Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Căn bệnh mùa hè có thể để lại di chứng ở 50% trẻ mắc

Là một cấp cứu nội khoa, viêm não được đánh giá mang đến nguy hiểm lớn tới tính mạng cho trẻ mắc, thậm chí để lại hệ lụy cho tương lai.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong một tháng qua, cả nước ghi nhận tới 49 trường hợp mắc viêm não virus. Đáng chú ý, 3 ca trong số này đã tử vong.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, 25 bệnh nhân viêm não, viêm màng não do các căn nguyên khác nhau đang được điều trị nội trú. Trong đó, 5 trường hợp đã được khẳng định và một ca nghi ngờ mắc viêm não Nhật Bản.

Các bác sĩ tại đây cho biết viêm não và viêm màng não đang vào mùa cao điểm. Mỗi ngày, cơ sở y tế này đều tiếp nhận trường hợp mắc bệnh lý trên. Một số thời điểm, số lượng bệnh nhân tới khám do viêm não, viêm màng não lên tới 4-5 trường hợp.

Tương tự, khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng ghi nhận các ca viêm não, viêm màng não tới khám từ đầu mùa hè đến nay.

Diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong và di chứng cao

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết mùa hè là thời điểm thường xuyên xuất hiện các ca viêm não cấp.

Nguyên nhân thường liên quan nhiệt độ và độ ẩm. Đây là điều kiện thuận lợi cho một số loại virus gây bệnh viêm não phát triển. Trong đó điển hình là viêm não Nhật Bản. Bệnh lý này có thể gây ra biến chứng và di chứng rất nặng nề.

“Thời gian gần đây, các ca mắc viêm não do Enterovirus, trong đó, chúng ta thường biết đến các type của loại virus này như EV71, Coxsackie, có xuất hiện”, vị chuyên gia thông tin.

di chung tu viem nao anh 1

Tiến sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo TS Thúy, thực tế hiện nay, Enterovirus gây viêm não cho trẻ em khá phổ biến. Tuy nhiên, loại virus này không chỉ gây bệnh vào mùa hè. Chúng xuất hiện rải rác quanh năm. Với mùa hè, bệnh hay gặp chủ yếu vẫn là viêm não Nhật Bản.

Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Nói tới viêm não, chúng ta nói tới nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Đây là một cấp cứu nội khoa, đồng nghĩa với việc người bệnh cần được can thiệp y tế sớm để tránh bệnh diễn biến nặng và các biến chứng. Bệnh nhân cần được đưa tới cơ sở y tế sớm nhất có thể và phải điều trị tại bệnh viện”.

Biểu hiện lâm sàng ở bệnh nhân viêm não tùy thuộc vào diễn biến và thể bệnh. Ở thể viêm não tối cấp, bệnh có thể diễn biến rất nhanh, chỉ trong vòng 24 giờ, bệnh nhân đã rơi vào hôn mê, tình trạng nặng và thậm chí tử vong.

Trong khi đó, ở những trường hợp viêm não thể thông thường, diễn biến của bệnh cũng tiến triển nhanh trong 2-3 ngày.

Về cơ bản, bệnh viêm não tiến triển nhanh, triệu chứng thường gặp là sốt, nôn, đau đầu, có thể có các biểu hiện thần kinh như co giật, ý thức chậm dần.

“Bình thường, trẻ rất hoạt bát, chạy nhảy linh hoạt. Tuy nhiên, khi mắc viêm não, ý thức của trẻ chậm dần, tinh thần u ám. Một số trường hợp còn có biểu hiện thần kinh khu trú như liệt nửa người, liệt mặt”, TS Thúy giải thích.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng các biểu hiện thần kinh khu trú như trên thường xuất hiện ở giai đoạn muộn. Biểu hiện ban đầu của hầu hết trẻ viêm não thường có sốt, đau đầu, nôn, trẻ thiếu hoạt bát, ý thức chậm dần…

Trưởng khoa Nhi khẳng định bệnh nhân mắc bệnh viêm não cấp do virus có nguy cơ để lại di chứng khá cao tùy tác nhân gây bệnh.

TS Thúy nêu ví dụ với viêm não Nhật Bản, tỷ lệ di chứng để lại sau khi khỏi lên tới 50%. Đây là con số rất cao. Tỷ lệ này với bệnh gây ra do tác nhân là Enterovirus có thể thấp hơn. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên chủ quan do bệnh hoàn toàn có thể diễn biến nặng và để lại di chứng.

Di chứng của viêm não, viêm não - viêm màng não cũng có nhiều mức độ khác nhau. Cụ thể, bệnh nhân có thể xuất hiện di chứng về vận động như liệt một bên tay, chân hay cả thân người, yếu một bên mặt, liệt dây thần kinh ở mặt, gây khó khăn trong sinh hoạt như méo miệng, ăn uống khó, nhìn khó…

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp các di chứng tinh thần và nhận thức như ảnh hưởng tới nhận biết xung quanh, ý thức tinh thần, khả năng học trong tương lai, sự phát triển về tâm thần…

“Di chứng về nhận thức cũng có nhiều mức độ. Một số trường hợp có thể mắc di chứng nặng nề, kéo dài cả đời. Ngược lại, một số trường hợp may mắn hơn, sau thời gian tập luyện, phục hồi chức năng có thể cải thiện ít nhiều”, vị chuyên gia chia sẻ.

di chung tu viem nao anh 2

Một bệnh nhi mắc viêm não hiện được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC.

