Liên quan vụ gian lận điểm thi THPT 2018, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, nhận định Bộ GD&ĐT có lỗi không nhỏ khi để nhiều lỗ hổng ở khâu kỹ thuật trong kỳ thi, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Ông cũng đặt câu hỏi với cơ quan chức năng rằng vì sao đến hiện tại chưa công khai thông tin những phụ huynh đã can thiệp để nâng điểm cho con mình.
Tại sao không công bố tên phụ huynh mua điểm cho con?
Gần đây, nhiều ý kiến tranh cãi về việc có nên hay không công bố danh tính của những thí sinh được nâng điểm thi THTP quốc gia 2018, mà nhiều em trong số đó đã trúng tuyển vào các trường đại học danh tiếng. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Theo tôi, chúng ta có thể không công bố thông tin về những thí sinh được nâng điểm thi nhưng phải công bố danh tính những người đứng đằng sau chỉ đạo nâng điểm thi cho con, cháu mình.
Không công bố những phụ huynh tham gia vào việc gian lận điểm là đi ngược chủ trương về chống tham nhũng hiện nay. Bất kỳ ai đã tham gia trái phép vào việc này đều vi phạm luật hình sự, là dùng ảnh hưởng của mình làm sai lệch kết quả thi, để trục lợi. Vì vậy, việc công bố danh tính phụ huynh sai phạm là phải làm, cũng như phải xử lý hình sự để giữ được kỷ cương phép nước.
Nhiều trường đại học lớn ở Hà Nội xử lý các thí sinh gian lận điểm thi nhưng danh tính phụ huynh can thiệp điểm cho con vẫn chưa được công khai. Ảnh minh họa: Nguyễn Sương. |
- Đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa công bố thông tin liên quan những phụ huynh đứng đằng sau vụ việc gian lận điểm thi, ông nhận định vì sao?
- Tại sao phải ngại công bố danh tính người tham gia một khi đã điều tra, kết luận được kẻ nhận và đưa hối lộ; trừ khi chưa làm rõ thì điều tra tiếp. Nếu đó là quan chức, cán bộ đứng đầu các ban, ngành tại địa phương, việc công khai càng cần thiết.
Không loại trừ khả năng những người này "gieo hạt giống tham nhũng". Họ đã quên giáo dục con cái đứng trên đôi chân của chính mình, tiếp nối truyền thống của các bậc tiền nhân. Họ cũng không còn đủ tư cách nêu gương cho gia đình và xã hội.
Làm việc này nghiêm túc, người dân sẽ vững niềm tin hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Do đó, cơ quan điều tra phải công bố danh tính những người này càng sớm càng tốt, loại bỏ cán bộ không giữ được phẩm chất trong sạch. Chỉ một việc thi cử như vậy đã không giữ được bản thân thì hỏi sao giữ được các trọng trách mà Đảng và nhân dân giao cho.
- Dư luận đặt nghi vấn những người nâng điểm cho con cháu mình hiện là lãnh đạo các phòng, sở GD&ĐT ở địa phương. Theo ông, Bộ GD&ĐT có nên xử lý những cán bộ trong ngành liên quan vụ việc?
- Nếu những người vi phạm làm trong ngành giáo dục, bộ cần có thái độ dứt khoát, chỉ đạo UBND các tỉnh và sở GD&ĐT cho ra khỏi ngành và xử theo luật pháp, vì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái pháp luật.
Không thể có chuyện bao che. Bao che là dung túng cho cái xấu lộng hành và lại có nguy cơ gian lận ở kỳ thi 2019. Hiện vẫn chưa lấy gì đảm bảo tuyệt đối an toàn cho kỳ thi tới nếu người nào đó rắp tâm gian lận.
"Bộ GD&ĐT có lỗi không nhỏ"
Có thời gian công tác trong ngành giáo dục, ông chứng kiến những vụ việc gian lận thi cử nào và bị xử lý ra sao?
Nếu những người vi phạm làm trong ngành giáo dục, bộ cần có thái độ dứt khoát, chỉ đạo UBND các tỉnh và sở GD&ĐT cho ra khỏi ngành và xử theo luật pháp, vì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái pháp luật
TS Hoàng Ngọc Vinh
- Có trường hợp ở ĐH Nông nghiệp I, khi Trưởng tiểu ban Toán thi nghiên cứu sinh cho một người toàn bộ đề và đáp án. Thí sinh này đem bán cho một số bạn khác. Sau đó, giảng viên bị đình chỉ dạy học một năm và phải làm công việc khác.
Ngành giáo dục còn biết đến vụ hàng chục giảng viên ĐH Thương mại vi phạm quy chế tuyển sinh. Nhưng chủ tịch hội đồng thi sau đó còn được đề cử lên thứ trưởng GD&ĐT.
Có lẽ, một số trường hợp gian lận thi cử trước đây không được xử lý nghiêm dẫn đến những hệ lụy như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Nhưng, lỗi của Bộ GD&ĐT trong vụ gian lận điểm thi THTP quốc gia 2018 không hề nhỏ. Những sơ sót trong khâu kỹ thuật khiến nhiều người có thể gian lận quá dễ dàng.
- Theo ông, việc xử lý những thí sinh liên quan gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La nên được xử lý như thế nào? Hiện nay, một số sinh viên dù được xác định liên quan gian lận, vẫn được học đại học vì chưa có căn cứ xử lý?
- Những em được nâng điểm thi, theo tôi, nên đuổi học, hủy kết quả và nên mở đường cho các em, coi đây là bài học. Muốn thành công trong cuộc đời phải tự lực phấn đấu chứ không thể dựa vào quyền thế của bố mẹ.
Bộ GD&ĐT đang gặp lúng túng khi xử lý một số sinh viên trúng tuyển. Vấn đề không phải quy chế chưa quy định, vì trong thực tế luật pháp và quy định không thể ngăn ngừa được hết các tình huống. Nhưng nếu thấy hành vi gian lận điểm thi gây nguy hại đến tính nghiêm túc của kỳ thi năm tới, nên cho nghỉ học, hủy kết quả.
TS Hoàng Ngọc Vinh ủng hộ việc công khai danh tính và xử lý thật mạnh những phụ huynh đã can thiệp vào điểm thi của con mình. Ảnh: NVCC. |
Dù ai can thiệp vào điểm đi nữa, hành vi gian lận này đã thực hiện và bằng chứng sửa điểm rõ ràng. Muốn đổi mới giáo dục rất cần sự trung thực đặt lên hàng đầu.
Quy chế chưa đề cập nhưng vi phạm là phụ huynh gây ra. Nếu phụ huynh không cho họ và tên, số báo danh con mình, làm sao cán bộ biết ai mà sửa.
Sự răn đe quan trọng hơn nhiều đối với các phụ huynh cậy chức quyền, lắm tiền nhiều của. Quy chế chỉ cần bổ sung mọi hành vi gian lận trong thi cử đều bị xử lý loại bỏ kết quả là đủ.