Liên quan việc Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) phạt 200.000 đồng đối với ông Đỗ Mạnh Hùng (37 tuổi) do ép cô gái 20 tuổi để ôm hôn, sàm sỡ trong thang máy, nhiều chuyên gia pháp lý đồng quan điểm cho rằng chế tài xử lý quá nhẹ.
"Cần nâng mức xử phạt hành chính hành vi quấy rối tình dục thông qua việc sửa Nghị định hoặc nghiên cứu, xem xét dâm ô người lớn cũng là một loại tội phạm", ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự (TAND Tối cao) đề xuất.
Phạt 200.000 cũng như không
Ông Quế cho biết thêm, cơ quan công an xử phạt người sàm sỡ cô gái là căn cứ Nghị định 167. Trong đó, mức kịch khung cho hành vi này là 300.000 đồng.
Ông nói, Đỗ Mạnh Hùng bị phạt 200.000 đồng có thể do anh ta có "tình tiết giảm nhẹ" như vi phạm lần đầu, nhân thân chưa từng bị xử lý... "Xử phạt hành chính như vậy là hơi nhẹ, phạt thế cũng như không nhưng có thể coi đó là một tiền sự", ông Quế nhận định.
Hình ảnh Đỗ Mạnh Hùng ép cô gái để hôn trong thang máy. Ảnh: VTC News. |
Theo nguyên chánh án, luật hình sự hiện không đưa hành vi quấy rối tình dục vào các điều khoản để quy tội. Cơ quan chức năng xử lý người có hành vi này chỉ căn cứ vào Nghị định 167.
"Tôi cho rằng cần tăng mức xử phạt hành chính, luật hiện hành khó có thể đưa vào xử lý hình sự đối với hành vi này nếu nạn nhân trên 16 tuổi", ông Quế nêu quan điểm và giải thích, với bị hại dưới độ tuổi đó, người quấy rối sẽ bị truy cứu hình sự tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Ông cho rằng, cơ quan chức năng cần nâng mức xử phạt hành chính hành vi quấy rối tình dục thông qua việc sửa Nghị định nhằm đủ sức răn đe, hoặc nghiên cứu, xem xét dâm ô người lớn (từ đủ 16 tuổi) cũng là một loại tội phạm.
Cần xử lý hình sự
Đồng tình quan điểm trên, thạc sĩ Trần Thanh Thảo - Giảng viên Khoa Luật hình sự, Đại học Luật TP.HCM - cho hay, Bộ luật Hình sự 2015 chưa đề cập xử lý hành vi hôn hít, sờ mó người trên 16 tuổi.
"Quy định như vậy là một sai sót và rất bất cập", nam giảng viên nói và nhấn mạnh, nhiều quốc gia trên thế giới xử lý hình sự mọi hành vi quấy rối tình dục nạn nhân gồm cả trẻ em lẫn người lớn.
Một số nước khác quy định rõ các loại tội danh quấy rối tình dục khi không được nạn nhân cho phép. Họ cũng không phân biệt độ tuổi của bị hại.
Ở Việt Nam, Nghị định 167 hiện quy định mức xử phạt hành chính quá nhẹ, từ 100.000 đến 300.000 đồng. Người có hành vi quấy rối tình dục cũng không bị coi là tội phạm.
Từ vụ việc xảy ra trong thang máy chung cư Golden Palm, thạc sĩ Thảo kiến nghị, cần nghiên cứu chế tài xử lý hành vi quấy rối tình dục ở mức cao hơn mức hiện hành, như một số quốc gia đã áp dụng.
Bên cạnh đó, nếu hành vi quấy rối xâm hại trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của bị hại mà bị phạt hành chính thì cần tăng mức tiền phạt.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng nên hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục. Ảnh: NVCC. |
Quấy rối tình dục là hành vi nguy hiểm
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích, trường hợp công an xác minh được hành vi ôm hôn, sàm sỡ cô gái bị phát tán rộng rãi khiến nạn nhân sang chấn tâm lý, cảm thấy nhục nhã và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tâm lý thì có thể xử lý Đỗ Mạnh Hùng về tội Làm nhục người khác, quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự.
Theo luật gia, quấy rối tình dục có tính chất nguy hiểm cao hơn rất nhiều so với việc dùng lời nói trêu đùa, chọc ghẹo người khác. Quấy rối tình dục có thể hiểu là những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác nhằm thỏa mãn tính dục.
Quấy rối người khác bằng hành động ôm hôn, sàm sỡ các bộ phận nhạy cảm của đối phương có thể làm tiền đề dẫn đến những hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm, cố ý gây thương tích hay cướp tài sản. Như vậy là đã xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
Luật sư đề xuất cần có chế tài riêng trong việc xử lý hành quấy rối tình dục. Thậm chí, có thể hình sự hóa một số yếu tố, hành vi dẫn đến quấy rối tình dục để chuyển hóa thành tội phạm.