Về cơ bản, viêm não, viêm màng não có thể để lại di chứng ở cả vận động và tinh thần cùng nhiều mức độ. Bệnh nhân có thể hồi phục hoặc chấp nhận di chứng lâu dài.

Ngoài ra, TS Thúy cũng khẳng định nguy cơ tử vong ở bệnh nhân viêm não, viêm màng não là khá cao.

Theo số liệu thống kê từ năm 1981 đến 1990 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, 670 trẻ bị viêm màng não nhiễm khuẩn. Trong đó, tỷ lệ tử vong là 8,4%, để lại di chứng sau khi xuất viện là 8,8%.

Nghiên cứu của Phạm Nhật An và cộng sự từ 1/8/2010 đến 30/7/2011 cho thấy có 70 trẻ bị viêm màng não nhiễm khuẩn, trong đó 45/70 (64,3%) trường hợp khỏi hoàn toàn, 7 trẻ (10%) tử vong và 18 trẻ (25,7%) khỏi nhưng có di chứng về tinh thần hoặc vận động.

Một nghiên cứu khác của Nguyễn Thị Hà trên 86 trẻ viêm màng não do virus tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, năm 2016 cho thấy trẻ nam chiếm đa số (81%), phần lớn gặp ở lứa tuổi 6 -12 (54/86 trẻ) và nguyên nhân chủ yếu là Enterovirus (55%).

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, một số yếu tố thuận lợi ở trẻ khiến nguy cơ mắc bệnh viêm màng não cao hơn gồm

  • Tuổi: Trẻ dưới 3 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh
  • Giới tính: Trẻ nam gặp nhiều hơn nữ
  • Tổn thương miễn dịch: Trẻ sinh non, suy giảm miễn dịch, cắt lách, suy dinh dưỡng…
  • Nhiễm khuẩn cấp hoặc mạn tính, nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng…
  • Dị tật, chấn thương màng não: Thoát vị màng não tủy, dẫn lưu não thất, chấn thương sọ não, thủ thuật chọc dò tủy sống
  • Môi trường sống đông đúc, vệ sinh kém

Phòng bệnh chủ động

TS Đặng Thị Thúy cho hay viêm não Nhật Bản đã có vaccine phòng bệnh chủ động. Do đó, cha mẹ nên lưu ý đưa con đi tiêm vaccine phòng chống căn bệnh này. Đáng chú ý, vaccine viêm não Nhật Bản ngày nay đã được cải tiến rất nhiều.

“Trước kia, vaccine viêm não Nhật Bản phải được tiêm nhắc lại mỗi 3 năm tới khi trẻ 15 tuổi. Tuy nhiên, loại vaccine này hiện có thể được tiêm với lộ trình ngắn và tiện lợi hơn”, vị chuyên gia thông tin.

Dù vậy, hiện chỉ viêm não Nhật Bản là có vaccine phòng bệnh. Do đó, TS Thúy khuyến cáo với các tác nhân gây bệnh viêm não, viêm màng não khác, gia đình cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ để đưa con đi khám sớm.

di chung tu viem nao anh 3

Nhân viên y tế chăm sóc cho một bệnh nhi mắc viêm não. Ảnh: BVCC.

Ngoài ra, vị trưởng khoa Nhi cho hay nguồn lây bệnh viêm não là trong thiên nhiên. Mùa hè là mùa hoa trái, các loại chim, động vật hoang dã về ăn hoa quả, làm tổ. Lúc này, virus gây bệnh được truyền qua muỗi khi muỗi đốt các loài động vật trên và lây cho con người cùng những các loài động vật xung quanh như lợn, chó, mèo…

Tuy nhiên, khác với lợn, chó, mèo… không có biểu hiện bệnh, con người lại mắc bệnh viêm não, viêm màng não nguy hiểm như trên.

Từ đây, bên cạnh phòng bệnh nhờ tiêm các loại vaccine sẵn có, TS Thúy khuyến cáo người dân chủ động phát quang bụi rậm, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh thông thoáng, diệt muỗi, lăng quăng.

Ngoài ra, bản thân mỗi người cũng cần chủ động nâng cao sức khỏe, hệ miễn dịch tự nhiên thông qua chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt điều độ, vệ sinh tay, cơ thể đều đặn.

Liên quan vấn đề này, tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay so với các bệnh viêm não hay viêm màng não, viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất.

Nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh, ở hầu hết trường hợp, là phụ huynh quên lịch tiêm nhắc lại vaccine viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc 2 tuổi.

Vị chuyên gia cũng cảnh báo khi trẻ bị sốt, các phụ huynh thường nghĩ đến sốt virus và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Một trường hợp khác là trẻ nôn khan, nhiều phụ huynh lại nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa hoặc ho, từ đó cho trẻ uống men tiêu hóa, uống thuốc ho...

“Tuy nhiên, đây có thể là các dấu hiệu của bệnh viêm não. Cha mẹ không nhận ra, đợi đến khi trẻ có các biểu hiện điển hình như đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật mới đưa đến viện khiến việc điều trị khó khăn và có thể để lại di chứng”, TS Hải nhấn mạnh.

Nhiều trẻ bị viêm não Nhật Bản biến chứng nặng, phải thở máy

Bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị cho nhiều trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản, có trường hợp nặng, phải thở máy.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm