Số ca mắc ung thư vú có xu hướng gia tăng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Asian Scientist. |
Theo thống kê mới nhất của Globocan, dự án thuộc Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, ung thư vú là căn bệnh ung thư có số người mắc nhiều nhất Việt Nam với 24.563 ca mắc, chiếm 13,6% tổng số bệnh nhân ung thư được báo cáo.
Tại Việt Nam, theo Globocan 2022, số ca mắc ung thư vú được ghi nhận là 24.563, chiếm tỷ lệ 13,6% ca ung thư mới mắc và đứng đầu danh sách về số ca mắc ung thư (tiếp sau là ung thư gan, phổi và đại trực tràng).
Về trường hợp tử vong, năm 2022, số lượng được báo cáo là 10.008, chiếm tỷ lệ 8,3%, đứng thứ 4 trong số ca tử vong gây ra do ung thư (sau ung thư gan, ung thư phổi và ung thư dạ dày).
Trên thế giới, ung thư vú là bệnh ung thư có số người mắc nhiều thứ 2 sau ung thư phổi, với 2,2 triệu bệnh nhân. Căn bệnh này cũng khiến hơn 666.000 người bệnh qua đời, là bệnh ung thư có số người tử vong cao thứ 4.
Số ca mắc ngày một tăng
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ nữ Brigham (Mỹ) công bố năm 2022 cho thấy tỷ lệ người mắc ung thư vú đã có sự gia tăng đáng ngại.
Nghiên cứu phát hiện ung thư vú cùng một số bệnh ung thư khác như đại tràng, thực quản, thận, gan và tuyến tụy đã gia tăng đáng kể trên khắp thế giới, bắt đầu từ khoảng năm 1990.
"Chúng tôi phát hiện thế hệ sinh sau có nguy cơ mắc ung thư tăng dần theo từng thế hệ. Ví dụ, những người sinh năm 1960 có nguy cơ mắc ung thư cao hơn trước khi bước sang tuổi 50 so với những người sinh năm 1950. Chúng tôi dự đoán rằng tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong các thế hệ tiếp theo", chuyên gia Shuji Ogino, giáo sư tại Trường Y Harvard kiêm bác sĩ khoa Bệnh lý tại Bệnh viện Phụ nữ Brigham, cho hay.
Theo chuyên trang breastcancer.org, mỗi năm, 30% tổng số ca ung thư mới được chẩn đoán ở phụ nữ là ung thư vú.
Nghiên cứu dịch tễ học của ung thư vú đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2022 cho biết tỷ lệ mắc ung thư vú đang gia tăng trên toàn cầu với số ca dự kiến sẽ lên tới 364.000 ca vào năm 2040.
Kỹ thuật chẩn đoán và phát hiện ung thư vú ngày một phát triển có thể là nguyên nhân làm tăng chẩn đoán ung thư vú giai đoạn đầu, giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến ung thư vú và giúp giảm gánh nặng ung thư vú toàn cầu trong tương lai.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thomas Samuel, chuyên khoa ung thư tại Phòng khám Cleveland (Mỹ), sự gia tăng này là do kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm thay đổi lối sống, ảnh hưởng của môi trường và khuynh hướng di truyền.
Ung thư vú có thể phát hiện được thông qua tự kiểm tra tại nhà. Ảnh: Shutterstock. |
Dấu hiệu phát hiện sớm ung thư vú
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khoảng 1/8 phụ nữ sẽ mắc bệnh ung thư vú xâm lấn trong đời. Hầu hết người bệnh sẽ không gặp bất kỳ triệu chứng nào khi ung thư vẫn còn ở giai đoạn đầu. Do đó, tầm soát và đi khám thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm căn bệnh này.
Theo khuyến nghị mới nhất của Cơ quan Y tế dự phòng Mỹ (USPSTF), phụ nữ trong độ tuổi 40-74 tuổi nên chụp nhũ ảnh 2 năm/lần để tầm soát khả năng mắc ung thư vú.
Ở Việt Nam, bệnh nhân ung thư vú nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể lên đến 90%. Thậm chí, một nghiên cứu gần đây trên nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm toàn bộ 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%.
Người dân khám tầm soát ung thư vú tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. |
Bác sĩ Lê Thị Thu Nga, khoa Ung thư tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khuyến cáo phụ nữ nên tự theo dõi tình trạng vú tại nhà qua gương để phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ sau:
- Sờ thấy khối u ở vú
- Thay đổi hình dạng và kích thước vú
- Lõm da, co kéo da hoặc dày da tuyến vú
- Tụt núm vú
- Tấy đỏ đầu núm vú
- Chảy dịch bất thường đầu núm vú
- Đau hoặc cảm thấy khó chịu dai dẳng ở tuyến vú
- Sưng hoặc có khối vùng nách
Cũng theo bác sĩ Nga, phụ nữ nên đi khám sàng lọc ung thư vú mỗi năm một lần nếu thuộc các nhóm người đã lớn tuổi; tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư vú; người đã điều trị tia xạ vùng thành ngực.
Những người hành kinh sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 50 tuổi; không có con hoặc có con muộn cũng có nguy cơ cao mắc ung thư vú. Bên cạnh đó, những ngưởi có đột biến gene BRCA1 và BRCA2 dễ mắc ung thư vú.
Các tổ chức y tế và nhóm vận động đang tăng cường nỗ lực nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú và tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ. Theo đó, phụ nữ phải cảnh giác trong việc tự kiểm tra và lên lịch chụp nhũ ảnh định kỳ để phát hiện và điều trị sớm nếu có ung thư.
Mục tiêu của Sáng kiến ung thư vú Toàn cầu (GBCI) của Tổ chức Y tế Thế giới là giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú toàn cầu xuống 2,5% mỗi năm, từ đó ngăn chặn 2,5 triệu ca tử vong do ung thư vú trên toàn cầu từ năm 2020 đến năm 2040.
Sách hay về sức khỏe con người
Để giúp bạn đọc dễ hiểu về hệ miễn dịch, Giáo sư ngành miễn dịch học tại ĐH Manchester (Anh) Daniel M. Davis lấy ví dụ về phản ứng của cơ thể với vết cắt hay nhiễm trùng. Khi đó, bên dưới da đã “diễn ra điều kỳ diệu”, các tế bào di chuyển đến để chống lại mầm bệnh, cũng như sửa chữa tổn thương và đối phó với các mảnh mô bị hư tổn. Những diễn tiến âm thầm này rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể.