Liên quan sai phạm về điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia ở Sơn La, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhận định có dấu hiệu tẩy xóa trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh.
Ảnh bài thi trắc nghiệm đã bị xóa và ảnh bài thi trắc nghiệm để xuất ra dữ liệu gửi về Bộ GDĐT để chấm bài là hoàn toàn giống nhau. Từ những bất thường đó, Bộ GD&ĐT đã cùng các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an vào cuộc làm rõ.
Chia sẻ với Zing.vn, tiến sĩ - luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định việc sửa hoặc tẩy xóa bài thi của thí sinh là trái với quy chế của kỳ thi. Người trực tiếp can thiệp bài thi trắc nghiệm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Ông Phạm Văn Thủy - Phó chủ tịch tỉnh Sơn La - khẳng định tỉnh kiên quyết xử lý những người có sai phạm, tuyệt đối không có vùng cấm. Ảnh: Bá Chiêm. |
Người can thiệp phiếu thi đã sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện hành vi sai trái. Đó là dấu hiệu tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong vụ sai phạm về kết quả thi ở Sơn La, hành vi sửa hay tẩy xóa phiếu thi của thí sinh là hành vi nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến tính đúng đắn của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Đặc biệt hơn, kỳ thi này mang tính “hai trong một”, nghĩa là dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trường nghề.
Do đó, luật sư đánh giá việc điều chỉnh kết quả thi đã làm ảnh hưởng đến các thí sinh học tập, thi cử nghiêm túc và có kết quả cao theo thực lực. Từ đó, hành vi này gián tiếp tước đoạt và làm mất đi tương lai, mất đi cơ hội của những thí sinh nghiêm túc.
Sai phạm xảy ra ở Sơn La còn ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội đối với kết quả của một kỳ thi quốc gia.
42 bài thi Ngữ văn ở Sơn La thay đổi điểm sau khi chấm thẩm định. |
Tiến sĩ luật phân tích bản chất của việc xét tuyển đại học và cao đẳng, là các trường lấy thí sinh có điểm từ cao đến thấp. Việc can thiệp bài thi để sửa, nâng điểm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
"Hành vi này có tổ chức, thậm chí có dấu hiệu của vụ lợi. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cơ quan chức năng có thể gặp khó khăn trong việc chứng minh dấu hiệu vụ lợi đó", luật sư Thiệp nêu quan điểm.
Gian lận thi cử xảy ra tại một số địa phương dù có những thủ đoạn khác nhau, mức độ tinh vi không giống nhau nhưng tính chất nguy hiểm của hành vi đó cho xã hội là như nhau.
Theo luật sư, với những tiêu cực trong thi cử đã xảy ra tại Hà Giang và Sơn La, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm, đủ sức răn đe.
Trước mắt, cơ quan chức năng Sơn La cần nhanh chóng khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Tiếp đó, cơ quan điều tra làm rõ, khởi tố bị can để xử lý nghiêm minh cá nhân sai phạm.
Người có hành vi sửa hay tẩy xóa bài thi phải là người có chức vụ, quyền hạn mới tiếp cận được các tài liệu mật đó. Hơn nữa, người đó đã lợi dụng trách nhiệm được giao để thực hiện hành vi sửa điểm, sửa bài thi nhiều khả năng vì động cơ vụ lợi.
Phân tích dữ liệu điểm thi do Bộ GD&ĐT cung cấp cho thấy Sơn La chỉ đứng sau Hà Giang trong danh sách top 15 tỉnh thành có số lượng bài thi ở 5 khối chính đạt từ 27 điểm trở lên. Đồ họa: Lê Nhân. |
Theo Bộ GD&ĐT, xác minh ban đầu thấy những người liên quan vi phạm quy chế thi THPT quốc gia 2018 gồm:
- Ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Ủy viên Ban chỉ đạo thi, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng ban thường trực Ban chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm.
- Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La, Thư ký Ban chỉ đạo, Uỷ viên Tổ chấm thi trắc nghiệm.
- Bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm.
- Ông Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm.
- Ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La, ủy viên Ban chỉ đạo, ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký.