Vảy nến (psoriasis) là bệnh da mạn tính thường gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 1-3% dân số thế giới tùy theo quốc gia, chủng tộc. Bệnh tiến triển thành từng đợt xen kẽ những giai đoạn ổn định, dai dẳng suốt đời, gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Đây vẫn là bệnh lý chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh có thể kiểm soát ổn định nếu bạn hiểu rõ về bệnh.
Tổn thương cơ bản của vảy nến là các đám da đỏ, kích thước to nhỏ khác nhau, có khi thành mảng lớn, ranh giới rõ với da lành, cộm, trên có phủ vảy da màu trắng dễ bong. Vị trí hay gặp ở vùng tỳ đè, có tính chất đối xứng. Bệnh thường ít ngứa và chỉ ngứa ở những giai đoạn có tiến triển mạnh. Một số trường hợp viêm khớp vảy nến, người bệnh có sưng đau các khớp, có thể gây biến dạng, hạn chế vận động.
Nguyên nhân
Mặc dù đã được nghiên cứu từ lâu, song căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của vảy nến vẫn còn nhiều điều chưa được sáng tỏ. Hiện nay, đa số tác giả thống nhất vảy nến là bệnh da có yếu tố di truyền, cơ chế tự miễn và được khởi động bởi một số yếu tố. Nếu cả bố mẹ đều mắc vảy nến, nguy cơ cho đứa bé là 50% và giảm dần trong các phả hệ. Nghiên cứu trên các cặp song sinh cho thấy 72% cùng mắc bệnh nếu là sinh đôi cùng trứng, so với 22% khi sinh đôi khác trứng.
Đây vẫn là bệnh lý chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Ảnh: Elsol. |
Các yếu tố liên quan bệnh vảy nến là stress, nhiễm khuẩn khu trú, chấn thương thượng bì, một số thuốc (thuốc chống viêm, một số thuốc dung đường toàn thân có chứa cortiocid...), các chất kích thích (rượu, cà phê, thuốc lá), khí hậu thời tiết, lối sống, thức ăn, nội tiết... Các yếu tố này được xác định là yếu tố khởi phát bệnh cũng như có vai trò làm tái phát hay nặng lên tình trạng bệnh.
Điều trị
Đến nay, bệnh vảy nến chưa có thuốc điều trị khỏi mà chỉ có thể làm giảm quá trình bệnh lý, kéo dài thời gian ổn định, giảm tái phát cho người bệnh.
Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị gồm giai đoạn tấn công để làm sạch tổn thương và giai đoạn duy trì để duy trì sự làm sạch đó.
Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến như thuốc bôi tại chỗ, liệu pháp ánh sáng, thuốc điều trị đường toàn thân. Lựa chọn từng phương pháp điều trị riêng rẽ hay kết hợp cần phải cân nhắc về tuổi, giới tính, thể bệnh, mức độ, cách thức điều trị đã sử dụng trước đây.
Thuốc bôi tại chỗ hiện nay được sử dụng thường có chứa thành phần corticosteroid, dẫn xuất vitamin D3, ức chế calcineurin, retinoid, acid salicylic…, thường được sử dụng cho các trường hợp vảy nến mức độ nhẹ hay trung bình.
Các liệu pháp ánh sáng thường được sử dụng trong điều trị người bệnh vảy nến là chiếu UVB, PUVA, Laser Excimer…
Trường hợp vảy nến mức độ nặng hơn có thể được kết hợp điều trị với các thuốc đường toàn thân như: methotrexate, cyclosporine, vitamin A acid hay thuốc sinh học.
Bệnh vảy nến có yếu tố di truyềnẢnh: Pinterest. |
Thuốc sinh học gần đây là bước tiến mới mang lại nhiều hy vọng cho người mắc bệnh vảy nến khi cải thiện được chất lượng cuộc sống. Người bệnh sau khi dùng thuốc sinh học có thể sạch hoàn toàn thương tổn, hết đau khớp và tự tin giao tiếp. Có nhiều loại thuốc sinh học hiện nay được sử dụng rộng rãi như Remicade, Humira, Fraizeron, Stelara…
Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bệnh vảy nến
Chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của người bệnh vảy nến. Mỗi người bệnh thường có yếu tố khởi phát hay làm nặng lên tình trạng khác nhau. Vì vậy, bác sĩ điều trị kết hợp với người bệnh phải tìm được các yếu tố khởi động (một hoặc nhiều yếu tố) để có chiến lược khống chế và điều trị bệnh hiệu quả.
Người bệnh vảy nến cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dưỡng chất, trong đó nên bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, axit béo omega-3, kẽm, acid folic, beta caroten… Hạn chế các thực phẩm nhiều tinh bột và đường, món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật hay các món ăn có hàm lượng đạm cao như thịt chó, ba ba. Đặc biệt, bạn cần tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…
Bên cạnh đó, người bệnh vảy nến nên trang bị hiểu biết của mình về bệnh, để chung sống hòa bình, làm chủ căn bệnh, loại bỏ dần những căng thẳng. Căng thẳng cũng là một trong những yếu tố làm bệnh nặng lên.
Đặc biệt, người bệnh vảy nến không nên tự ý dùng thuốc (đặc biệt là các thuốc đông y, gia truyền, thuốc chứa thành phần corticoid), tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ và đến tái khám theo hẹn.
Thường xuyên giữ ẩm cho vùng da bị vảy nến là rất quan trọng. Người bệnh cần giữ ẩm cho da bằng cách bôi kem dưỡng ẩm ít nhất 2-3 lần một ngày, bôi ngay sau khi tắm và bất cứ khi nào cảm thấy khô da.
Bài viết do thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang, khoa Da liễu dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cung cấp thông tin.