- Tại hội trường Đại hội XII, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh có một loạt đề xuất về đổi mới kinh tế với 3 trụ cột và 6 chuyển hưởng. Ở góc nhìn địa phương ông có những suy nghĩ thế nào?
- Đó là những đề xuất rất hay, đã từng có những ý kiến tương tự trước đây. Thực tế địa phương chúng tôi cũng có những áp dụng phần nào đó. Việc đổi mới đặt ra một loạt vấn đề, kể cả hệ thống pháp luật, quá trình điều hành và quyết tâm thực hiện, nhưng cụ thể thế nào, cần thêm thời gian.
Hiện nay cũng còn nhiều vấn đề chúng ta chưa rõ, kể cả về lý luận. Tôi cho rằng, chúng ta nên từ thực tiễn, từ đó đúc rút, triển khai và chỉ đạo.
Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương, Trần Văn Nam. Ảnh: Minh Quang. |
Tự chủ, đặc thù nhưng phải chặt chẽ, minh bạch
- Để đổi mới kinh tế, có ý kiến nên chăng có cởi trói chính sách để địa phương năng động, tự chủ nhiều hơn, hình thành các đặc khu kinh tế với cơ chế mở và thoáng hơn?
- Chúng tôi ủng hộ quan điểm đó nhưng phải có một cơ chế chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch. Nếu ở đâu cũng cơ chế riêng, cũng đòi đặc thù thì không được. Trước mắt phải ưu tiên một số vùng động lực. Đơn cử như chuyện đầu tư hạ tầng, vài năm nữa hạ tầng hiện nay sẽ không còn phù hợp. Muốn đầu tư phải có kinh phí và đó không phải là câu chuyện tầm địa phương.
- Bình Dương được các doanh nghiệp trong chỉ số PCI đánh giá là địa phương có lãnh đạo năng động, với nhiều chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Ông có thể nói rõ thêm?
- Đó thực sự là vấn đề rất khó nhưng Bình Dương đã kiên trì đeo đuổi. Mang tiền đi đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đến con người: đội ngũ lãnh đạo, thủ tục hành chính và bộ máy thực hiện thủ tục hành chính.
Các nhà đầu tư thường rà soát rất nhiều lần trước khi quyết định cuối cùng. Vì thế, chúng tôi phải chứng tỏ rằng tỉnh cam kết luôn bên cạnh họ, sẵn sàng chia sẻ thông tin, hỗ trợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn.
Đơn cử, vụ việc người lao động đập phá nhà xưởng hồi tháng 5/2015. Bình Dương đánh giá vụ việc ảnh hưởng môi trường đầu tư rất lớn. Vì thế, tỉnh triển khai nhiều giải pháp để nhà đầu tư hiểu rằng đó là sự cố riêng lẻ, nhất thời. Bình Dương luôn đảm bảo môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi, và bền vững. Nhờ đó, năm 2015 chúng tôi thu hút được gần 3 tỷ USD.
- Có dư luận quan ngại về việc các tỉnh trong cuộc đua thu hút đầu tư có thể kéo nhau cùng xuống đáy, khi mỗi địa phương không phát huy được thế mạnh riêng của mình. Quan điểm của ông như thế nào?
- Đây là vấn đề khó và nếu không cẩn thận chúng ta sẽ rơi vào tình trạng đó. Tuy nhiên, điều này liên quan đến quản lý vĩ mô của Chính phủ. Phải có quy hoạch tổng thể về phát triển công nghiệp trên cả nước, quy hoạch về phát triển từng vùng, và kiên định quyết tâm thực hiện quy hoạch đó.
Thực ra thu hút đầu tư không phải vấn đề dễ dàng, không phải ai cũng làm được. Nhà đầu tư lựa chọn rất kỹ và không dễ gì mời gọi được họ vào. Thế nhưng, nếu chỉ thu hút đầu tư bằng những ưu đãi, dễ dãi thì khó thành công vì thiếu tính bền vững. Thực tế, Bình Dương không trao ưu đãi riêng biệt mà thoát ly khỏi quy định của Nhà nước.
Lãnh đạo dám quyết
- Thực tế Đổi mới 1986 bắt nguồn từ phá rào của một số địa phương. Trong đòi hỏi Đổi mới hiện nay, sự năng động của địa phương như thế nào, thưa ông?
- Địa phương trước hết phải vận dụng quy định pháp luật hiện có để xử lý phù hợp tình hình thực tiễn và đúng luật. Song song, chúng ta có đề xuất để điều chỉnh pháp luật hoặc xây dựng quy định pháp luật mới để đảm bảo sự năng động của địa phương không trái luật.
Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tôi mong rằng sẽ có những khoảng nhất định để địa phương được chủ động tính toán xé rào. Chúng ta có thể chấp nhận những xé rào và việc đó cần được đánh giá một cách khách quan, công minh thì các địa phương mới có thể mạnh dạn làm.
Bình Dương với nhiều thế hệ lãnh đạo từ trước đến nay đều quyết liệt và có tư duy xé rào. Nếu không có xé rào thì không được như hiện nay. Tuy nhiên khi các cơ quan Trung ương làm việc, mình cũng trình bày, thẩm định. Nếu việc xé rào hợp lý, không vì lợi ích riêng tư, yếu tố cá nhân thì nên ủng hộ.
- Liệu bộ máy hành chính cồng kềnh có thể là lực cản tiến trình đổi mới?
- Về bộ máy đúng là có thực tế bố máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc quá. Tuân thủ quy trình thủ tục rất tốn thời gian.
Trong thực hiện, chúng tôi cố gắng vận dụng tối đa quy định, không để vi phạm luật nhưng có những cái phải làm đồng thời. Bộ máy phải linh hoạt, hỗ trợ và lãnh đạo phải dám quyết.
Ví dụ, doanh nghiệp chưa có thẩm định, liệu anh có dám ký không? Mình nghiên cứu, thấy đúng, thấy tốt thì mình ký, chờ sở thẩm định xong thì xây dựng.
Vì thế, vai trò người đứng đầu cực kỳ quan trọng. Anh phải có sự quyết đoán. Nhưng sự quyết đoán ấy phải dựa trên cơ sở trí tuệ, dựa trên cơ sở khoa học chứ không phải độc đoán và phải vì lợi ích chung.