Đó là nội dung được TS Đỗ Tuấn Minh - hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội - lưu ý trong việc nâng hiệu quả bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ hiện nay.
Ba yêu cầu quan trọng
Yêu cầu đầu tiên, theo TS Đỗ Tuấn Minh, phải có sự nhận thức đúng đắn của toàn xã hội, đặc biệt của các giáo viên về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng giáo viên.
Cần có hoạch định về chính sách, văn bản pháp quy tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động bồi dưỡng cũng như những biện pháp hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho giáo viên và các cơ sở giáo dục tham gia quá trình bồi dưỡng.
Trước mắt, các cơ quan quản lý giáo dục cần ban hành các thể chế, quy định việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên hàng năm là bắt buộc.
Theo đó, giáo viên sẽ phải đăng ký tham gia bồi dưỡng trực tuyến thường xuyên trong năm và ít nhất một lần trong một năm được cử tham gia bồi dưỡng trực tiếp tại một trong những đơn vị được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ bồi dưỡng.
Cần quy định việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên là bắt buộc. |
Thứ hai, việc tổ chức bồi dưỡng cần được thống nhất thực hiện bởi các cơ sở hay trung tâm bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ trọng điểm đặt tại các cơ sở đào tạo đại học chuyên ngữ lớn, có uy tín, có đủ khả năng và kinh nghiệm tổ chức hoạt động bồi dưỡng có chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, thường xuyên, liên tục.
Yêu cầu thứ ba được TS Đỗ Tuấn Minh đưa ra là công tác tổ chức bồi dưỡng giáo viên cần được triển khai theo mô hình bồi dưỡng mới, trên cơ sở vừa kế thừa những thành quả của hoạt động bồi dưỡng hiện nay, vừa tích hợp những cập nhật mới nhất về hoạt động bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn giảng dạy ở Việt Nam.
Yêu cầu từ người học và cơ sở bồi dưỡng
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của người học và các cơ sở bồi dưỡng, TS Đỗ Tuấn Minh cho rằng người học, giáo viên tham gia bồi dưỡng, cần có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng; có động cơ học tập đúng đắn và hình thành thói quen học tập suốt đời, không ngừng nâng cao các phẩm chất và kỹ năng nghề nghiệp.
Về phía các cơ sở, trung tâm bồi dưỡng, cần xác định đúng vai trò và thực hiện tốt trách nhiệm của đơn vị bồi dưỡng, tổ chức và quản lý tốt hoạt động bồi dưỡng giáo viên một cách tích cực, hiệu quả.
Để đạt được điều đó, theo TS Đỗ Tuấn Minh, đơn vị bồi dưỡng phải có bộ phận chuyên trách tổ chức công tác bồi dưỡng, có đội ngũ cán bộ cơ hữu tham gia giảng dạy và thường xuyên nghiên cứu về hoạt động bồi dưỡng giáo viên.
Cần phải tìm hiểu và gắn bó với thực tế giảng dạy của giáo viên. Đưa thêm những trải nghiệm thực tế trong môi trường giảng dạy ngoại ngữ tại cơ sở để tiến hành xây dựng và tổ chức được những chương trình bồi dưỡng có nội dung phù hợp.
Giáo viên nên chia sẻ những kinh nghiệm học tập và giảng dạy, hướng dẫn giáo viên tự nghiên cứu nâng cao trình độ và vận dụng những kiến thức đã học vào giảng dạy thực tế.
Ngoài ra, trung tâm bồi dưỡng cũng cần làm tốt công tác hậu cần, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, phòng học ngoại ngữ đạt chuẩn với các thiết bị dạy học phù hợp, hiện đại, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, điều kiện ăn ở cho giáo viên.
Hơn nữa, trung tâm cũng cần có mối quan hệ hợp tác tốt với các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông trong và ngoài địa bàn để đưa giáo viên đi tham quan thực hành thực tế, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.
Thường xuyên liên hệ đưa giáo viên sang tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm tại các cơ sở bồi dưỡng giáo viên trong và ngoài nước áp dụng mô hình đào tạo tiên tiến đáng được học tập, nhân rộng...
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình bồi dưỡng chính là các trung tâm bồi dưỡng giáo viên phải có nguồn nhân lực có khả năng xây dựng và tổ chức các chương trình. Nội dung bồi dưỡng mang tính thực hành, ứng dụng cao, sát với nhu cầu thực tế của giáo viên.
Có khả năng thiết kế và tổ chức nhiều hình thức bồi dưỡng phong phú, đa dạng, kết hợp linh hoạt hình thức bồi dưỡng trực tuyến với bồi dưỡng trực tiếp và tự học của học viên cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của học viên.
Các đơn vị khác được giao nhiệm vụ bồi dưỡng để cùng thống nhất tổ chức các chương trình bồi dưỡng, phương pháp kiểm tra đánh giá, tạo mặt bằng chung về chất lượng bồi dưỡng trong toàn hệ thống.
“Trong kế hoạch hoạt động thực hiện các nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên theo Đề án Ngoại ngữ 2020 của ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) trong thời gian tới, các chương trình bồi dưỡng giáo viên do nhà trường tổ chức sẽ có nhiều nội dung phong phú, không chỉ chuyên sâu về nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ.
Thêm vào đó, chú trọng tăng cường phương pháp giảng dạy ngoại ngữ và các kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ khác của giáo viên.
Cụ thể như năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ, nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh trong lớp học, hướng dẫn phương pháp khai thác sử dụng sách giáo khoa tiếng Anh một cách hiệu quả (theo chương trình ngoại ngữ mới 10 năm).
Năng lực tổ chức và quản lý lớp học ngoại ngữ (lớp đông và đa trình độ), năng lực thiết kế bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ cho học sinh; nâng cao khả năng phát âm và dạy phát âm; xây dựng mục tiêu bài giảng; thiết kế giáo án và chỉnh sửa, biên soạn tài liệu giảng dạy...
Với mục tiêu lấy chất lượng làm trọng, ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN sẽ cố gắng đáp ứng tốt hơn nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên ngoại ngữ các bậc học, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đề án Ngoại ngữ 2020 giao” - TS Đỗ Tuấn Minh chia sẻ.