Trời lạnh, thời tiết "sụt sùi" nhưng tâm trạng của phạm nhân Vũ Đình Hiển (32 tuổi, quê Nam Định) đang thụ án ở trại giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an) rất phấn chấn. Anh Hiển háo hức vì sắp được gặp vợ trong căn buồng hạnh phúc của phân trại số 1.
Căn buồng ấy chỉ hơn 10 m2, đủ kê chiếc giường nhỏ, bộ bàn ghế nhưng rất ấm áp. Bình hoa tươi, gấu bông khiến anh Hiển nhớ đến ngôi nhà nhỏ tràn ngập tiếng con thơ của mình.
Người đàn ông này tâm sự, đoàn tụ với vợ trong căn buồng hạnh phúc là phần thưởng mà phạm nhân nào cũng mơ ước. "Tôi đã nỗ lực cải tạo, vượt qua chính mình để đạt được thành tích tốt, để được gặp vợ trong căn buồng ấy".
Chút thời gian ít ỏi, họ hàn huyên đủ chuyện. Anh Hiển bảo, đó là những quãng thời gian hạnh phúc đối với một phạm nhân như anh.
Vợ chồng anh Hiển gặp gỡ trong căn buồng hạnh phúc. Ảnh: Ng.Tuấn |
Kể lại chuyện buồn gần 10 năm trước, anh Hiển tỏ ra lúng túng vì chẳng muốn nhắc lại quá khứ xấu hổ. Phạm nhân này thụ án về tội Hiếp dâm trẻ em và phải lĩnh án 20 năm tù.
Phạm nhân này nói, thật lòng, trả án về tội này tự ti lắm. Ngày đầu nhập trại, anh bị bạn tù xa lánh, khinh bỉ. Bản thân Hiển chẳng dám nhìn thẳng, anh thu mình và né tránh những cuộc trò chuyện.
Cay đắng hơn khi anh biết rằng, ngoài kia, ở nhà, vợ anh còn trăm bề cay đắng. Chị Bùi Thị H., vợ anh Hiển, chịu gánh nặng con cái, còn phải "ngậm bồ hòn" vì cái tiếng xấu của chồng.
Như lời anh Hiển, lúc anh bị bắt, cậu con trai đầu mới 2 tuổi, chị H. thì đang mang thai đứa thứ hai. "Có lúc tôi đã muốn buông xuôi, song nghĩ đến con, đến vợ, tôi lại gắng gượng. Cuộc đời phía trước còn dài, bọn trẻ cần một người bố", anh Hiển cất giọng chua chát.
Bản thân xác định rõ ràng, lại được vợ và cán bộ trại giam phân tích, động viên, anh Hiển toàn tâm cải tạo. Anh hy vọng, quãng thời gian 20 năm sẽ được rút ngắn.
Nhắc đến vợ, anh Hiển cảm thấy mình vẫn may mắn khi được chị H. tha thứ và hết lòng yêu thương dù chồng từng phản bội lòng tin của mình. Từ khi bị bắt cho đến lúc thụ án, chị luôn bên cạnh, động viên tinh thần và không bỏ rơi chồng.
Ở nhà, chị nặng gánh 2 con, lại là trụ cột gia đình, anh Hiển thấu hiểu nỗi vất vả của vợ. Nhưng chưa lần nào chị than thở, bất mãn với chồng.
Càng nghĩ về nỗi vất vả của vợ, Hiển thêm quyết tâm làm lại. Được đánh giá là nổi trội hơn các bạn tù, thành tích cải tạo của anh luôn được xếp loại khá và đủ điều kiện được gặp vợ hàng tháng ở căn buồng hạnh phúc.
Trong khi chồng ngồi chờ, chị H. làm các thủ tục giấy tờ để vào thăm chồng. Gặp anh Hiển lần này, chị dắt theo cả 2 đứa con trai (đứa lớn 11 tuổi, nhỏ 8 tuổi) và người mẹ già.
Chị H. tâm sự, lần nào gặp chồng chị cũng thấy hồi hộp. Đêm hôm trước, chị khó ngủ nên dậy rất sớm. Lọ mọ chuẩn bị đồ và những vật dụng cho anh Hiển, lòng chị vui như mở cờ.
"Tôi không nhớ bao lần được trại tạo điều kiện để gặp chồng nhưng lần nào cũng mong ngóng", chị H tỏ rõ lòng cảm ơn với Ban giám thị trại giam. Từ những cuộc "hẹn hò" xúc động ấy, vợ chồng chị H. vượt qua chặng đường khó khăn 9 năm qua.
