Thông tin trên do Bộ Công an đưa ra để đánh giá về tính bảo mật của thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử. Dự kiến, bộ sẽ cấp 50 triệu thẻ trên toàn quốc trước ngày 1/7/2021.
Theo Bộ Công an, chip sử dụng trên thẻ căn cước công dân tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam. Chip có chữ ký số, khả năng lưu trữ sinh trắc học (vân tay), thông tin cá nhân để xác thực nên rất khó làm giả.
"Chủ sở hữu mới có thể sử dụng được thẻ vì ngoài số định danh cá nhân, thẻ còn lưu thông tin cá nhân, nhận dạng nên đảm bảo độ tin cậy khi thực hiện các giao dịch", đại diện Bộ Công an nhấn mạnh.
Dự án căn cước công dân gắn chip sẽ lấy dấu vân tay theo cách mới. Ảnh: V.Đ. |
Ngoài ra, thông tin về chủ thẻ căn cước công dân gắn chip được định danh chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về việc giả mạo. Qua đó, căn cước công dân mới rất an toàn về bảo mật, đặc biệt trong các giao dịch tài chính.
Cũng theo Bộ Công an, trong quá trình đề xuất sử dụng căn cước công dân gắn chip điện tử, bộ đã có phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chip.
Phương án này đã được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào phát hành, sử dụng trên toàn quốc.
Ngày 3/9, Thủ tướng ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án căn cước công dân. Dự kiến từ ngày 1/11, Bộ Công an tổ chức lấy vân tay đồng loạt theo phương thức mới để phục vụ dự án.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết dự án căn cước công dân gắn chip có chi phí ước tính 2.800 tỷ đồng. Thẻ gắn chip điện tử tích hợp nhiều trường dữ liệu công dân như bằng lái xe, bảo hiểm hay ngân hàng.
Bộ Công an nhấn mạnh trong thời gian chờ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, người dân vẫn sử dụng chứng minh nhân dân hay căn cước công dân mã vạch cho đến khi hết thời hiệu (chứng minh nhân dân 9 số thì bắt buộc phải cấp, đổi mới).