Cận cảnh tranh Mandala Phật Quan Âm bằng ngọc đá quý lớn nhất Việt Nam
Thứ sáu, 16/3/2018 16:23 (GMT+7)
16:23 16/3/2018
Bức tranh Mandala có đường kính tới 9 m được 20 cao tăng đến từ vùng Himalaya tạo tác trong 9 ngày đêm liên tục với 35 loại đá quý khác nhau.
Sáng 16/3, Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn khai mở Đại Mandala Phật Quan Âm và bức Thongdrol (Tranh cuộn) Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn
trước sự tham dự của hàng nghìn phật tử tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Bức tranh Mandala hình tròn, có đường kính 9 m. Thông thường, các bức tranh Mandala của Phật giáo Kim cương thừa chỉ có đường kính 2 m, tối đa 5 m.
20 vị cao tăng đã làm việc liên tục trong 9 ngày đêm để tạo nên bức Mandala này. Đầu tiên, thiết kế Mandala được vẽ trên nền bằng cách sử dụng thước kẻ, compa, bút mực. Sau khi hoàn tất sơ đồ, trong những ngày tiếp theo, chư Tăng công phu đổ hàng triệu hạt ngọc và đá quý vào đúng vị trí tương ứng.
Bức tranh Mandala Phật Quan Âm làm từ 35 loại ngọc, đá quý, đá bán quý được nghiền nhỏ như ngọc bích, hồng ngọc, thạch anh, aven, lapis lazuli…
Trong buổi lễ, Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn đã đi vòng quanh bức tranh Mandala để mang đến sự gia trì của Đức Phật Quan Âm.
Sáng 16/3, ông Thang Văn Phúc, Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao kỷ lục tranh Đại Mandala ngọc đá quý Phật Quan Âm.
Chia sẻ với Zing.vn về bức tranh, ông Phúc cho biết đây là một công trình không chỉ có giá trị tâm linh mà còn mang giá trị nghệ thuật văn hóa mang tư tưởng của Phật giáo Kim Cương thừa, đó là tình thương yêu, những giá trị nhân văn cao đẹp. Đó cũng là truyền thống tình người, yêu hòa bình thấm đẫm trong tư tưởng của người dân Việt Nam trong suốt hành trình lịch sử của mình. Đây là điểm tương đồng giữa những giáo lý của đạo Phật với tư tưởng của
dân tộc Việt.
Sau khi buổi lễ kết thúc, hàng nghìn người đã đi vòng quanh bức tranh và đến gần để chiêm ngưỡng.
Dù tốn nhiều công phu để làm nên bức tranh nhưng chư tăng ni đại bảo tháp Tây Thiên chỉ giữ lại vài ngày. Sau đó, những hạt đá quý sẽ được chuyển vào bình, bọc bằng lụa rồi thả trôi trên sông và chia cho đại chúng.
Bên cạnh bức tranh Mandala Phật Quan Âm, các phật tử còn được chiêm ngưỡng bức Thongdrol (Tranh cuộn) Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn thêu trên gấm.
Trong buổi lễ, chư ni tự viện Amitabha, Nepal nhảy vũ điệu cầu nguyện cát tường để mang đến sự gia trì cho đại chúng. Đây là vũ điệu do chư Dakini truyền dạy từ hàng nghìn năm trước.
Cụ Lê Sinh (81 tuổi) đã đi bộ 3 km từ 4h sáng để được chứng kiến bức tranh Mandala Phật Quan Âm. Mỗi khi Đức Pháp Vương sang Việt Nam, cụ đều chống gậy đi và ở lại tu tập.
Bậc lãnh tụ tâm linh đã khởi xướng nhiều dự án và chương trình hành động nhân đạo vì một thế giới hòa bình, yêu thương, hòa hợp và an lạc tại nhiều nước trên thế giới các năm qua.