Lần gặp này cũng như những buổi trước đó, chị H. luôn động viên chồng. Chị nói, cuộc đời khó ai tránh khỏi sai lầm. Điều quan trọng là người đó biết sửa chữa và chuộc lỗi.
"Dù cuộc sống có vất vả và khó khăn hơn xưa gấp nhiều lần nhưng em tin, chúng ta sẽ vượt qua. Anh tập trung cải tạo để sớm trở về với các con", chị H. nhỏ to với anh Hiển.
Chia sẻ với chúng tôi, chị H. giãi bày, chị muốn những cái Tết sẽ nhanh qua và chị từng ngày đếm ngược thời gian. Người phụ nữ này rưng rưng khi kể về một người chồng chịu khó. Anh Hiển từng là thợ xây. Từ những chuyến đi làm ăn đây đó, anh kiếm được và vợ chồng có "đồng ra, đồng vào".
Cuộc sống của hai vợ chồng vẫn mặn nồng. Nhưng từ khi chị có bầu thì chuyện gần gũi khó khăn hơn. Trong thời gian đó, anh Hiển đã làm chuyện trái quấy rồi vướng vào lao lý. Không chỗ nương tựa, chị dắt con về tá túc ở quê ngoại, Thái Nguyên.
Thời gian đầu, anh Hiển nhập trại, chị cũng giận lắm. Song nghĩ đến con nhỏ, chị đã gạt bỏ sự tự ái và tha thứ cho chồng.
Vừa gặp chồng, chị nắm tay, tựa vào vai chồng. Chị thao thao kể mọi chuyện, từ việc đồng áng đến chuyện học hành của hai đứa con. Một tiếng dành cho hai vợ chồng trôi qua quá nhanh. Lúc ra về, họ bịn rịn, nước mắt chị ngắn dài. Anh Hiển ôm lấy vợ, đưa đôi tay vụng về lau nước mắt cho vợ.
Vợ chồng anh Hiển chỉ là một trong số hàng trăm cặp vợ chồng khác được Ban giám thị trại giam Phú Sơn tạo điều kiện được gặp gỡ trong căn buồng hạnh phúc này. Trung tá Phạm Thanh Thủy, cán bộ phân trại số 1, cho biết, hiện có 4 căn buồng được xây dựng, với đầy đủ tiện nghi như nước, hoa quả, giải khát. Theo quy định, mỗi tháng, các phạm nhân cải tạo tốt, đạt hạnh kiểm khá trở lên có cơ hội được gặp vợ hoặc chồng.
Trung tá Phạm Thanh Thủy cho biết, buồng hạnh phúc là mô hình được thực hiện trong hầu hết các trại giam thuộc Bộ Công an. Nhiều năm quản lý căn buồng hạnh phúc này, trung tá Thủy chứng kiến niềm hạnh phúc của các cặp vợ chồng được gặp nhau và sau đó là những hiệu quả cải tạo rõ rệt.
Có những phạm nhân được gặp vợ, chồng đã được xét giảm án, đặc xá vì kết quả cải tạo tốt. "Đó cũng là cách những người quản lý phạm nhân như chúng tôi muốn gieo nhân mầm thiện với họ", trung tá Thủy chia sẻ.
Mô hình căn buồng hạnh phúc thể hiện sự nhân đạo, quan tâm của Nhà nước đối với những con người từng mắc lỗi. Sự nhân văn ấy góp phần gìn giữ hạnh phúc gia đình mỗi phạm nhân, động viên họ yên tâm cải tạo.
Nhiều phạm nhân chia sẻ, từ ngày có căn buồng hạnh phúc, họ thấy thời gian thụ án bớt dài, bớt nặng nề. Những cuộc đoàn tụ tuy ngắn ngủi với người thân đã rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian giữa trại giam và xã hội. Có phạm nhân ví, căn buồng hạnh phúc là "sợi dây thần kỳ" níu giữ, duy trì những tổ ấm.
Các phạm nhân được gần gũi chồng hoặc vợ, tâm lý được cải thiện rõ rệt. Bớt cô đơn, họ yêu đời, vui sống nên công tác cảm hóa, giáo dục cũng dễ dàng hơn. "Cách giải" này cũng hạn chế bớt tình trạng phạm nhân bỏ trốn, không có hiện tượng chèn ép, đánh cãi nhau giữa các phạm nhân.
Với mô hình căn buồng hạnh phúc, nhiều người thấy, ở nơi mà chỉ toàn những người lầm lỡ luôn có tình yêu, sự bao dung và tha thứ.