Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần dán nhãn 18+ ‘Tiếng sét trong mưa’ vì cảnh nóng trái luân thường?

“Tiếng sét trong mưa” nhận được nhiều phản ứng tích cực của khán giả truyền hình. Tuy nhiên việc phim có những cảnh nóng gai góc cũng đặt ra vấn đề về dán nhãn cho tác phẩm.

Tiếng sét trong mưa đang là phim truyền hình được quan tâm nhất hiện nay. Sau thời gian phát sóng, phim nhận được nhiều phản hồi tích cực. Phần đông khán giả cho rằng phim kể câu chuyện chân thực, kịch tính, góp phần lột tả góc khuất trong đời sống xã hội xưa. Tuy nhiên, phim cũng ít nhiều gây tranh cãi vì có những cảnh nóng trái luân thường đạo lý.

Tieng set trong mua tranh cai anh 1
Nụ hôn cháy bỏng của chuyện tình gây tranh cãi trong Tiếng sét trong mưa.

Trong tập 36 vừa lên sóng, tình cảm giữa anh em cùng mẹ khác cha - Thanh Bình và Phượng - ngày càng nảy nở. Trong đêm mưa gió, cậu hai không kìm được cảm xúc, tìm đến gặp Phượng. Anh lao đến, hôn cô cuồng nhiệt. Cảnh phim này nhận phản ứng trái chiều từ khán giả.

Trước đó, phim cũng đã gây bàn tán vì có những cảnh nóng trái luân thường, thậm chí là những cảnh loạn luân giữa Hai Bình với mẹ kế. Mối quan hệ này thậm chí kéo dài suốt 7 năm trong chuyện phim.

Khán giả chia phe tranh cãi

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn và thành công của bộ phim trong bối cảnh phim truyền hình miền Nam bị đánh giá là ngủ đông. Tuy nhiên, việc phim có những cảnh nóng táo bạo, chuyện tình loạn luân chưa từng có trên màn ảnh cũng khiến một bộ phận khán giả phản ứng.

Trên kênh của phim, một khán giả cho rằng càng về cuối, phim càng rơi vào các mối quan hệ chồng chéo như hai anh em yêu cùng một người, anh em cùng mẹ khác cha yêu nhau, chưa kể mối quan hệ giữa mẹ kế - con chồng.

“Thú thật xem cũng hơi ghê. Đạo diễn hoàn toàn có thể có những cách xử lý khác. Tôi nghĩ không nhất thiết phải đưa những mối quan hệ đó vào, phim vẫn rất hấp dẫn và thu hút người xem”, tài khoản Minh Phúc bày tỏ.

Tuy nhiên, nhiều khán giả lại cho rằng phim đã tôn trọng kịch bản gốc, nguyên tác tác phẩm. Bởi lẽ, những tình tiết anh em loạn luân vốn có trong Lôi vũ - tác phẩm sân khấu nổi tiếng của Trung Quốc năm 1933. Do vậy, đoàn làm phim cần tôn trọng.

Nhưng Minh Huệ không đồng ý với quan điểm này. Nữ khán giả bày tỏ: “Dù nguyên tác như vậy nhưng khi làm phim truyền hình cần phải Việt hóa, phù hợp với khán giả Việt Nam, và phù hợp với sóng giờ vàng”.

"Phim được phát trên sóng giờ vàng, việc có cảnh nóng loạn luân là không phù hợp. Phim như vậy, trẻ em xem sao được, nhất là khi phim phát sóng khá sớm, hơn 8h tối”, khán giả Thảo Thư chia sẻ.

Phim nên được dán nhãn?

Vấn đề giới hạn độ tuổi đối với Tiếng sét trong mưa cũng được một số khán giả đặt ra trên mạng xã hội. Có ý kiến cho rằng, phim nên phát sóng ở khung giờ muộn hơn thay vì phát khá sớm như hiện tại, tức khung giờ vàng - 20h trên kênh Vĩnh Long. Hoặc, phim có thể dãn nhán 18+, như quy định của ngành thông tin - truyền thông.

"Không có cảnh nóng thì xem phim rất giả và không hay. Không tôn trọng bản gốc thì cũng thành dở. Nhưng nếu đã xác định phát trên sóng giờ vàng thì phim cần dán nhán, cảnh báo khán giả hoặc chuyển giờ phát sóng”, khán giả Hoài Minh nêu quan điểm.

Tieng set trong mua tranh cai anh 2
Vợ Khải Duy nảy sinh tình cảm với con riêng của chồng.

