Chiều 14/10, lãnh đạo Đội tổng hợp Công an thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) xác nhận vụ bà Huỳnh Thị Nhung (45 tuổi, trú thôn Ninh Sim) chết sau khi làm việc với cơ quan điều tra.
Theo đó, người phụ nữ này bị cho dùng kéo tự đâm vào cổ dẫn đến tử vong.
Đến sáng 14/10, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với cơ quan liên quan, tiến hành khám nghiệm tử thi, đồng thời thông báo cho gia đình biết sự việc.
Dư luận cho rằng còn nhiều uẩn khúc xoay quanh cái chết của chị Nhung, nên cần được làm rõ.
Cái kéo từ đâu ra?
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng phải làm rõ cái kéo mà bà Nhung dùng đâm vào cổ mình là của ai, ở đâu mà người phụ nữ này có?
Luật sư cho rằng pháp luật không quy định cấm để dao, kéo trên bàn làm việc mà chỉ cấm trong nhà tạm giữ, tạm giam. Điều tra viên vẫn thường sử dụng dao, kéo để cắt giấy khi sắp xếp hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, cần phải điều tra xem nguồn gốc cái kéo trên bàn, kéo đó có phải dùng để cắt giấy hay không?
Người phụ nữ bị cho là dùng kéo tự sát. Ảnh minh họa. |
Cũng theo nội dung sự việc, khi kiểm tra nhà nghỉ của bà Nhung, cảnh sát bắt quả tang cặp nam nữ đang có hành vi mua bán dâm nên mời bà chủ nhà nghỉ cùng một số người về cơ quan điều tra làm việc. Người nhà thắc mắc việc giữ người có dấu hiệu trái pháp luật hay không.
Về trường hợp này, luật sư Dũ cho rằng việc làm của cơ quan điều tra là bình thường, phục vụ công tác điều tra. Thông thường, nghiệp vụ bắt mại dâm là theo dõi một thời gian, xác định có hay không sự liên quan của chủ nhà nghỉ, tiếp tân hoặc bảo vệ, thu thập tài liệu trinh sát thận trọng. Đến khi có lệnh phá án thì bắt quả tang mua bán dâm; đồng thời bắt luôn người tổ chức, môi giới. Sau đó chuyển hóa, củng cố chứng cứ để xử lý theo trình tự tố tụng hình sự.
"Vụ này có thể công an không lập kế hoạch trinh sát thận trọng nên khi bắt mua bán dâm, lại không đủ chứng cứ bắt chủ nhà nghỉ nên mời về đấu tranh", luật sư Dũ nhận định.
Người nhà phản ứng trước việc tại sao chị Nhung chết từ tối mà đến sáng gia đình mới được báo tin, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết việc chậm thông báo có lẽ chờ cấp cứu xem tình hình thế nào. Vì nếu báo sớm có thể khiến người nhà bức xúc, ảnh hưởng đến việc cấp cứu. Tuy nhiên, việc chậm báo có thể làm cho người nhà hiểu lầm.
"Hiện tại vẫn chưa biết có đúng người phụ nữ này tự tử hay không. Đó mới chỉ là thông tin từ một phía. Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ", luật sư Nam nói.
Luật sư Dũ nói thêm: "Nếu thấy vụ án này có nhiều uẩn khúc, Cục Điều tra VKSND Tối cao nên vào cuộc để làm rõ sự thật khách quan. Nếu bà Nhung không phải tự tử thì chứng tỏ có dấu hiệu tội phạm".
Mời luật sư giám sát
Theo các luật sư, khi bị triệu tập, đương sự có quyền mời luật sư tham gia giám sát hoặc tư vấn pháp luật. Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cho phép người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố được mời luật sư bảo vệ quyền lợi.
"Nếu không thuộc dạng người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố thì cũng mời luật sư đi cùng để giám sát hoặc tư vấn pháp luật. Nếu được cho vào thì luật sư cùng vào. Nếu không thì luật sư ngồi ngoài chờ tư vấn cho thân chủ, đồng thời giám sát. Gia đình sẽ yên tâm hơn", luật sư Dũ đề xuất.
Luật sư cho rằng bản thân người bị triệu tập lấy lời khai cũng có quyền không khai nếu không có mặt luật sư mà họ yêu cầu.
"Công dân có quyền không khai báo nếu thấy cách làm việc của cơ quan công an không khách quan, bức cung, nhục hình và không có luật sư mà mình yêu cầu", luật sư Dũ chia sẻ.
Còn trong trường hợp bị mời lên công an, theo luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM), khi chưa xác định và chưa có bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của công dân, công an không có quyền buộc công dân phải lên phường làm việc.
Do vậy, trong trường hợp bản thân không phải là người tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự cụ thể, không phạm tội quả tang thì nếu bị mời, bị triệu tập, người dân có quyền từ chối.