Ca phẫu thuật gồm 2 ê-kíp đảm nhận mổ 2 vị trí của bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai, bệnh nhân là bà N.T.B.N. (47 tuổi, Đồng Nai), được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trong tình trạng phù bạch mạch độ 3 tay phải.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Quốc Lữ, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết chị N. bị phù từ cánh tay tới bàn tay, phù mềm ấn lõm không trở lại bình thường. Trước đó, người phụ nữ từng phẫu thuật ung thư vú, nạo hạch.
Ca phẫu thuật với 2 ê-kíp đã tiến hành mổ cùng lúc dưới sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Cao Viễn, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM).
Một ê-kíp mổ lấy vạt ở bẹn của bệnh nhân có chứa hạch bạch huyết. Ê-kíp còn lại mổ động mạch và tĩnh mạch ở vùng trên khuỷu tay, lấy vạt ở bẹn lên và khâu nối động mạch và tĩnh mạch lại để nuôi sống vạt bẹn.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 4 giờ. Sau mổ, vạt nối các động mạch hồng hào, có sự đàn hồi tốt. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi.
“Đây là ca mổ khó vì vừa phải áp dụng kỹ thuật vi phẫu, vừa nối động mạch, nối tĩnh mạch. Kích thước mạch bạch huyết chỉ 0,1 mm đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật vi phẫu có kinh nghiệm, sự tập trung cao độ và trang thiết bị hiện đại”, bác sĩ Lữ cho biết thêm.
Đây là ca phẫu thuật bệnh phù bạch mạch đầu tiên được thực hiện tại Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là đơn vị thứ 3 của cả nước tiến hành phẫu thuật bệnh này.
Trước đó, cả nước chỉ có Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) phẫu thuật được trường hợp bị phù bạch mạch huyết.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.