Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần có hành lang pháp lý công nhận kết quả học qua truyền hình

Nhiều địa phương triển khai học trực tuyến, qua truyền hình, tuy nhiên vẫn chưa thống nhất về nội dung, cần một hành lang pháp lý chung từ Bộ GD&ĐT.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đại dịch Covid-19 không thể kết thúc trong 1- 2 ngày và các địa phương cũng không thể quyết định cho học sinh nghỉ học mãi được. Bài toán đặt ra đối với giáo dục Việt Nam hiện nay là sớm có được giải pháp vĩ mô nhằm ứng phó với những diễn biến xấu của dịch bệnh.

PGS Nhĩ cho rằng dù là giải pháp nào cũng đều phải đảm bảo ba yếu tố: Một là không yêu cầu nhà trường phải ngừng hoạt động; hai là không yêu cầu tập trung đông học sinh, sinh viên để tránh dịch bệnh nguy cơ lây lan; ba là việc truyền thụ kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ không bị gián đoạn. Và việc học trực tuyến, học qua truyền hình đang đáp ứng đủ ba yêu cầu trên.

“Chúng ta có cả một mạng lưới vô tuyến riêng của 63 tỉnh, thành phố, rồi các kênh thông tấn của Trung ương… một điều kiện quá tốt để xây dựng, phát sóng và thống nhất kiến thức đến học sinh”, ông Nhĩ nói.

day hoc truc tuyen anh 1

Bộ GD&ĐT nên sớm công nhận và hướng dẫn phương thức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình. Ảnh: VTC News.

Tương tự, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho biết Bộ GD&ĐT cần đẩy nhanh việc nghiên cứu hành lang pháp lý để công nhận kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình. Các địa phương dù đang triển khai mạnh mẽ nhưng vẫn còn dè chừng vì chưa có sự thống nhất, hướng dẫn về mặt nội dung cụ thể.

"Việc nghỉ học dài ngày sẽ để lại những hệ lụy lớn đến học sinh THPT, THCS, đặc biệt là lớp 9 và lớp 12 chuẩn bị bước chuyển cấp. Bộ nên hướng dẫn tích cực hơn nữa về mặt nội dung kiến thức để các em yên tâm học tập", GS Quân nói.

GS Quân cho rằng địa phương nào dạy học trực tuyến, trên truyền hình tốt, Bộ GD&ĐT nên có các tiêu chí để đánh giá và công nhận. Những nơi chưa có điều kiện thì cũng nên hướng dẫn tổ chức các phương pháp dạy học phù hợp, không làm gián đoạn kiến thức, kết hợp với các hình thức kiểm soát, đánh giá học sinh gián tiếp theo từng trường, từng lớp.

Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, cho biết trước hết, Bộ GD&ĐT nên làm rõ các khái niệm giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến, E-learning là thế nào, yêu cầu mỗi phương thức xa ra sao?.

Lấy đó là căn cứ để các địa phương thực hiện. Tiến tới đây cũng nên đưa giáo dục trực tuyến, dạy qua truyền hình nhiều hơn tới học sinh, coi đó là phưong pháp bổ trợ giáo dục trực tiếp. Nếu chúng ta dạy học trực tuyến, việc học trên lớp sẽ bổ sung những gì mà lớp học online chưa thực hiện, chúng bổ trợ để không mất nhiều thời gian học bù cho các em.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, cho biết trong giai đoạn này các trường không nên đặt quá cao mục tiêu chất lượng trong đợt dạy trực tuyến này, đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Sau khi học sinh đi học trở lại, trường vẫn sẽ tổ chức thời gian dạy bù, ôn luyện để bù đắp phần còn thiếu hụt cho học sinh, miễn sao đảm bảo chương trình năm học đã được Bộ GD&ĐT đề ra.

Theo ghi nhận, các địa phương và trường đại học đang đồng loạt cho xây dựng và triển khai phương thức học này tới học sinh, sinh viên.

Thừa Thiên Huế đã chuẩn bị triển khai dạy trên truyền hình với khối 12 từ ngày 16/3; khối 9 từ ngày 23/3. Mỗi tuần học sinh sẽ học từ thứ 2 đến thứ 6, buổi sáng từ 8h đến 10h, buổi chiều từ 14h đến 16h.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, chương trình học trên truyền hình mang tính bắt buộc, 100% học sinh ở hai khối trên phải tham gia bởi khi các em đi học trở lại, các trường học sẽ dạy tiếp chương trình, không dạy bù và dành thời gian ngắn để ôn tập lại kiến thức cũ để các em bắt kịp.

Tất nhiên không loại trừ một số em không tham gia được các bài học trên truyền hình. Sau khi đi học trở lại, các trường sẽ rà soát lý do chính đáng để bồi dưỡng kiến thức cho các em, đảm bảo 100% học sinh học đúng tiến độ chung” - ông Tân cho hay.

Tương tự, tại Hà Nội, theo ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, từ ngày 9/3, sở phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố tổ chức xây dựng và ghi hình chương trình dạy học các môn của năm học 2019- 2020 cho học sinh lớp 9 và lớp 12 qua truyền hình.

Sở huy động gần 50 cán bộ, giáo viên THCS, THPT biên tập nội dung, thiết kế bài giảng đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, theo chương trình giáo dục hiện hành. Chương trình được phát sóng từ thứ 2 đến thứ 7 mỗi tuần với thời lượng 45 phút/môn học.

“Đây là các bài giảng mới, tiếp nối các bài học mà các em học trước kỳ tạm nghỉ chống dịch Covid-19 chứ không phải ôn lại các bài đã học”, ông Quang nói.

Tương tự, nhiều địa phương khác cũng gấp rút triển khai cùng lúc các phương thức học từ xa (học trực tuyến qua điện thoại, máy tính; học qua truyền hình…) như Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng…

Hàng loạt trường đại học cũng dạy học trực tuyến cho sinh viên như ĐHQuốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Hà Nội, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Đại học ở TP.HCM cho sinh viên nghỉ hè sớm tránh dịch Covid-19

Cùng 17 trường đại học và cao đẳng trên địa bàn TP.HCM, ĐH Nông Lâm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM quyết định cho sinh viên nghỉ hết tháng 3 do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

https://vtc.vn/tin-tuc-su-kien/can-co-hanh-lang-phap-ly-cong-nhan-ket-qua-hoc-qua-truyen-hinh-ar533025.html

Theo Hà Cường/ VTC News

Bạn có thể quan tâm