Liên quan vụ pháo nổ đỏ đường trong đám cưới ở Hà Nội, Công an huyện Sóc Sơn đã tạm giữ Trần Văn Khang (41 tuổi, ở cùng địa phương) để làm rõ hành vi Gây rối trật tự công cộng.
Cơ quan chức năng xác định Khang là người trực tiếp đốt pháo. Một nghi phạm liên quan vụ việc cũng đang bị truy bắt.
Công an tiếp tục xác minh nguồn gốc số hàng cấm để xử lý. Tài liệu điều tra chưa xác định chủ nhà có liên quan vụ việc hay không.
Dọc lối vào đám cưới treo pháo khá dài. Ảnh cắt từ clip. |
"Thách thức pháp luật"
Vụ đốt pháo trong đám cưới diễn ra tại ngôi nhà nằm ven quốc lộ 3, cách đồn Công an Phù Lỗ (Công an huyện Sóc Sơn) hơn 100 m.
Nhiều độc giả Zing.vn cho rằng việc làm này thể hiện sự coi thường pháp luật, biết vi phạm luật nhưng vẫn thực hiện nên cần xử lý nghiêm để răn đe.
"Họ dám đốt nhiều thế thì sợ gì tiền phạt, rõ ràng là cố ý thách thức pháp luật", tài khoản Leon nêu ý kiến.
Bạn đọc Hoa Vinh cho rằng hành vi đốt pháo trong đám cưới ở Sóc Sơn là coi thường pháp luật.
"Có thể họ cho rằng bỏ ra ít tiền nộp phạt thì có thể đốt pháo, nếu không xử lý nghiêm thì những người khác cũng sẵn sàng nộp phạt để đốt pháo mừng đám cưới", người này bình luận.
Một độc giả khác nhìn nhận hành vi đốt pháo nổ trong đám cưới đã vi phạm Nghị định 167 của Chính phủ, được ban hành từ 7 năm trước.
"Ngoài việc xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm, nên chăng cần gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương không phát hiện được sự việc đốt pháo nổ", độc giả này nêu quan điểm.
Chia sẻ với Zing.vn, ông N. (chủ căn nhà nơi có đám cưới đốt pháo), nói hôm đó, ông đã quán triệt từ trước không được đốt pháo. Ông có nghe việc khách ở đám hỷ đốt pháo nhưng ông không rõ ai đốt.
Còn lãnh đạo xã Phù Lỗ cho rằng "vụ đốt pháo ở đám cưới là sự việc không may". Ngoài ra, hành vi đốt pháo khó xử lý bởi pháo nổ rất nhanh. Khi lực lượng chức năng có mặt thì không "bắt được quả tang".
Ngôi nhà cao tầng nơi xảy ra vụ đốt pháo. Ảnh: Hồng Đăng. |
Cần làm rõ ai mua, bán pháo
Theo luật sư Hoàng Tùng (Trưởng văn phòng luật Trung Hòa), hành vi đốt pháo trong đám cưới ở xã Phù Lỗ đã vi phạm pháp luật.
Cơ quan chức năng sẽ căn cứ hành vi và hậu quả, đồng thời thu thập chứng cứ để xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm.
Luật sư cho rằng trước hết cần xác định người đốt pháo có hành vi tàng trữ hay mua bán không? Ngoài ra, cần xác minh trọng lượng của số pháo nổ để có căn cứ xử lý.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) nói rằng việc sử dụng pháo hoa, pháo sáng tại các đám cưới khá phổ biến. Tuy nhiên đốt pháo nổ trong sự kiện này thì nhiều năm nay đã bị pháp luật nghiêm cấm.
Trong vụ việc xảy ra ở xã Phù Lỗ, luật sư Cường cho rằng cần làm rõ hành vi mua bán trái phép số lượng pháo đã đốt, xác minh rõ người đốt pháo đã lấy hàng cấm từ đâu, số lượng pháo bao nhiêu?
"Nếu xác định pháo có khối lượng từ 10 kg trở lên thì sẽ xử lý hình sự người mua bán về tội buôn bán hàng cấm, khung hình phạt tù lên đến 15 năm", luật sư phân tích.
Nếu hậu quả được xác định chưa đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt 1-2 triệu đồng đối với hành vi Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền.
Hoặc phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được cho phép, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167.
Còn đối với người đốt pháo, nếu không phải là người trực tiếp mua bán pháo nổ trái phép nhưng việc đốt pháo xảy ra nơi công cộng thì đây là hành vi gây rối trật tự công cộng. Hình phạt gồm phạt tiền tối đa 50 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm.
Theo luật sư, sự việc đã xảy ra nhưng căn cứ các thông tin thu thập được và hình ảnh xuất hiện trong clip, cơ quan chức năng sẽ xác định trọng lượng, nguồn gốc số pháo nổ để xử lý.