc tử cung không. Hiện nay, thuốc là phương pháp điều trị đầu tay cho triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung. Có nhiều loại thuốc được sử dụng tùy vào mức độ đau.
Với những ai đã từng trải qua cơn đau do lạc nội mạc tử cung gây ra sẽ cảm thấy dường như mất hết những hy vọng về việc sống vui sống khỏe, thậm chí có những phụ nữ tuyệt vọng đến mức chỉ mong được cắt bỏ tử cung.