Năm 2018, đại án gian lận ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình khiến dư luận lo ngại về an ninh của kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Năm nay, để khắc phục, Bộ GD&ĐT đưa ra hàng loạt biện pháp, trong đó có tăng cường lực lượng an ninh, lắp camera giám sát 24/24 và giao cho trường đại học chấm thi trắc nghiệm.
Siết chặt an ninh kỳ thi
Bộ GD&ĐT quy định khu vực bảo quản đề thi, bài thi phải có lực lượng công an trực 24 giờ/ngày, đồng thời có camera giám sát hoạt động liên tục.
Ngoài ra, một cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) trực đêm tại phòng trong thời gian lưu giữ đề, bài thi.
Sau gian lận thi cử năm 2018, Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều biện pháp nhằm siết chặt an ninh, đảm bảo kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra an toàn, nghiêm túc. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Việc đóng, mở phòng chứa bài thi, chấm thi, tủ hoặc vật dụng chấm phải có sự chứng kiến của công an và thanh tra. Bộ cũng giao các trường đại học, cao đẳng chủ trì chấm trắc nghiệm tại hội đồng thi. Các khâu từ quét dữ liệu hình ảnh đến sao lưu đều được quy định chặt chẽ, cụ thể.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT - cho biết bộ đã sửa đổi phần mềm, quy trình chấm thi trắc nghiệm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra để việc chấm diễn ra đúng quy chế, an toàn, nghiêm túc, loại trừ tiêu cực.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra thi với nhiều điểm mới. 8 đoàn kiểm tra đến trực tiếp các địa phương, nhất là vùng khó khăn, kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo cụ thể, từ đó rút ra vấn đề chung toàn ngành.
Các đoàn của bộ thực hiện thanh tra trong cả quá trình chuẩn bị, coi thi và chấm thi. Đến nay, công tác chuẩn bị tại hầu hết địa phương đã hoàn tất.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, cho rằng không thể khẳng định không còn tiêu cực nhưng chắc chắn tình trạng gian lận thi cử sẽ không nghiêm trọng.
Theo TS Tùng, vấn đề nằm ở con người và sự kiểm soát lẫn nhau. Năm ngoái, an ninh chủ yếu dựa vào địa phương và vai trò giám sát của cán bộ không phải người địa phương không mạnh. Năm nay, các trường đại học tham gia giám sát, chấm thi nên đảm bảo hơn.
Ngoài ra, bài học từ các vụ gian lận năm ngoái sẽ hạn chế tiêu cực khi phụ huynh và cán bộ không dám “liều” gian lận điểm.
“Quan trọng là con người. Nếu cán bộ an ninh, chấm thi, hội đồng, lãnh đạo cấu kết với nhau, việc có lỗ hổng hay không chẳng có ý nghĩa gì”, ông Tùng nêu quan điểm.
Ngăn chặn gian lận bằng thiết bị công nghệ cao
Cũng theo TS Lê Trường Tùng, khâu coi thi cần được siết chặt hơn nữa. Các năm trước, khâu này được thực hiện tốt. Hơn nữa, trong phòng thi, mỗi thí sinh một đề nên tình trạng quay cóp khó xảy ra.
Ông Tùng lưu ý việc gian lận bằng thiết bị công nghệ cao như máy chuyển phát mini, tai nghe siêu nhỏ.
Hình ảnh thiết bị gian lận tinh vi do Công an thành phố Hà Nội cung cấp. |
Trên thực tế, đây cũng là vấn đề được Bộ GD&ĐT lưu ý trong các kỳ thi qua. Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng từng thừa nhận việc chống gian lận thi cử cần được thực hiện nghiêm túc, song không đặt mục tiêu xóa bỏ, vì trong thời đại công nghệ thông tin, kỹ thuật cao như hiện nay, khó xác định có bao nhiêu loại thiết bị.
Trước mỗi mùa thi THPT quốc gia, công an nhiều lần triệt phá đường dây cung cấp các thiết bị công nghệ phục vụ gian lận thi cử. Chúng đều rất tinh vi, được ngụy trang bằng nhiều cách, đặc biệt camera, máy ghi âm, ghi hình giấu trong máy tính (vật dụng được mang vào phòng thi đối với một số môn). Ngoài ra, một số thiết bị ngụy trang thành thẻ ATM hoặc tai nghe không dây rất nhỏ.
Năm 2017, thanh tra bộ thậm chí phát hiện trường hợp thí sinh sử dụng tai nghe nhỏ như hạt đậu gắn trong tai, phải dùng nam châm hút ra.
Cận kề ngày thi, thị trường “đen” chuyên bán thiết bị gian lận thi hoạt động sôi nổi. Các thiết bị được cải tiến nhằm qua mắt giám thị, thanh tra khiến việc đảm bảo công bằng cho kỳ thi càng khó khăn.
Vì thế, ông Lê Trường Tùng cho rằng cần tập trung hơn vào khâu coi thi nghiêm túc, đặc biệt lưu ý các thiết bị công nghệ cao và có thể học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc - nước ứng dụng tốt các biện pháp chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi đại học vừa qua.