Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cán bộ ngân hàng khai về việc tiếp tay siêu lừa chiếm đoạt 370 tỷ đồng

Nhiều cựu cán bộ của 3 ngân hàng khai họ không thẩm định kỹ hồ sơ, không gặp chủ tài sản đảm bảo và tin tưởng đề xuất của cấp dưới khi duyệt cấp tín dụng cho Nguyễn Thị Hà Thành.

Trong phiên xét hỏi chiều 10/3 liên quan vụ Nguyễn Thị Hà Thành bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng, HĐXX dành hơn 2 giờ để thẩm vấn 17 bị cáo (trong tổng số 26 bị cáo) là cựu cán bộ thuộc 3 nhà băng gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank).

Cáo trạng cho thấy giai đoạn 2016-2018, Hà Thành làm ăn thua lỗ và nợ khoảng 80 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo nhiều lần vay tiền của các cá nhân với lãi suất cao. Ban đầu, Thành trả nợ đúng hạn bằng cách vay của người sau trả cho người trước. Cô ta còn dẫn được nhiều người đến ngân hàng gửi tiền với số lượng lớn, nên được các nhà băng xem là khách VIP.

Có được lòng tin, Thành sử dụng hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng. Một trong những thủ đoạn, theo cáo buộc của VKS, là thông qua sự giới thiệu của cán bộ ngân hàng hoặc người khác, Thành tìm những "đại gia" gửi tiết kiệm để thỏa thuận gửi đồng sở hữu. Sau đó, bị cáo lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các hợp đồng tín dụng, vay ngân hàng số tiền lớn.

Theo VKS, Hà Thành cùng đồng phạm tại các ngân hàng đã chiếm đoạt tổng số tiền 47,5 tỷ đồng của NCB và 49,4 tỷ đồng của PVcomBank. Ngoài ra, VKS cáo buộc bị cáo Quản Trọng Đức và thuộc cấp đã giúp sức cho Hà Thành cùng đồng phạm chiếm đoạt của VietABank gần 274 tỷ đồng.

Nguyen Thi Ha Thanh anh 1

Trong 26 bị cáo, có 17 người là cựu cán bộ của 3 ngân hàng. Ảnh: H.L.

Tại Ngân hàng NCB, bị cáo Nguyễn Hồng Trung (40 tuổi, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm giao dịch Vạn Xuân) khai ban đầu, Hà Thành vay tiền bằng thế chấp tài sản, nên khi thẩm định tài sản chỉ cần thực hiện một lần. Đến những lần vay sau, thì nhân viên nhà băng này không thẩm định lại trước khi ký. Ông Trung nói mình không làm sai, cũng không được hưởng lợi gì bởi đó là quy định của ngân hàng.

Một trong những người đồng sở hữu mà Thành nhắm đến, là ông Đặng Nghĩa Toàn (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cáo buộc nêu Thành đề nghị vợ chồng ông Toàn gửi tiền vào NCB và PVcomBank, rồi giao sổ tiết kiệm cho cô ta quản lý. Đổi lại, vợ chồng ông Toàn được Thành trả ngay một khoản lãi ngoài là 4,2%-4,5% mỗi tháng.

Ngoài lập khống hồ sơ, Thành và đồng phạm còn giả mạo chữ ký của vợ chồng ông Toàn trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng hay hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi... Cuối cùng, bị cáo mang sổ có chữ ký giả thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà băng.

Nguyen Thi Ha Thanh anh 2

Phiên tòa dự kiến kéo dài khoảng 2 tuần. Ảnh: H.L.

Bị cáo Trung cũng khai quá trình thẩm định đã không trực tiếp gặp chủ sở hữu tài sản đảm bảo (vợ chồng ông Toàn), không tìm hiểu xem họ có đồng ý cho Thành sử dụng sổ tiết kiệm trị giá 50 tỷ đồng hay không.

Ngoài ra, sau khi Trung trình đề xuất của Hà Thành lên cấp trên, bị cáo Trần Thị Hoa (cựu Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội kiêm Giám đốc điều hành khu vực Tây Hà Nội của NCB) còn không kiểm tra hồ sơ. Bà Hoa lẫn Trung không phát hiện Công ty Eurocell (do bị cáo Nguyễn Thanh Tùng đồng sở hữu) đã chấm dứt hoạt động từ năm 2017, và duyệt giải ngân 38 tỷ đồng vào tài khoản công ty. Sau đó, Tùng chuyển khoản tiền này cho Thành.

Tại PVcomBank, bị cáo Đỗ Minh Đức (Giám đốc phát triển khách hàng - Trung tâm phát triển khách hàng doanh nghiệp miền Bắc) khi trả lời HĐXX, khai thời điểm bị cáo Thành đề nghị làm hồ sơ vay vốn thông qua việc thế chấp sổ tiết kiệm 52 tỷ đồng mà ông Toàn gửi tại ngân hàng, Đức đã giao cho cấp dưới Bùi Văn Tuấn đi gặp ông Toàn để thẩm tra.

Sau khi cấp dưới báo cáo hồ sơ đề nghị vay vốn của Thành đã đầy đủ, ông Đức ký phê duyệt tờ trình cấp tín dụng và giải ngân cho vay mà không biết Hà Thành và đồng phạm đã giả mạo chữ ký của ông Toàn trong hồ sơ này. Ông Đức thanh minh việc ký duyệt như trên là do tin tưởng cấp dưới, mong HĐXX xem xét.

Đối chất tại tòa, bị cáo Bùi Văn Tuấn phủ nhận lời khai của cấp trên. Theo ông Tuấn, bị cáo đã báo cáo với cấp trên về việc hồ sơ đầy đủ. Sau đó, ông Đức đồng ý thì mới ký duyệt cấp tín dụng.

Cũng trong phiên xét hỏi chiều 10/3, Nguyễn Thị Hà Thành thừa nhận nhiều nội dung trong cáo trạng. Bị cáo cho rằng mình thực hiện hành vi một mình, không có sự bàn bạc với ai và một mình hưởng lợi. Hà Thành còn cho rằng cô đã trả cho ông Đặng Nghĩa Toàn tổng số tiền lãi gần 35 tỷ đồng.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Nhiều người khai giúp Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

Nguyễn Thanh Tùng giúp sức cho Thành chiếm đoạt của các ngân hàng NCB, PVC và VAB tổng số tiền hơn 271 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tùng nói anh ta không được hưởng lợi gì.

Nhiều sai phạm tại dự án khách sạn 5 sao Mường Thanh Cà Mau

Thanh tra Chính phủ xác định dự án trung tâm thương mại - khách sạn Mường Thanh Cà Mau có nhiều vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, chứng chỉ quy hoạch, xây dựng.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm