Viện kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSND tối cao) vừa tống đạt cáo trạng đến 24 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Minh Hải.
Vi phạm quy định về thẩm định hồ sơ vay vốn
Theo đó, trước năm 2009, hoạt động cho vay tín dụng xuất khẩu của đơn vị này đã có dấu hiệu mất an toàn nguồn vốn.
Các doanh nghiệp vay tiền để kinh doanh xuất khẩu nhưng lại sử dụng sai mục đích, mua sắm tài sản, đất đai, xây nhà xưởng… dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Công ty Nhật Đức - một trong 7 doanh nghiệp chiếm đoạt của VDB Minh Hải trên 1.000 tỷ đồng. Ảnh: CTV. |
Đầu năm 2010, VDB Việt Nam kiểm tra, phát hiện dư nợ tại VDB Minh Hải hơn 1.100 tỷ đồng nhưng nợ quá hạn đến 1.055,5 tỷ. Nguyên nhân nợ quá hạn và nợ xấu xảy ra do sai phạm trong hoạt động cho vay tại đơn vị.
Khi công an vào cuộc điều tra đã phát hiện: Trong quá trình cho vay, lãnh đạo và cán bộ VDB Minh Hải buông lỏng quản lý, thực hiện không đầy đủ các quy trình theo quy định, nhất là đối với các doanh nghiệp có dư nợ quá hạn, kinh doanh thua lỗ.
Họ đã không thực hiện đúng chỉ đạo của nghiệp vụ của VDB Việt Nam, tiếp tục cho vay để xảy ra dư nợ quá hạn. Lãnh đạo VDB Minh Hải cũng được cho là vi phạm quy định về thẩm định hồ sơ vay vốn, không kiểm tra, đối chiếu nên không phát hiện doanh nghiệp lập khống báo cáo tài chính.
Sai phạm lớn nhất là ông Trịnh Tuấn Mẫn (61 tuổi, Giám đốc VDB Minh Hải từ khi thành lập đến tháng 2/2011). Bị can này bị cáo buộc không chỉ đạo, yêu cầu phòng tín dụng xuất nhập khẩu thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật như thẩm định, kiểm tra tình hình tài chính, khả năng sản xuất kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp xin vay vốn.
Khi giải ngân, ông Mẫn không thực hiện việc đưa vốn vào tài khoản người hưởng thụ là bên doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu mà chủ yếu giải ngân vào tài khoản công ty vay vốn.
Ở khâu này, ông Mẫn khai chỉ căn cứ vào bảng kê của doanh nghiệp, không kiểm tra, đối chiếu chứng từ gốc. Một số trường hợp doanh nghiệp không hoàn chứng từ tạm ứng hoặc hoàn không đúng thời hạn ghi trên khế ước nhận nợ nhưng vẫn được giải ngân.
Cáo trạng nêu ông Mẫm biết rõ việc cho các doanh nghiệp vay vốn là trái quy định của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB Việt Nam) và Chính phủ nhưng vì nhằm bảo đảm không phát sinh tại nợ quá hạn nên ông tiếp tục duyệt và giải ngân.
Ngoài ra, việc phân bổ hạn mức cho vay từng giai đoạn đối với doanh nghiệp cũng được ông Mẫn chủ trương.
Trong gần 3 năm làm lãnh đạo VDB Minh Hải, ông Mẫn ký 70 hồ sơ thẩm định cho vay trên 376 tỷ đồng, ký 90 hợp đồng tín dụng xuất khẩu cho vay gần 672 tỷ (ký 61 hồ sơ giải ngân 240 tỷ đồng).
Đối với Vũ Văn Hoan (52 tuổi, nguyên Phó giám đốc), ông Hoan được giao tham mưu cho giám đốc ký duyệt các hồ sơ cho vay khi cấp phòng trình lên. Tuy nhiên, ông không chỉ đạo cấp dưới thẩm định tình hình tài chính, phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Cán bộ này đã ký duyệt 28 hồ sơ thẩm định với số tiền 317 tỷ đồng, ký 143 hồ sơ giải ngân 484 tỷ. Theo ông Hoan, hành vi sai phạm của ông ta là do có sự chỉ đạo của giám đốc.
Đối với ông Phan Thanh Bình, bị can 62 tuổi này làm Phó giám đốc VDB Minh Hải từ tháng 2-12/2011. Sau đó, làm giám đốc đến tháng 9/2014.
Trong thời gian này, hai công ty là Nhật Đức do ông Huỳnh Minh Trung làm Giám đốc và Đại Dương (ông Nguyễn Hữu Thành làm Tổng giám đốc) được cho là đã "qua mặt" Bình khi lập hồ sơ không trung thực để vay vốn. Trong đó, ông Bình ký 9 tờ trình duyệt cho Công ty Nhật Đức vay vốn (41,8 tỷ đồng), 8 hợp đồng tín dụng với số tiền cho vay và giải ngân là 32,6 tỷ đồng. Đến nay, các hợp đồng này còn dư nợ gốc là 36,5 tỷ đồng.
Còn Công ty Đại Dương, ông Bình ký 2 hợp đồng tín dụng với số tiền giải ngân 8,5 tỷ đồng. Các hợp đồng này đã trả xong nợ gốc, chỉ còn nợ lãi trên 7,1 tỷ đồng.
8 bị can gây thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng
Từ những chứng cứ trên, VKSND tối cao cáo buộc các ông Mẫn, Hoan, Bình cùng 5 thuộc cấp (Huỳnh Quang Xuân, Hà Bình – cùng là nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất nhập khẩu và 3 phó phòng Phan Văn Toàn, Phan Thanh Hải, Trần Kỳ Oanh) đã vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng.
Hậu quả mà 8 bị can tại VDB Minh Hải gây ra đã làm thiệt hại của đơn vị hơn 1.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 713,7 tỷ đồng, lãi 629,7 tỷ đồng.
Tháng 2/2016, VDB Việt Nam có công văn đề nghị Thủ tướng phê duyệt đề án xử lý nợ xấu. Từ đó, VDB sẽ xóa lãi phạt cho các doanh nghiệp Ngọc Sinh, Việt Hải, Minh Châu, Đại Dương, Nam Thành, Nhật Đức với số tiền 337,1 tỷ đồng. Từ đó, số tiền 7 doanh nghiệp này được cho là chiếm đoạt của VDB giảm xuống hơn 1.000 tỷ đồng.
Với cáo buộc trên, 16 bị can làm việc tại các doanh nghiệp bị VKSND tối cao truy tố theo Điểm a, Khoản 4, Điều 139 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có mức phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Đối với 8 nguyên cán bộ VDB Minh Hại bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng, mức phạt tù từ 10-20 năm.