Thực tế cho thấy, phim truyền hình từ trước đến nay vẫn là tác phẩm "kết nối" gia đình. Nhiều gia đình Việt, cả trẻ lẫn già, ông bà bố mẹ con cháu có thói quen quây quần xem phim truyền hình. Sóng Vĩnh Long cũng không ngoại lệ.

Phần đông ý kiến cho rằng kịch bản của Tiếng sét trong mưa theo khá sát tác phẩm gốc nên có câu chuyện kịch tính, hấp dẫn, tình tiết dữ dội.

Đạo diễn Phương Điền vẫn giữ lại nội dung nhạy cảm như mối quan hệ loạn luân giữa mẹ kế và con chồng, hai anh em cùng mẹ khác cha yêu nhau. Nhưng câu chuyện đó chỉ chiếm một phần trong kịch bản. Và phim thu hút không phải bởi câu chuyện sóng gió ấy. Sự chân thực của câu chuyện, diễn xuất khá ấn tượng của dàn diễn viên mới làm nên thành công của phim.

Tuy nhiên, việc dán nhãn vẫn là cần thiết, ngay cả với một tác phẩm hay.

Câu chuyện từ Quỳnh búp bê

Năm 2018, Quỳnh búp bê cũng được đánh giá là bộ phim chất lượng tốt, chân thực. Tuy nhiên, phim cũng gây tranh cãi vì phát trên sóng giờ vàng VTV1 nhưng có nhiều cảnh nóng, mà không dán nhãn.

Vấn đề này sau đó được báo chí phản ảnh. Trên tinh thần cầu thị, từ tập 5 của Quỳnh búp bê, Đài truyền hình Việt Nam đã cho chạy dòng chữ: "Trong phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem".

Tieng set trong mua tranh cai anh 3
Quỳnh búp bê dán nhãn sau phản ảnh của báo chí.

Phim sau đó chuyển sang khung giờ muộn hơn trên VTV3 và vẫn tiếp tục dán nhãn. Việc dãn nhãn được đánh giá là không ảnh hưởng gì đến phim vì thực tế là Quỳnh búp bê vẫn tiếp tục gây bão, thậm chí còn tăng giá quảng cáo sau đó.

Trên truyền hình nhiều nước, các bộ phim và chương trình phát sóng đều được phân chia rất rõ ràng, chi tiết với khuyến cáo nội dung phù hợp đối tượng ở những lứa tuổi khác nhau, vừa bảo vệ được trẻ em, vừa giúp các bộ phim, chương trình đến được và phục vụ đúng đối tượng công chúng.

"Một bộ phim hay sẽ không bao giờ mất khán giả vì dãn nhãn", một khán giả truyền hình quả quyết.

Điều 16, chương V của Thông tư quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em:

1. Các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các chương trình của kênh phát thanh, kênh truyền hình; báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.

2. Việc cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức phù hợp với từng loại hình báo chí, xuất bản phẩm, bao gồm nhưng không giới hạn: âm thanh, hình ảnh, chữ viết, biểu tượng.

3. Đối với phát thanh, truyền hình, nội dung cảnh báo phải được thể hiện ngay trước khi bắt đầu phát sóng chương trình có nội dung cần cảnh báo.

4. Đối với báo in, nội dung cảnh báo phải được thể hiện ngay sát phía trên hoặc sát phía dưới tên tin, bài hoặc ngay tại vị trí đăng tin, bài. Đối với báo điện tử, nội dung cảnh báo phải được hiện lên ngay sau khi độc giả ấn chọn tin, bài và trước khi độc giả đọc được toàn bộ nội dung tin, bài.

5. Nội dung cảnh báo trên phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử phải bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết và phải thể hiện được tối thiểu một trong các khuyến cáo sau đây:

a) Nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem.

b) Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ em đọc, nghe, xem.

c) Chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem.

d) Nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 06 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 06 tuổi đến dưới 11 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 11 tuổi đến dưới 16 tuổi.

6. Đối với xuất bản phẩm dành cho trẻ em có nội dung về giáo dục giới tính; chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em phải ghi dòng chữ “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc” tại trang tên sách hoặc tại bìa 4.

'Tiếng sét trong mưa' tập 36: Bình hôn Phượng cuồng nhiệt lúc nửa đêm

Phượng càng tránh mặt, Bình càng nhớ cô hơn. Trong đêm khuya, anh đã tìm đến gặp cô. Cả hai trao nhau nụ hôn cuồng nhiệt.



Khuê Tú

Bạn có thể quan tâm