Thông tin này được công bố tại chương trình đào tạo y khoa liên tục "Tư vấn Di truyền Hỗ trợ sinh sản 2019" do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức sáng 5/4, với 200 chuyên gia, bác sĩ trong và ngoài nước tham gia.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, chỉ sau ung thư, bệnh tim mạch ở thế kỷ 21 và Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện nay, khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh trong độ tuổi sinh sản, hơn 1 triệu cặp vợ chồng gặp phải các vấn đề vô sinh, hiếm muộn.
200 chuyên gia, bác sĩ trong và ngoài nước tham gia chương trình. Ảnh: Người Lao Động. |
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, cho hay việc điều trị hiếm muộn chủ yếu điều trị nguyên nhân, tuy nhiên có đến 10% không rõ nguyên nhân.
Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là số trẻ mắc các bệnh lý di truyền và dị tật nước ta cũng rất lớn. Mỗi năm, tại Việt Nam, khoảng 1,5 triệu trẻ được sinh ra, trong đó có khoảng 1.400-1.800 trẻ mắc hội chứng Down (Trisomy 21), 200-250 trẻ mắc hội chứng EdWard (Trisomy 18), 1.000-1.500 trẻ dị tật ống thần kinh, 2.200 trẻ mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh)…
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, với thực trạng trên, việc ứng dụng phân tích di truyền trong điều trị vô sinh, hiếm muộn đã mang lại nhiều tiến bộ vượt bậc trong hỗ trợ sinh sản, giúp sàng lọc, chẩn đoán hội chứng di truyền trước sinh.
"Sự phát triển trong điều trị vô sinh, hiếm muộn ngoài khẳng định nền y học nước nhà còn có ý nghĩa nhân văn, giúp nhiều cặp vợ chồng có con, hạn chế tan vỡ gia đình...", BS Bắc nhấn mạnh.