Ðể triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, tháng 1/2017, Bộ GD&ÐT khởi động dự án vay Ngân hàng Thế giới 77 triệu USD, trong đó 16 triệu USD được chi cho việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, đến tháng 5, Bộ GD&ÐT báo cáo không thực hiện được bộ sách này.
Tại sao Bộ GD&ĐT không trả lại 16 triệu USD đã vay?
Trả lời Zing.vn, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - cho hay trong số 16 triệu USD biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK), có phần dành cho tổ chức, thù lao tác giả, triển khai biên soạn; một phần để biên soạn tài liệu dành cho người biên soạn, thẩm định, giúp tác giả và người tham gia thẩm định hiểu được chương trình, tiêu chí để thực hiện biên soạn, thẩm định đúng với các tiêu chí và có chất lượng tốt.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Moet. |
Số tiền trên cũng bao gồm cả kinh phí biên soạn SGK song ngữ tiếng dân tộc thiểu số, kinh phí dành cho việc dịch một số SGK sang chữ nổi Braile để phục vụ cho đối tượng học sinh khiếm thị.
Nếu Bộ GD&ĐT tổ chức viết một bộ SGK như dự kiến, phần lớn kinh phí sẽ được dùng cho thù lao tác giả và tổ chức biên soạn, thử nghiệm, hoàn thành bản mẫu SGK. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng Bộ GD&ĐT không sử dụng ngân sách Nhà nước mà xã hội hoá nên tiết kiệm được phần lớn trong khoản này.
Sau khi Bộ GD&ĐT báo cáo không thực hiện một bộ sách như kế hoạch, đơn vị này dự kiến dùng số tiền 16 triệu USD để đổi mới chương trình phổ thông. Bởi, ngoài kinh phí dành cho biên soạn SGK, một loạt công việc khác liên quan như biên soạn tài liệu, bồi dưỡng gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, hỗ trợ các vùng khó khăn.
Bộ GD&ĐT cho hay những khoản trên, trong thiết kế của dự án đã có, nhưng không đủ. Do vậy, cần đàm phán để sử dụng nguồn kinh phí đó tăng cường, nhất là hỗ trợ các vùng khó khăn.
Dư luận đặt câu hỏi tại sao Bộ GD&ĐT không trả lại 16 triệu USD cho Ngân hàng Thế giới khi không biên soạn SGK. Thậm chí, có người cho rằng bộ đang “thừa giấy vẽ voi”?
Ông Thành trả lời rằng khi thiết kế dự án, các cấu phần đã được tính toán kỹ trong khuôn khổ nguồn vốn vay theo thỏa thuận, nhưng so với nhu cầu còn thiếu nhiều.
Nếu không tái cấu trúc mà trả lại thì sau đó vẫn phải dùng ngân sách để chi cho một loạt hoạt động như mua sách hỗ trợ đối tượng chính sách được mượn, bồi dưỡng giáo viên… Việc sử dụng số tiền 16 triệu USD này để phân bổ lại trong khuôn khổ của dự án để bảo đảm mục tiêu của dự án sẽ tốt hơn cho giai đoạn đầu triển khai thực hiện chương trình mới.
Cần giám sát việc giải ngân
Bộ GD&ĐT cho biết trước đây, việc mua sách cho vùng khó khăn được chi 4,5 triệu USD. Theo tính toán, số tiền này chỉ mua sách lớp 1 đã chiếm phần lớn và chỉ còn lại một phần nhỏ để mua sách lớp 2 cho năm tiếp theo.
Khi dư một phần trong khoản vay 16 triệu USD, dự án có thể đề nghị trang bị thêm SGK cho thư viện vùng khó khăn từ lớp 1, 2 và 6. Điều này phù hợp mục tiêu dự án, cũng như yêu cầu bộ đặt ra: Ưu tiên hỗ trợ triển khai chương trình mới và vùng đặc biệt khó khăn.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - cho rằng Bộ GD&ĐT đưa ra kế hoạch sử dụng 16 triệu USD như vậy là bình thường. Mục tiêu và các hoạt động dự án thay đổi buộc phải điều chỉnh lại hoạt động.
"Trước đó, Quốc hội quyết định nhiều bộ sách giáo khoa, trong khi dự án thiết kế cách đây vài năm không lường trước được thay đổi này. Vì thế, phải bàn lại với nhà tài trợ để sử dụng cho những mục đích khác là điều bình thường", TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
Theo ông Vinh, để tránh dư luận không tốt, Bộ GD&ĐT cần công khai, minh bạch thông tin, cũng như rút kinh nghiệm khi thiết kế dự án. Các NXB nói chung nên tự bỏ tiền thuê chuyên gia biên soạn SGK bằng chính vốn của mình. Đây là hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường, không nhất thiết dự án phải chi trả hỗ trợ. Còn nếu hỗ trợ giá sách, sự quan tâm dành cho học sinh ở những vùng khó khăn sẽ hợp lý hơn.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng các khâu phải có giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Thế giới, đảm bảo tính công khai minh bạch.
Nói về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành thông tin từ ngày 25/11-6/12, Bộ GD&ĐT có kỳ đánh giá cuối năm. Bộ GD&ĐT cùng Ngân hàng Thế giới sẽ bàn bạc kỹ trong từng cấu phần gồm: Chương trình, SGK, đánh giá và quản lý dự án.
Theo đó, nguồn kinh phí tiếp tục giải ngân và Bộ GD&ĐT đang đề nghị để có thể kéo dài gia hạn dự án, đảm bảo lộ trình áp dụng và hỗ trợ triển khai cho những năm sau. Tất cả đều phải được sự chấp thuận và giám sát bởi Ngân hàng Thế giới, quy chế của Bộ Tài chính và hệ thống pháp luật, thanh tra, kiểm toán.
Theo Bộ GD&ĐT, trong dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng, cũng như bất cứ dự án ODA nói chung, kinh phí tài trợ được quy định chặt chẽ trong hiệp định. Sau đó, người thực hiện phải bàn bạc với nhà tài trợ về các cấu phần, chi tiêu khoản gì, bao nhiêu và được ghi thành sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án.
Quá trình thực hiện sẽ giải ngân từng hạng mục cụ thể. Việc rút vốn được thực hiện theo quy trình, quy định của pháp luật với sự phê duyệt của Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới.